Tăng giá điện, có thêm 20.000 tỷ đồng: EVN chỉ thu hộ, không được xu nào!?

Theo D.Thùy/InFonet

Ông Đinh Quang Tri , Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết việc điều chỉnh tăng giá điện lần này giúp EVN tăng thu hơn 20.000 tỉ đồng.

Từ 20/3, giá điện bán lẻ bình quân sẽ tăng 8,36% so với mức hiện hành, từ mức 1.720,65 đồng/kWh lên mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).

Giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc thang. Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 (0 - 50kWh) là 1.678 đồng/kWh, bậc 2 (51 - 100kWh) là 1.734 đồng/kWh, bậc 3 (101 - 200kWh) là 2.014 đồng/kWh, bậc 4 (201 - 300kWh) là 2.536 đồng/kWh, bậc 5 (301- 400kWh) là 2.834 đồng/kWh, bậc 6 (401kWh trở lên) là 2.927 đồng/kWh.

Tăng giá điện, có thêm 20.000 tỷ đồng: EVN chỉ thu hộ, không được xu nào!? - Ảnh 1
Sau khi tăng giá điện EVN sẽ thu về khoảng 20.000 tỷ đồng

Chia sẻ tại buổi họp báo về điều chỉnh giá điện, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sau khi tăng giá điện lần này, EVN sẽ thu về khoảng hơn 20.000 tỷ đồng.

Ông Tri cho biết, toàn bộ số tiền đó dùng để chi trả cho phần chi phí đầu vào tăng thêm.

"Chúng tôi gần như là người trung gian đi thu và trả cho các đối tác cung cấp than, khí, nhà máy điện bán cho EVN…", ông Tri cho biết.

Cụ thể, chi phí đầu vào tăng thêm gồm 7.000 tỷ đồng cho than, chênh lệch tỷ giá khí trong bao tiêu 6.000 tỷ, chênh lệch tỷ giá của nhà máy điện ngoài EVN khoảng 3.825 tỷ đồng. Ngoài ra, còn chi phí mua dầu, chênh lệch mua điện tăng lên...

Tổng thanh toán bổ sung mà EVN phải chi trả là 21.000 tỷ đồng. Như vậy ngành điện vẫn bị âm khoảng 1.000 tỷ đồng nếu chi trả hết các đối tác.

Ông Tri cho biết, khoản tiền này EVN phấn đấu giảm chi phí để tiết kiệm và sẽ được đưa vào năm 2019.

Cũng theo ông Tri, năm 2018 nhờ EVN có lãi nên đã xử lý được 4.500 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá từ các năm trước, giảm bớt gánh nặng điều chỉnh giá bán lẻ điện lần này. 

Tin Cùng Chuyên Mục