Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm thấp kỷ lục trong vòng 20 năm, nhưng Việt Nam vẫn thuộc hàng top ở ASEAN

Giang Phạm

Tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 2,12% - con số thấp nhất kể từ năm 2000. Tuy nhiên, Nikkei đánh giá Việt Nam đã tạo ra bất ngờ khi đạt mốc tăng trưởng tốt hơn hàng loạt quốc gia Đông Nam Á.

Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III/2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý III các năm trong một thập kỷ qua.

Bên cạnh đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng đầu năm 2020 tăng 2,12%, cũng ghi nhận là con số thấp nhất kể từ năm 2000.

Theo cơ quan thống kê, trong khi dịch Covid-19 khiến nhiều nền kinh tế toàn cầu suy giảm, tăng trưởng âm, GDP Việt Nam dù sụt giảm về tốc độ nhưng vẫn là một điểm sáng. Đồng thời, nền kinh tế đang từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện "bình thường mới". 

Nhận định về con số 2,12% này, tờ Nikkei cho rằng nhờ việc kiểm soát được dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam không chỉ duy trì được GDP dương mà còn đánh dấu mức tăng trưởng tốt hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á lớn nào khác.

Trong quý III, các khu vực kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn quý II. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%; công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%; còn dịch vụ tăng 2,75%. Tính chung 9 tháng đầu năm, các khu vực kinh tế trên cũng tăng lần lượt 1,84%; 3,08% và 1,37%.

Với khu vực nông nghiệp, những lĩnh vực trọng tâm đều tăng thấp nhất trong vòng 10 năm. Bên cạnh chịu ảnh hưởng từ Covid-19, ngành nông nghiệp cũng chịu thêm tác động kép của biến đổi khí hậu và dịch tả lợn châu Phi.

Do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch, khu vực dịch vụ có mức tăng thấp nhất trong nhiều năm. Ngành vận tải, kho bãi giảm 4%, dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng thụt lùi hơn 17%. Tuy nhiên vẫn có những lĩnh vực duy trì tăng trưởng dương, như bán buôn và bán lẻ tăng gần 5%, hoạt động tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tăng 6,68%. 

Báo cáo của Tổng cục thống kê cũng cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,12% so với tháng trước, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.

Theo cơ quan này, nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ là việc điều chỉnh tăng học phí trong tháng 9, sản lượng và doanh thu điện sinh hoạt tăng trong tháng 8 và giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất kể từ năm 2011.

Cùng với đó, bình quân 9 tháng đầu năm, CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây. 

Tuy không nằm trong rổ hàng hoá tính CPI song chỉ số giá vàng tháng 9 giảm 0,33% so với tháng trước. Bình quân giá vàng thế giới tính đến ngày 28/9 tăng 2,55% so với tháng 8. 

Chỉ số giá USD tháng 9/2020 giảm 0,05% so với tháng trước, giảm 0,17% so với cùng kỳ năm 2019.

Tin Cùng Chuyên Mục