Tạp chí Kinh tế đặc biệt: Thiên nga đen, virus bất bình đẳng, và 1+1>2

Theo VTV

Mọi thứ diễn ra quá nhanh, từ y tế đến kinh tế, COVID-19 ập đến như hiện tượng "thiên nga đen".

Thiên nga đen

Với Covid-19, mọi thứ diễn ra quá nhanh (Ảnh: World Bank)
Với Covid-19, mọi thứ diễn ra quá nhanh (Ảnh: World Bank)

Thế nhưng, có thực sự đây là bất ngờ không thể dự đoán. Hay những dấu hiệu vẫn thường bị bỏ qua? Như cách mọi cuộc khủng hoảng trong quá khứ bắt đầu.

Ngược thời gian về năm 1929. Cuộc đại suy thoái nặng nề nhất thế kỷ 20 được báo hiệu khi các nhà bị phá hủy, của cải bị đổ bỏ bởi khủng hoảng thừa. Còn với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009. Những bản hợp đồng cho vay dưới chuẩn của các ngân hàng Mỹ, là điềm báo cho những vụ nổ bong bóng bất động sản.

Năm 2020, với Covid-19 là một cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ vấn đề phi kinh tế. Nó mang yếu tố thiên tai, nhưng lại tập trung hoàn toàn vào con người.

Dấu hiệu đầu tiên đến từ cảnh báo của một bác sĩ tại Vũ Hán, nhưng đã bị phớt lờ. Tiếp đến là sự chủ quan…

"Bạn làm một số việc mà bạn thường làm khi bị cúm. Ý tôi là, hãy xem điều này giống như bệnh cúm", cựu Tổng thống Mỹ Trump.

"Nếu tôi bị nhiễm Covid-19, tôi sẽ không quá lo lắng. Tôi sẽ chỉ cảm thấy đó như cảm cúm thông thường hoặc do thời tiết", Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.

Tác động Covid-19 nhanh và mạnh như những hạt gạo trên bàn cờ vua
Tác động Covid-19 nhanh và mạnh như những hạt gạo trên bàn cờ vua

Sự chủ quan gần giống như bài toán về tính không ngờ của những hạt gạo trên bàn cờ. Không ai nghĩ chỉ từ 1 hạt xếp ở ô đầu tiên, mà nếu cứ nhân đôi ở các ô kế tiếp, thì đến ô thứ 64, số gạo sẽ lớn bằng tổng lương thực của toàn bộ loài người sản xuất trong 2 thế kỷ.

"Thiên nga đen", một thuật ngữ do Giáo sư kinh tế Nassim Nicholas Taleb - cựu thương nhân Phố Wall là người đầu tiên đề xuất, được dùng để nhấn mạnh những sự kiện vượt quá dự đoán bình thường, hiếm có, thậm chí cũng chưa chắc có khả năng xảy ra nhưng ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới tài chính và hệ thống kinh tế toàn cầu.

Virus "bất bình đẳng"

"Không bao giờ tôi có thể tưởng tượng được một ngày tôi phải đứng xin nhận đồ ăn cứu trợ như thế này. Không bao giờ tôi nghĩ mình lại có thể thất nghiệp"

Ruth Crawford – một người nhận nhận thực phẩm miễn phí tại Mỹ

Sự bất định và dai dẳng của Covid-19 trong một năm qua đã vẽ ra một kịch bản mới cho kinh tế toàn cầu, theo mô hình chữ "K". Tại đây trong nhánh đi xuống, những người thu nhập thấp là đối tượng chịu tổn thương nặng nề nhất trong khủng hoảng đại dịch Covid-19. Mối đe dọa sức khỏe với họ dù lớn, nhưng không thường trực bằng nỗi ám ảnh mất việc và chi tiêu.

Covid-19 khiến cho dòng người xếp hàng xin trợ cấp nối dài khắp thế giới (Ảnh minh họa - Ảnh: Nicholas Chan)  
Covid-19 khiến cho dòng người xếp hàng xin trợ cấp nối dài khắp thế giới (Ảnh minh họa - Ảnh: Nicholas Chan)  

Covid-19 khiến cho dòng người xếp hàng xin trợ cấp nối dài khắp thế giới, từ tiền cho đến thực phẩm. Thậm chí ở nền kinh tế hàng đầu – nước Mỹ, cứ 6 người lại có 1 người phải đối mặt với nguy cơ thiếu ăn.

Ngân hàng Thế giới ước tính Covid-19 có thể đẩy 115 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2020.

Thu nhập của người lao động toàn cầu mất đi 3.700 tỷ USD – tương đương việc thế giới mất đi toàn bộ giá trị của cải mà nền kinh tế số một Châu âu là nước Đức tạo ra trong suốt cả năm. Số việc làm mất đi cũng nhiều hơn 4 lần so với thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2009.

Nhìn rộng hơn, hàng không, du lịch… là những ngành chịu tác động tiêu cực nhất bởi đại dịch Covid-19. Ước tính vào cao điểm dịch, 2/3 số máy bay toàn cầu rơi vào chế độ bảo quản. Việc của các "nghĩa địa" máy bay, là chơi trò "xếp hình" làm sao cho còn dư được vài chỗ trống để dự phòng.

Tại Việt Nam, có thời điểm chỉ có 8 trên tổng số 106 máy bay của Vietnam Airlines được cất cánh. Một nửa số nhân viên bị cắt giảm. Số tiền lỗ cả năm của hãng này, bằng lợi nhuận của gần 560 nghìn chuyến bay

Máy bay ùn ứ không thể cất cánh vì Covid-19
Máy bay ùn ứ không thể cất cánh vì Covid-19

Trong khi với du lịch, không quá để nói rằng, Covid-19 đã đẩy ngành này vào trạng thái "chết lâm sàng".

"Bọn em cũng cố gắng duy trì lắm. Nói chung thì mình phải cắt giảm thì mới tồn tại được. Nhiều anh em vay ngân hàng cũng rơi vào vô vàn khó khăn, trực tiếp bán xe và có khi phải nợ thêm", ông Tạ Hùng Cường, Giám đốc công ty vận tải Hùng Cường tại Đà Nẵng.

Nghẹn đắng vì khoản thua lỗ, nợ bủa vây mà loay hoay mãi không thể trả, có chủ doanh nghiệp đã chọn đến cái chết để giải thoát.

"Một câu chuyện buồn của kinh doanh Đà Nẵng trong thời điểm Covid-19, rất buồn. Anh em trong ngành chia sẻ với nhau thực sự không biết nói cái gì vì nhắc lại là nhiều người rớt nước mắt. Mình cũng không biết nói gì hơn là chỉ cầu nguyện anh ấy được siêu thoát, thứ 2 là mình cũng muốn nhắc nhở anh em cần vững vàng hơn và nghĩ về gia đình mình nhiều hơn", ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Vietravel Đà Nẵng.

Covid-19 giúp người giàu lại càng trở nên giàu hơn

Trong chiều ngược lại, ở chiều đi lên của mô hình chữ "K", Covid-19 đã giúp cho người giàu lại càng trở nên giàu hơn.

Với sức khỏe, Covid-19 đe dọa không phân biệt tầng lớp. Nhưng ở góc độ kinh tế, SARS-CoV-2 được xem là "virus bất bình đẳng". Theo Oxfam, trong khi những người nghèo nhất thế giới sẽ mất hơn 10 năm mới có thể phục hồi, thì 1.000 người giàu nhất đã bù đắp được thua lỗ chỉ trong 9 tháng. Thậm chí, tài sản ròng của 10 người tốp đầu tăng thêm 540 tỷ USD - số tiền đủ để mua vaccine ngừa Covid-19 cho tất cả mọi người trên trái đất.

Tạp chí Kinh tế đặc biệt: Thiên nga đen, virus bất bình đẳng, và 1+1>2 - Ảnh 1

 

Người giàu lại càng trở nên giàu hơn trong đại dịch Covid-19

"Bất phương trình" trong đại dịch

"Bạn có thể lây nhiễm cho cả thế giới không?" – Lời quảng cáo của tựa game nổi tiếng Plague Inc, phát hành cách đây 8 năm, không khác gì lời tiên tri cho hiện tại. Ở trò này, người chơi lựa chọn một loại virus để đóng vai hủy diệt.

Điều bất ngờ mà họ nhận ra, là một virus nguy hiểm không phải loại có độc lực quá mạnh. Bởi nếu nó gây tổn thương quá rõ, rồi bệnh nhân tử vong quá nhanh thì lấy đâu ra thời gian để lây nhiễm. Các quốc gia cũng sẽ hoảng sợ và nhanh tay ngăn chặn ngay từ đầu. Vậy loại virus thế nào mới nguy hiểm hơn cả? Như Covid-19 hóa ra lại là đáp án của trò chơi này.

Nhận định sai lầm ban đầu về Sars-CoV-2 đã đẩy thế giới vào trạng thái chưa từng có: đóng cửa diện rộng. Với hai cấp độ là đóng biên và giãn cách xã hội. Nhưng khi đại dịch kéo dài và thất bại trong kiểm soát số người lây nhiễm, nhiều quốc gia đành áp dụng kỹ thuật suy nghĩ tại "điểm cận biên".

Tạp chí Kinh tế đặc biệt: Thiên nga đen, virus bất bình đẳng, và 1+1>2 - Ảnh 2

Trong đại dịch, thiệt hại kinh tế do đóng cửa lớn hơn, hay thiệt hại về sức khỏe cộng đồng lớn hơn?

Nghĩa là đến thời điểm buộc phải hành động, các bác sĩ sẽ quan tâm tức thời cứu được bao nhiêu người, còn các nhà kinh tế học sẽ hỏi: Thiệt hại kinh tế do đóng cửa lớn hơn, hay thiệt hại về sức khỏe cộng đồng lớn hơn? Nói cách khác: Nếu mở cửa nền kinh tế thêm một chút, có thể đánh đổi bằng bao nhiêu ca bệnh?

"Tôi không sống trong sự lo sợ Covid-19. Chúng ta đang phải trải qua sự suy thoái của nền kinh tế. Nếu ai hỏi tôi rằng liệu ông có sẵn sàng đánh đổi cơ hội sống sót để giữ cho nước Mỹ giống như những gì vốn có, cho thế hệ con cháu sau này. Tôi sẵn sàng chấp nhận tất cả. Hãy quay trở lại với công việc", Phó Thống đốc bang Texas, Phó thống đốc bang Texas Dan Patrick.

Tổ chức Oxfam từng cảnh báo, 12.000 người trên thế giới có nguy cơ chết đói mỗi ngày bởi ảnh hưởng từ Covid-19. Cao hơn cả tỉ lệ tử vong do chính virus này gây ra.

Thế nhưng, lựa chọn giảm một chút sức khỏe cộng đồng có thực sự đáng để tăng được một chút về kinh tế?

Thuỵ Điển và Đan Mạch, hai quốc gia Bắc Âu chỉ cách nhau có một cây cầu Oresund, nhưng lại chọn 2 lối đi hoàn toàn trái ngược. Trong khi Đan Mạch áp dụng lệnh phong tỏa và giãn cách kể từ khi dịch bệnh mới chớm. Thì Thụy Điển thả nổi để người dân tự miễn dịch cộng đồng.

Và cái giá phải trả là số người tử vong vì Covid-19 tại Thụy Điển gấp 8 lần Đan Mạch. Có thời điểm thậm chí chỉ đứng sau Mỹ nếu tính trên mật độ dân số.

Song cái giá về nhân mạng mà Thụy Điển bỏ ra, có đổi lại được một nền kinh tế khỏe mạnh hơn?

"Không ai tới nhà hàng nữa cả. Tôi từ 3 nhà hàng với hơn 100 nhân viên, giờ chỉ còn lại 1 nhà hàng với 10 nhân viên - tức là tôi mất tới 90% tài sản", một chủ doanh nghiệp tại Thụy Điển nói.

Theo Giáo sư trường LSE, Thụy Điển đã chọn đáp án sai lầm. Không cấm thì người dân vẫn đành trốn trong nhà để tránh dịch. Không cấm thì hàng quán vẫn phải tự đóng cửa. Và tăng trưởng của Thụy Điển vẫn âm tới 3,4%.

Những ngày cuối năm 2020, chính phủ Thụy Điển đã thừa nhận sai lầm. Đạo luật cho phép đóng cửa hoạt động kinh doanh và giãn cách xã hội cuối cùng cũng phải thông qua. Dù muốn hay không!

Biểu đồ này WHO cho thấy, sau hơn một năm, Covid-19 vẫn đang thắng thế. Số ca mắc mới và tử vong theo ngày trên toàn cầu vẫn trong xu hướng tăng. Tính từ đầu năm 2020 đến thời điểm này, trung bình cứ mỗi giây lại có 3 người nhiễm bệnh. Và cứ 15 giây, lại có 1 người tử vong vì đại dịch.

Chúng ta đều biết phải làm gì để đưa nền kinh tế trở lại với cuộc sống. Nhưng không thể biết làm cách nào để mọi người sống lại.

Dù ở góc độ y tế hay kinh tế thì duy trì sức khỏe cộng đồng vẫn là cách tốt nhất để tiến lên.
Dù ở góc độ y tế hay kinh tế thì duy trì sức khỏe cộng đồng vẫn là cách tốt nhất để tiến lên.

Trong đại dịch Covid-19, ưu tiên kinh tế nhiều hơn sức khỏe cộng đồng cũng giống như chui vào đường hầm một chiều. Không thể quay đầu, không thể làm lại

Nói cách khác, dù ở góc độ y tế hay kinh tế thì duy trì sức khỏe cộng đồng vẫn là cách tốt nhất để tiến lên. Đó là hướng duy nhất cho chúng ta có thêm quyền lựa chọn.

1+1>2

Đại dịch đã tạo ra khúc cua cho tương lai. Từ cuộc sống của những người yếu thế, đến nhiều thứ to lớn hơn, như cách các nền kinh tế vận hành. Dù tốt hay xấu, thế giới hậu Covid-19 chắc chắn rất khác.

Đa phần các quốc gia đều đang viết một kịch bản kinh tế lạc quan khi vaccine được sản xuất hàng loạt. Nhưng nếu hi vọng vào những điều tốt đẹp nhất thì cũng cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Bởi khi dấu hiệu chiến thắng Covid-19 mới lấp ló, thì "họ hàng", "con, cháu" của nó đã lộ diện. Chẳng cần chờ 2020 kết thúc, năm Covid thứ 2 đã bắt đầu.

Một thế giới sẽ rất khác sau đại dịch Covid-19 
Một thế giới sẽ rất khác sau đại dịch Covid-19 

Vậy nhân loại cần chuẩn bị gì cho những cuộc chiến tiếp theo? Những cuộc chiến mà mọi súng đạn đều vô dụng.

Trước tiên, phải luôn sẵn sàng với tình huống nền kinh tế bị biệt lập từ vài tháng cho tới cả năm. Nghĩa là tự cung, tự cấp được những hàng hóa mang tính chiến lược. Nhất là các mặt hàng y tế thiết yếu.

Trong tương lai, để tránh rủi ro khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì "1 cộng 1 sẽ lớn hơn 2". 

"Bất phương trình" trong đại dịch Covid-19 không mang ý nghĩa số học. Nó ám chỉ cách chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được tái định hình trên nguyên tắc "không bỏ trứng vào một giỏ", hay "không đặt hàng chỉ một chỗ". Hãy chia nó ra, an toàn sẽ lớn hơn.

Vai trò của công nghệ trong thời đại dịch tiếp tục đẩy con người ra khỏi chuỗi sản xuất. Người máy và tự động hóa tiến thêm một bước. Bởi máy móc là lực lượng duy nhất có thể hoạt động trong bất kỳ điều kiện nào mà không sợ nhiễm bệnh.

Nhưng dù sao dịch bệnh vẫn là vấn đề y tế, nên đầu tư cho sức khỏe cộng đồng phải là mấu chốt. Sẽ không cần đắn đo nếu phải chi thêm tiền để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, bởi thiệt hại nếu đại dịch xảy ra luôn lớn hơn rất nhiều.

Vaccine vẫn là vũ khí quan trọng nhất trong tương lại. Thứ vũ khí đặc biệt cần được tạo ra nhanh và nhiều hơn. Các quy trình sẽ phải tìm cách rút ngắn, nếu không muốn lép vế trước tốc độ virus.

Cuối cùng, dữ liệu y tế cá nhân sẽ là cỗ máy canh chừng dịch bệnh hiệu quả nhất. Mỗi cá nhân có thể được giám sát ngay cả bên dưới lớp da, từ thân nhiệt đến hơi thở, để không trở thành mối nguy với cộng đồng. Việc đi lại giữa các nước thời hậu Covid-19 có lẽ cũng sẽ khác, "visa y tế" có thể là một giải pháp của tương lai.

Virus không yếu đi, cách duy nhất là nhân loại phải khỏe lên. Đó mới là ánh sáng cuối đường hầm
Virus không yếu đi, cách duy nhất là nhân loại phải khỏe lên. Đó mới là ánh sáng cuối đường hầm

Cuộc chiến rồi sẽ kết thúc. Con người rồi cũng chiến thắng. Nhưng chiến thắng thường đi kèm với kiệt sức, đi kèm với thả lỏng.

Virus không yếu đi, cách duy nhất là nhân loại phải khỏe lên. Đó mới là ánh sáng cuối đường hầm!

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục