Tập đoàn sở hữu Shopee ghi nhận doanh thu tăng gấp đôi trong năm 2021 sau khi mở rộng sang Nam Mỹ

Như Quỳnh

Vào tháng 9 năm ngoái, Sea đã huy động được thêm 7 tỷ USD để phục vụ cho việc mở rộng thị trường thương mại điện tử ra ngoài Đông Nam Á.

Trong báo cáo công bố ngày 1 tháng 3, tập đoàn công nghệ kỹ thuật số hàng đầu Đông Nam Á Sea kỳ vọng hoạt động kinh doanh tiến triển thuận lợi trong năm 2022 nhờ các kế hoạch mở rộng thị trường mà họ đã triển khai trong suốt thời kỳ đại dịch. 

Tập đoàn mẹ của Shopee và Garena ghi nhận doanh thu 9,95 tỷ USD cho năm 2021, cao hơn gấp đôi năm trước. Tuy nhiên lỗ ròng cũng tăng đáng kể từ 1,61 tỷ USD lên 2,04 tỷ USD.

Nhiều bất lợi trước mắt

Tỷ phú Forrest Li - đồng sáng lập Sea. Ảnh: Sea    
Tỷ phú Forrest Li - đồng sáng lập Sea. Ảnh: Sea    

Mặc dù Sea đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong hầu hết ngành kinh doanh trong những quý gần đây, giám đốc điều hành Forrest Li vẫn tỏ ra thận trọng trong bối cảnh môi trường thay đổi nhanh chóng:

"Với nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại hơn nữa, chúng tôi nhận thấy có sự điều tiết trong các hoạt động trực tuyến và những biến động trong mức độ tương tác từ người dùng."

Ông Li còn nhắc đến việc Free Fire - một trong những trò chơi điện thoại được tải nhiều nhất thế giới bị Chính phủ Ấn Độ cấm. Free Fire là sản phẩm game nổi tiếng nhất của Sea và mang về cho tập đoàn hơn 1 tỷ USD doanh thu trong năm 2021 (theo Sensor Tower). Chủ tịch Li cũng thừa nhận Ấn Độ là thị trường cốt lõi trong mảng kinh doanh trò chơi mà Sea theo đuổi. 

Do ảnh hưởng bởi lệnh cấm tại Ấn Độ, Sea ước tính doanh thu tiền mặt từ hoạt động kinh doanh trò chơi sẽ giảm từ 4,6 tỷ USD trong năm 2021 xuống chỉ còn 3 tỷ USD trong năm nay. 

Chưa dừng lại ở đó, Sea cũng phải đối mặt nhiều bất lợi trên thị trường chứng khoán. Tập đoàn có trụ sở tại Singapore là một trong những công ty Đông Nam Á hiếm hoi niêm yết tại Mỹ. Giá cổ phiếu Sea chạm đỉnh ở mốc 366,99 USD vào tháng 10 năm ngoái, tăng tới 9 lần so với đầu năm 2020. 

Được các nhà đầu tư săn đón, Sea tiếp tục huy động được thêm 7 tỷ USD thông qua việc chào bán cổ phiếu mới hồi tháng 9/2021. Số tiền được Sea sử dụng nhằm mở rộng hoạt động thương mại điện tử ra bên ngoài Đông Nam Á, chẳng hạn như Mỹ Latinh, châu Âu và Ấn Độ.

Thế nhưng việc mở rộng quá nhanh làm mức lỗ tăng lên, khiến cổ phiếu Sea giảm hơn một nửa so với mức đỉnh tháng 10/2021. Không chỉ riêng Sea mà nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới cũng chịu xu hướng tương tự ở thời điểm đó. 

"Át chủ bài thương mại điện tử"

Dù lỗ đậm, thương mại điện tử vẫn là sẽ là nguồn doanh thu chủ lực tại Sea trong năm 2022. Ảnh: Getty Images.  
Dù lỗ đậm, thương mại điện tử vẫn là sẽ là nguồn doanh thu chủ lực tại Sea trong năm 2022. Ảnh: Getty Images.  

Theo Nikkei Asia, Sea vẫn đang là một công ty khởi nghiệp trên đà tăng trưởng nhanh và tạm thời rất khó thu được lợi nhuận. Trong báo cáo tài chính công bố đầu tháng 3, Sea báo cáo khoản lỗ ròng 617 triệu USD trong quý 4/2021, tăng từ 523 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt chỉ riêng các khoản lỗ từ đơn vị thương mại điện tử đã lên tới 941 triệu USD.

Công ty dự kiến ​​doanh thu thương mại điện tử đạt tổng cộng khoảng 9 tỷ USD vào năm 2022, tăng từ 5,1 tỷ đô la vào năm 2021.

Chủ tịch Sea cho biết công ty hy vọng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử sẽ "đạt được EBITDA (thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao) tích cực trước khi phân bổ chi phí cho trụ sở chính tại Đông Nam Á và Đài Loan".

Ngoài ra, Sea cũng sẽ phân bổ lại nguồn vốn trong quá trình mở rộng toàn cầu. Tập đoàn Singapore vừa tuyên bố đóng cửa mảng thương mại điện tử tại Pháp,  chỉ 5 tháng sau khi ra mắt Shopee tại đây vào tháng 10. Pháp là một trong những thị trường đầu tiên tại châu Âu đầu tiên mà Sea thâm nhập, bên cạnh Ba Lan và Tây Ban Nha.

Tin Cùng Chuyên Mục