Tập tục kì lạ khắp năm châu: Cô dâu bị nhà chồng đánh tới chết vì không có đủ của hồi môn theo yêu cầu

Thành Trung

Chính từ hủ tục này, "chợ chú rể" đã ra đời, giúp họ nhà gái nghèo khó có thể chọn được một chàng rể ưng ý mà không phải tốn một khoản tiền làm hồi môn cho con gái.

Ấn Độ, con gái cần phải có của hồi môn, tiền và đồ trang sức mới được đi lấy chồng. Nếu không đáp ứng đủ, bên nhà trai sẽ không đồng ý làm hôn lễ. Trước đây, của hồi môn có thể là một con trâu hay một món đồ cổ của gia đình. Nhưng bây giờ hồi môn là một chiếc ô tô du lịch, một máy thu hình đời mới, một tủ lạnh hoặc một xe mô tô,...

Của hồi môn có tính chất cưỡng chế nên nó thường gây nên nhiều bi kịch. Năm nào cũng có nhiều cô gái làm vật hy sinh cho của hồi môn. Sau khi về nhà chồng rồi nhưng phía nhà chồng vẫn còn đòi hỏi thêm của hồi môn. Việc đòi hỏi này hầu như không ngừng. Nếu bên nhà chồng không được thoả mãn thì người chồng bắt đầu ngược đãi vợ, cho đến khi đạt được những thứ họ mong muốn mới thôi.

Của hồi môn cho con gái của một gia đình tại Ấn Độ.
Của hồi môn cho con gái của một gia đình tại Ấn Độ.

Vì của hồi môn mà nhiều cô dâu đã trở về nhà mẹ đẻ mà không dám quay lại nhà chồng. Cha mẹ cô dâu lại phải hết lời khuyên bảo vì gia đình có người chị đi lấy chồng mà phải trở lại nhà mẹ đẻ thì các em gái cô ta sẽ khó mà đi lấy chồng được.

Những cô gái lại trở về nhà chồng sẽ bị mẹ chồng, chồng, em chồng trách móc mắng mỏ. Nhẹ thì chửi mắng, nặng thì ra tay bức hại cho đến chết. Sau khi vợ mất chàng trai lại đi lấy vợ khác và cũng được nhận những của hồi môn mới.

Riêng 2012 là một năm cao điểm khi người ta thống kê có tới hơn 8.200 cô dâu bị chồng đánh đến chết chỉ vì của hồi môn trả chậm. Luật pháp Ấn Độ đã chính thức cấm tuyệt đối hủ tục hồi môn từ năm 1961 nhưng luật định ấy coi như chỉ nằm trên giấy.

Cảnh trao của hồi môn cho một cặp vợ chồng trong đám cưới.
Cảnh trao của hồi môn cho một cặp vợ chồng trong đám cưới.

Chính vì vậy mà ở một vài nơi trên đất nước Ấn Độ có một số chợ được mở cửa ra được gọi là "Chợ chú rể". Nguyên nhân cũng rất đơn giản, tuy thanh niên nam nữ Ấn Độ được hưởng quyền tự do hôn nhân nhưng trong khu vực nông thôn rất rộng lớn, hôn nhân phần lớn do cha mẹ sắp đặt. Cha mẹ có con gái rất khổ sở và lo lắng cho tương lai của đứa con.

Đồng tiền đã khó kiếm, những thứ để làm ra của hồi môn giá lại cao. Đã có những hiện tượng cha mẹ cô gái cho người con trai đến làm thuê cho mình rồi cưỡng bức chàng trai lấy con gái mình. Có những người làm cha mẹ phải đi khắp nơi để kiếm chọn chàng rể, để đỡ được cái khoản của hồi môn, lại tiết kiệm được công sức tiền của và từ đó "Chợ chú rể" đã được ra đời.

Mỗi năm cứ vào tháng 7, chợ bắt đầu họp. Người ta dựng lên nhiều lều, quán che tạm thời bằng vải. Các chàng trai yên lặng ngồi xếp hàng trong các lều, quán.

Mỗi người mang trên mình một số hiệu và giá tiền. Những người cha, chú, bác, người đại diện hoặc người làm mối lái sẽ đứng ra thay mặt để thương lượng với khách đến mua.

Trường hợp này, người con gái không được tự mình đến chọn. Đi lại bận rộn nhất là người quản lý chợ. Ông đã nắm được lý lịch của các thanh niên, biết về gia đình, hoàn cảnh, trình độ giáo dục, nhân phẩm, đạo đức,... của các chàng trai. Ông đến thương lượng với các khách hàng rồi đưa họ đến để nhìn được mặt chàng rể tương lai của mình.

Đám cưới tại Ấn Độ.
Đám cưới tại Ấn Độ.

Khách hàng thường là gia trưởng của những gia đình nghèo khó muốn kiếm cho con gái mình một người chồng. Nhiều khi họ không đắn đo lắm về mặt mày, cao hay thấp của chàng thanh niên, mà họ chọn bởi cái giá hợp lý phù hợp với túi tiền của mình.

Sau khi bàn bạc trước lều xong, hôn lễ giữa chú rể mới mua với con gái khách mua được sơ bộ thành lập. Người giới thiệu và khách mua còn phải đến bộ phận làm giấy tờ. Sau khi giấy tờ được hoàn tất, khách mua dẫn chú rể về nhà và chuẩn bị làm lễ cưới cho con gái.