Tham vọng chiếm lĩnh thị trường thịt 10 tỷ USD: Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đủ sức đấu lại người giàu nhất Thái Lan?

Theo Kinh Kha/Trí Thức Trẻ

Trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến thực phẩm, khi Masan MeatLife vẫn đang thăm dò thị trường thì C.P Việt Nam đã đạt doanh thu gần 2 tỷ USD mỗi năm.

Tham vọng chiếm lĩnh thị trường thịt 10 tỷ USD: Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đủ sức đấu lại người giàu nhất Thái Lan? - Ảnh 1

 

Sau 4 năm thành lập, Masan Nutri-Science (MNS) - công ty phụ trách mảng dinh dưỡng động vật của Masan Group - vừa đổi tên thành Masan MeatLife (MML) nhằm thể hiện rõ tham vọng chuyển đổi từ một công ty chuyên về thức ăn chăn nuôi thành công ty theo mô hình hàng tiêu dùng cung cấp sản phẩm thịt có thương hiệu.

Masan cũng dự định sẽ sớm đưa công ty này lên sàn chứng khoán trong năm 2019. Vào năm 2017, quỹ đầu tư KKR đã định giá MNS ở mức 2 tỷ USD. Tuy vậy sau khi KKR rót vốn, MNS đã gặp phải 2 biến cố lớn ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh là khủng hoảng giá thịt lợn năm 2016-2017 và dịch tả lợn châu Phi năm 2019.

Hiện tại, nguồn thu chủ yếu của Masan MeatLife vẫn chủ yếu đến từ mảng thức ăn chăn nuôi dưới các thương hiệu của Proconco (Cám Con Cò) và ANCO.

Từ cuối năm 2018, Masan bắt đầu ra mắt thương hiệu thịt mát MEATDeli và dự kiến đạt doanh thu từ 500 – 1.000 tỷ đồng trong năm 2019 với hơn 500 điểm bán tại miền Bắc và miền Nam.

Trong thông báo của mình, Masan kỳ vọng đến năm 2022, các sản phẩm thịt có thương hiệu sẽ đóng góp 50% – 70% doanh thu của công ty, khi người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang tiêu thụ sản phẩm thịt có thương hiệu đảm bảo.

Masan cũng cho biết thịt heo là mảng lớn nhất trong ngành F&B với quy mô thị trường có giá trị hơn 10 tỷ USD, gấp 2,5 lần sữa. Trong báo cáo thường niên 2018, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - chủ tịch Masan Group cũng đã đề cập tham vọng thu về cả tỷ USD từ sản phẩm thịt heo vào năm 2022.

Tuy nhiên, để thống lĩnh được thị trường thịt như tham vọng thì Masan sẽ phải cạnh tranh và vượt qua được một đối thủ đang vượt trội về mọi mặt là C.P Việt Nam - thành viên của C.P Group.

C.P Group là một trong những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới và là một trong những tập đoàn lớn nhất Thái Lan hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông chủ của C.P, tỷ phú Dhanin Chearavanont cũng là người giàu nhất Thái Lan và giàu thứ 2 Đông Nam Á với khối tài sản gần 30 tỷ USD.

Sau hơn 25 năm hoạt động, C.P Việt Nam là công ty lớn nhất trong ngành nông nghiệp với chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, chế biến và bán lẻ thực phẩm. Doanh thu năm 2018 của C.P Việt Nam đạt gần 60.000 tỷ đồng - gấp hơn 4 lần so với con số 14.000 tỷ của MNS.

Tham vọng chiếm lĩnh thị trường thịt 10 tỷ USD: Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đủ sức đấu lại người giàu nhất Thái Lan? - Ảnh 2

 

MNS từng có cơ hội để thu hẹp khoảng cách về doanh số so với C.P nhưng đợt khủng hoảng giá thịt heo cuối 2016-2017 lại khiến cho khoảng cách này càng nới rộng. Cuộc khủng hoảng này chỉ "tác động đôi chút" lên kết quả kinh doanh của C.P trong năm 2017 rồi tăng trưởng mạnh mẽ trở lại vào năm 2018 với cả doanh thu và lợi nhuận đều thiết lập kỷ lục mới.

Trái với sự phục hồi của C.P, doanh thu của MNS tiếp tục giảm sâu trong năm 2018 xuống còn 14.000 tỷ, tức giảm 10.000 tỷ so với mức đỉnh đạt được năm 2016. Khoảng cách doanh số giữa MNS và C.P từ mức 27.000 tỷ giai đoạn 2015-2016 đã nới rộng lên thành 45.000 tỷ vào năm ngoái.

Trong khi Masan vẫn ở những bước đầu của việc chuyển đổi từ công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi sang chế biến thực phẩm thì quá trình chuyển đổi của C.P đã diễn ra mạnh mẽ từ 5-6 năm trước.

Năm 2018, mảng chăn nuôi và chế biến thực phẩm của C.P (C.P Farm & Food) đóng góp tới 40 nghìn tỷ doanh thu - gấp đôi mảng thức ăn chăn nuôi (C.P Feed).

Do tập trung nguồn lực cho Farm & Food, từ năm 2013 đến nay, doanh thu của C.P Feed gần như đi ngang, dao động quang ngưỡng 18-20 nghìn tỷ đồng/năm.

Với vị thế thống lĩnh thị trường nông nghiệp, C.P Farm & Food vẫn phải mất 20 năm để đạt được mức 1 tỷ USD và mất thêm 5 năm nữa để tăng lên gần 2 tỷ USD như hiện nay. Không chỉ thịt heo, mảng Farm & Food của C.P còn có sự đóng góp đáng kể từ gia cầm, trứng, thủy sản, thịt chế biến... C.P cũng là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản top đầu tại Việt Nam.

Do đó, mục tiêu của Masan từ "vạch xuất phát" để sau 4 năm thu về 1 tỷ USD từ thịt heo vào năm 2022 là một kế hoạch cực kỳ tham vọng và không hề dễ dàng.

Mặc dù khó nhưng không có nghĩa là "bất khả thi". Cách đây 4-5 năm nay, chúng ta chắc chắn cũng sẽ rất khó hình dung về một Vingroup hay Thế giới Di động với doanh thu hàng năm lên đến cả 100.000 tỷ nhưng giờ đây đó đã việc trong tầm tay. Lúc này chỉ có thể theo dõi xem tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và Masan sẽ từng bước giải bài toán khó này như thế nào.

Masan cũng từng cho biết sẽ áp dụng kinh nghiệm từ thành công trên thị trường nước chấm cho mục tiêu tỷ đô mảng thịt. Từ một doanh nghiệp gia nhập ngành nước chấm khá muộn, hiện giờ Masan là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường nước mắm, nước tương với khoảng 70% thị phần. Dù kinh doanh thêm rất nhiều mặt hàng khác nhưng hiện nay nước chấm vẫn là nguồn đóng góp chính vào lợi nhuận của Masan.

Tin Cùng Chuyên Mục