Tháng 5 rực rỡ của cổ phiếu ngân hàng, tăng một tháng bằng gửi tiết kiệm cả chục năm

Quỳnh Chi

Chứng khoán BSC cho biết định giá các ngân hàng hiện vẫn ở mức hấp dẫn và kỳ vọng nhóm sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.

Cổ phiếu ngân hàng đang tạo nên “cơn sốt” thực sự trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây khiến nhà đầu tư đầu tư “đứng ngồi không yên”.

Tính riêng trong tháng 5, ngoại trừ VCB “dậm chân tại chỗ”, toàn bộ cổ phiếu còn lại trong nhóm ngân hàng đều tăng hàng chục phần trăm. Trong đó, cổ phiếu BVB có mức tăng ấn tượng nhất lên đến 89%. Các cổ phiếu SGB, VBB, NAB, ABB, SSB đều ghi nhận mức tăng từ 50% trở lên trong khi phần lớn số còn lại tăng trưởng từ 20-30%.

Đây là mức sinh lời vượt trội hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng hiện tại chỉ đâu đó khoảng 5-6%/năm. Để dễ hình dung, với cùng một số tiền, nhà đầu tư phải gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm và không rút gốc, lãi trong vòng 12 năm mới đạt mức sinh lời tương đương việc mua cổ phiếu BVB từ đầu tháng 5 và giữ đến hiện tại.

Tháng 5 rực rỡ của cổ phiếu ngân hàng, tăng một tháng bằng gửi tiết kiệm cả chục năm - Ảnh 1

Đến thời điểm hiện tại, không còn cổ phiếu ngân hàng nào có thị giá dưới 20.000 đồng. Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là nhóm cổ phiếu “vua” cũng không có đại diện nào trong Câu lạc bộ 100 (thị giá 3 chữ số) khi “anh cả” VCB đứng ngoài cuộc đua.

Dù vậy, xét về vốn hóa, Vietcombank vẫn dẫn đầu nhóm ngân hàng với giá trị vượt trội 365.695 tỷ đồng (~ 15,9 tỷ USD). Sau nhịp sóng cuối tháng 5, khoảng các giữa nhà băng này với nhóm bám đuổi phía sau gồm VietinBank (CTG), BIDV (BID), Techcombank (TCB) hay VPBank (VPB) đã được thu hẹp nhưng vẫn còn rất xa.

Điều đáng ghi nhận là có ngày càng nhiều ngân hàng lọt vào danh sách doanh nghiệp tỷ USD trên sàn. Tính đến hết tháng 5, có tới 17 ngân hàng đạt vốn hóa từ 1 tỷ USD (~ 23.000 tỷ đồng) trở lên trong đó các ngân hàng mới lên sàn chứng khoán như SeaBank (SSB), Maritime Bank (MSB), OCB cũng rất nhanh chân gia nhập danh sách này.

Ngoài ra, còn 9 ngân hàng chưa đạt vốn hóa 1 tỷ USD bao gồm BacA Bank (BAB), ABBank (ABB), NamA Bank (NAB), KS Bank (KLB), NCB (NVB), VietBank (VBB), VietCapital Bank (BVB), PG Bank (PGB) và SaiGon Bank (SGB). Với “cơn sốt” chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, không loại trừ khả năng sẽ có thêm nhiều ngân hàng lọt danh sách tỷ USD vốn hóa trong tương lai gần.

Tăng cao nhưng chưa “đắt”?

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán BSC cho biết định giá các ngân hàng hiện vẫn ở mức hấp dẫn và kỳ vọng nhóm sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới bất chấp đã tăng khá mạnh từ đầu năm.

Theo BSC, P/B forward toàn ngành ngân hàng đã đạt mức 1,8x, cao hơn mức BSC sử dụng để định giá toàn ngành do tốc độ tăng trưởng cao giúp ngành ngân hàng được nhà đầu tư chấp nhận mặt bằng giá cao hơn.

Ngài ra, các catalyst trong năm 2021 giúp đánh giá lại giá trị và lãi suất vẫn tiếp tục ở mức thấp giúp mặt bằng định giá toàn thị trường (trong đó có ngành ngân hàng) cao hơn. Do đó, BSC đã nâng kỳ vọng định giá của toàn ngành ngân hàng lên 2x PBR để khuyến nghị trong năm 2021.

Công ty chứng khoán này cũng điều chỉnh tăng tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế của toàn ngành lên mức lần lượt 408.312 tỷ đồng, tăng 17,3% và 177.777 tỷ đồng, tăng 34,8% so với cùng kỳ. Các con số này đều cao hơn so với báo cáo cũ lần lượt 4,6% và 6,4%.

Do đó, BSC đã nâng định giá các cổ phiếu ngân hàng trong năm 2021 lên mức khá cao. Trong đó, VCB có thể đạt 135.000 đồng/cổ phiếu, CTG đạt 69.500 đồng/cổ phiếu, TCB lên 71.500 đồng/cổ phiếu, VPB lên 90.100 đồng/cổ phiếu,…

Tháng 5 rực rỡ của cổ phiếu ngân hàng, tăng một tháng bằng gửi tiết kiệm cả chục năm - Ảnh 2

Trong quý II/2021, BSC cho rằng lãi suất trung bình sẽ tăng so với cùng kỳ do các khoản vay chủ yếu được tái cơ cấu và giảm lãi suất bắt đầu từ cuối quý I/2021 và kéo dài hết 2021. Trong khi đó, lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ không có nhiều biến động. NIM toàn ngành trong quý II/2021 có thể được cải thiện mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, tỷ lệ CAR theo Basel II tiếp tục được giữ ở mức cao, và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ ở mức an toàn. BSC kỳ vọng điều này sẽ được giữ vững trong tương lai với các kế hoạch tăng vốn, từ đó giúp tăng trưởng quy mô và lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, câu chuyện các cổ phiếu lên sàn và chuyển sàn, bán một phần công ty con và ký hợp đồng bancassurance là những nhân tố giúp ngành ngân hàng có thể thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Tin Cùng Chuyên Mục