"Thành công của tôi chỉ gói gọn trong ba chữ: Giữ chữ Tín"

Trịnh Hiền - Ảnh: Thiện Hùng

“Tôi luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao để có thể giúp được nhiều người hơn nữa cải thiện cuộc sống bằng con đường ra nước ngoài làm việc. Đó cũng là mục tiêu lớn nhất của tôi và công ty trong tương lai” - DN Lưu Đức Khang - Chủ tịch HĐQT, GĐ Cty Cổ phần Đầu tư & Giáo dục VietHure chia sẻ.

 
Lối tư duy “ăn xổi ở thì”, chụp giật, chạy theo lợi nhuận bất chấp mọi giá đã không còn chỗ đứng trong môi trường kinh doanh hiện đại. Chỉ có xây dựng chữ Tín mới là con đường phát triển bền vững nhất cho mọi doanh nghiệp.

Gian nan thử sức mới thành công

Dễ dàng nhận thấy ở doanh nhân Lưu Đức Khang sự nghị lực, bản lĩnh và luôn kiên cường trên thương trường. Điều gì đã tôi luyện cho anh một “tinh thần thép” như thế?

Các cụ vẫn có câu “Gạo đem vào giã bao đau đớn, gạo giã xong rồi trắng tựa bông”. Sống trên cuộc đời này cũng vậy, gian nan thử sức mới thành công. Cuộc sống của tôi đã trải qua nhiều thăng trầm và rất nhiều công việc khác nhau. Ngay từ thời còn là sinh viên tôi đã đi làm thêm nhiều nghề như chạy xe ôm, giao hàng…để kiếm tiền tự nuôi sống bản thân chứ không phụ thuộc vào gia đình. Rồi sau khi tích góp được chút vốn liếng, tôi đã cùng bạn mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ cà phê, ăn uống. Sau đó tôi có vài năm sinh sống, học tập, làm việc ở Nhật Bản và giờ là mở doanh nghiệp riêng. Nói chung cuộc đời tôi cũng quăng quật đủ điều nên tự bản thân phải vững vàng hơn thôi.

"Thành công của tôi chỉ gói gọn trong ba chữ: Giữ chữ Tín" - Ảnh 1

 Lưu Đức Khang, Chủ tịch HĐQT; Giám đốc Công ty CP Đầu tư & Giáo dục VietHure

Giữa rất nhiều đất nước phát triển, tại sao anh lại quyết định chọn Nhật Bản để vẽ tiếp ước mơ, hoài bão cho mình cũng như hàng nghìn bạn trẻ?

Xuất phát từ việc bản thân cũng đã từng học tập và làm việc tại Nhật Bản nên tôi hiểu về đất nước, con người nơi đây. Nhật Bản - một đất nước có nền kinh tế cực kỳ phát triển nhưng dân số Nhật là dân số già, số lượng người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm trong khi đó Việt Nam lại là đất nước với nguồn lao động dồi dào. Tỷ lệ thất nghiệp rất nhiều, theo thống kê con số 220.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp năm 2017 là bài toán mà cả xã hội Việt Nam đang đau đầu giải quyết.

Hơn nữa, xu hướng của các bạn trẻ và gia đình đã thay đổi. Thay vì muốn học Đại học ở Việt Nam, các bạn lại có tư tưởng muốn đi du học nước ngoài ngay sau khi học xong THPT. Thậm chí có gia đình còn cho con cái đi từ những năm THPT để có thể được học trong môi trường giáo dục chất lượng cao.

Nhật Bản cũng đầu tư vào Việt Nam rất nhiều dự án lớn. Vì vậy sau khi đi học, đi làm ở Nhật về với khả năng tiếng Nhật tốt các bạn sẽ tìm được công việc với mức thu nhập cao. Vì những lý do trên nên tôi chọn Nhật Bản là nơi lập nghiệp cho mình và nhiều thế hệ trẻ Việt Nam. Trong vòng 2 năm qua tôi đã đưa được hàng trăm bạn trẻ qua Nhật học tập và làm việc.

"Thành công của tôi chỉ gói gọn trong ba chữ: Giữ chữ Tín" - Ảnh 2

"Trong vòng 2 năm qua tôi đã đưa được hàng trăm bạn trẻ qua Nhật học tập và làm việc. "

Du học và xuất khẩu lao động một phần giải quyết được bài toán thất nghiệp nhưng mặt khác nó lại là nguyên nhân trực tiếp gây “chảy máu chất xám”. Anh có suy nghĩ gì về thực trạng “chảy máu chất xám” ở Việt Nam hiện nay? Theo anh đâu là giải pháp khắc phục tình trạng này?

Vấn nạn “chảy máu chất xám” ở các du học sinh của nước ta là vấn đề lớn, nhưng nhiều năm qua chưa được đặt ra một cách nghiêm túc. Những ưu đãi hiện tại với "người tài" mới chỉ mang tính nhỏ lẻ, do các địa phương, các cơ quan đặt ra, tuỳ theo tình hình mà thực hiện, không phải một cơ chế ở tầm vĩ mô có khả năng khuyến khích những người có năng lực cống hiến cho xã hội.

Vì vậy, dù mang theo tinh thần nồng nàn yêu nước đi chăng nữa, các du học sinh cũng không thể phủ nhận được những hấp dẫn về môi trường, điều kiện làm việc và lương bổng ở nước sở tại. Về nước, liệu du học sinh có được trọng dụng không, có “đất dụng võ” để mang những điều mình học hỏi về phát triển đất nước hay không?  Đó là điều mà nhiều du học sinh băn khoăn khi quyết định trở về hay ở lại.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam chỉ có thể thu hút nhân tài, ngăn chặn “chảy máu chất xám” bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo trong nước và xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp, cải thiện điều kiện làm việc xấp xỉ hoặc tương đương nước ngoài, chắc chắn sẽ có rất nhiều người muốn về nước làm việc.

Còn xuất khẩu lao động là một chương trình xóa đói giảm nghèo và cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, góp phần giải quyết việc làm trong nước cho những người có dân trí thấp và mang ngoại tệ về Việt Nam. Sau 3 - 5 năm các em sẽ quay trở về phục vụ đất nước nên không có tình trạng “chảy máu chất xám” ở chương trình xuất khẩu lao động.

"Thành công của tôi chỉ gói gọn trong ba chữ: Giữ chữ Tín" - Ảnh 3

VietHure đưa ra mục tiêu lớn nhất là làm cho khách hàng của mình thay đổi cuộc sống.

Ngoài lợi nhuận, VietHure còn hướng tới giá trị, mục tiêu nào khác không, thưa anh? Với những gì VietHure đạt được, anh đã cảm thấy mãn nguyện hay còn điều gì chưa hài lòng không?

VietHure đưa ra mục tiêu lớn nhất là làm cho khách hàng của mình thay đổi cuộc sống, bằng cách giúp họ và gia đình của họ trở nên giàu có hơn. Chúng tôi đã giúp cho hàng trăm, hàng nghìn bạn trẻ thay đổi cuộc sống của mình. Rất nhiều bạn trẻ khi đến với chúng tôi từ một người thất nghiệp đến có công việc với mức thu nhập cao; Từ chưa có định hướng tương lai đến có mục tiêu cho cuộc sống của mình; Từ gia đình khó khăn đến ổn định cuộc sống…Nhưng vấn đề không phải số tiền kiếm được sau ba năm về nước mà là những thay đổi trong nhận thức, trong con người của họ mới là giá trị vĩnh cửu…, giống như câu chuyện cho cá hay cho chiếc cần và dạy họ câu cá vậy.

Nhưng tôi vẫn còn nhiều thứ chưa hài lòng lắm. Tôi về các địa phương chứng kiến rất nhiều người dân có cuộc sống vô cùng khó khăn. Nhiều nơi còn rất nghèo mà nếu không được chứng kiến, tôi cũng không thể tưởng tượng được họ lại nghèo và dân trí thấp đến thế. Điều đó làm tôi trăn trở, suy nghĩ làm sao để có thể giúp được nhiều người hơn nữa, giúp họ cải thiện cuộc sống bằng con đường đi ra nước ngoài làm việc để cải thiện kinh tế và thay đổi về mặt con người. Đó cũng là mục tiêu lớn nhất của chúng tôi trong những năm tiếp theo.

Luôn chia sẻ, lắng nghe và đôi khi phải biết hy sinh

Trong cuộc sống, anh có đặt ra cho mình tôn chỉ hay nguyên tắc sống nào không? Anh có thể chia sẻ cùng độc giả bí quyết thành công của mình?

Bí quyết thành công của tôi chỉ gói gọn trong ba chữ: “Giữ chữ Tín”. Lối tư duy “ăn xổi ở thì”, chụp giật, chạy theo lợi nhuận bất chấp mọi giá đã không còn chỗ đứng trong môi trường kinh doanh hiện đại. Chỉ có xây dựng chữ Tín mới là con đường phát triển bền vững nhất cho mọi doanh nghiệp.

Để đạt được thành công, trước tiên bạn phải biết rõ mình muốn gì và phải làm gì để đạt được nó. Nói cách khác là phải lên kế hoạch rõ ràng, kiên trì và tập trung với mục tiêu đã đặt ra. Người thành công là người luôn có lập trường rõ ràng và tìm cách thay đổi, hoàn thiện thay vì xóa bỏ. Và bạn cũng đừng sợ mình làm sai. Sai lầm là người thầy tốt nhất. Nếu không phạm sai lầm, chúng ta sẽ không có thông tin để có thể làm tốt hơn trong lần tới. Với tôi, mỗi lần phát hiện ra sai lầm là mỗi lần học hỏi được thêm một điều gì đó.

"Thành công của tôi chỉ gói gọn trong ba chữ: Giữ chữ Tín" - Ảnh 4

Một người được gọi là thành công thì phải cân bằng được cả về sự nghiệp và gia đình. 

Người ta thường nói phụ nữ luôn đặt gia đình lên trên tất cả còn đàn ông lại coi trọng sự nghiệp, thậm chí đặt sự nghiệp trên cả gia đình. Anh có đồng tình với quan điểm này không? Đối với anh, điều gì là ưu tiên số một?

Với tôi, một người được gọi là thành công thì phải cân bằng được cả về sự nghiệp và gia đình. Bạn giàu có, có địa vị trong xã hội nhưng gia đình không hạnh phúc thì không thể gọi là thành công và ngược lại. Tôi thấy hầu hết mọi người đều không làm được việc này và rất nhiều người phải đánh đổi một trong hai.

Để cân bằng được giữa gia đình và công danh, sự nghiệp quả thật là điều rất khó, bản thân tôi cũng đang cố gắng để làm tốt việc này. Còn riêng với tôi, gia đình vẫn là điều tuyệt vời nhất bởi tôi là người đàn ông của gia đình, luôn lấy giá trị sống của bản thân là gia đình.

Sau lưng người đàn ông thành công luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Vậy "bà xã" anh đã hỗ trợ, giúp sức như thế nào cho sự thành công của anh ngày hôm nay? Bí quyết để giữ lửa trong hôn nhân của anh là gì?

Tôi là mẫu người đàn ông của gia đình và cũng rất may mắn khi lấy được người vợ cùng hệ tư tưởng. Vợ tôi là giáo viên, có thể nói cô ấy là một phụ nữ rất tuyệt vời. Cô ấy luôn ủng hộ và tin tưởng mọi quyết định của tôi. Công việc của tôi phải đi công tác triền miên nhưng cô ấy vẫn luôn cảm thông, chia sẻ cùng chồng, chăm lo hậu phương vững chắc để tôi lập nghiệp. Những lúc gặp khó khăn, bế tắc trong công việc cũng là vợ động viên và cùng tôi vượt qua. Có thể nói không có vợ giúp sức, tôi không thể có ngày hôm nay được.

Bí quyết vun đắp hạnh phúc gia đình của tôi rất đơn giản: Luôn chia sẻ, biết lắng nghe và đôi khi phải biết hy sinh nữa. Bất kể vì lý do gì, vợ chồng nên trò chuyện thẳng thắn với nhau, cùng tháo gỡ các vấn đề. Không có dòng chảy nào là không có sóng. Tôi luôn nhìn vào quãng thời gian cả hai vợ chồng đã đồng hành để vượt qua những lúc yếu lòng. Khi rảnh rỗi, tôi lại dành thời gian cho gia đình nhỏ của mình, đi xem phim, mua sắm cùng bà xã để hâm nóng tình cảm…

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc anh luôn thành công trong công việc và cuộc sống!

Tin Cùng Chuyên Mục