Thanh Hóa: Khu đất của những người cùng khổ bị cán bộ xã “phù phép” xâu xé

Theo Báo Pháp Luật Việt Nam

Với những người dân sinh sống tại khu Hố, thôn 8, xã Quảng Đại, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, khu đất nơi cửa biển này như “cái rốn” quanh năm hứng chịu thiên tai bão lụt. Nhưng nỗi uất ức bị giông bão cướp trắng công sức lại không ức bằng “cơn bão” do các “quan” xã gây ra.

Thanh Hóa: Khu đất của những người cùng khổ bị cán bộ xã “phù phép” xâu xé - Ảnh 1

Các hộ dân có nguyện vọng được cấp sổ đỏ để dựng lại nhà ở trên khu đất mình đã khai hoang.

Khốn khổ vì thiên tai, uất ức vì “nhân tai”

Đứng bên khu đất đang lô nhô những đất đá san lấp dở nằm ở cửa biển Hố (thôn 8, xã Quảng Đại), ông Thừa Văn An (SN 1965) cho hay: khu đất 2.750m2 này từng là nơi gia đình ông và 5 hộ khác sinh sống. Khu đất thời xa xưa vốn nằm sâu trong đất liền, nhưng cát lở xói mòn, thiên tai bão tố ăn vào hàng trăm mét, nay hóa ra vị trí ngay sát biển. Nếu sau này nơi đây thành khu du lịch, đây sẽ là mảnh “đất vàng”. 

Trong quá khứ, nơi đây đã từng gánh chịu vô số những cơn bão, trong đó kinh hoàng nhất là cơn bão số 6 năm 1993. Gió thét gào, thổi bay cả loại cối đá cỡ lớn đi xa hàng chục mét. 

Bao đời đã khai hoang gầy dựng bám trụ sinh sống, nhưng sau cơn bão năm 1993, các hộ quỵ hẳn. Nhà cửa tan tành, tay trắng, các hộ đành dắt díu vào sâu hơn trong làng tìm nơi khác sinh sống. Hộ thì gom góp mua đất khác dựng tạm túp lều, hộ đi ở nhờ, riêng vợ chồng ông An về tá túc ở nhà vợ. Khu nhà cũ đã bị gió bão biến thành bình địa, các hộ vẫn sử dụng làm nơi trồng hoa màu, được UBND xã thông báo miễn thuế từ năm 1993.

Hơn hai mươi năm trôi qua, ông An đi bán hàng rong, góp nhặt từng đồng. Mong chờ lớn nhất của ông là khu đất được cấp sổ đỏ, ông sẽ xây lại căn nhà cũ làm nơi tá túc, vừa là của hương hỏa sau này cho con, hoàn thành mơ ước một kiếp nghèo.

Cùng hoàn cảnh và mơ ước như ông An là 5 hộ: Cụ Viên Thị Vình (SN 1939), cụ Viên Thị Dần (SN 1936), cụ Viên Thị Tấc (SN 1937), bà Phan Thị Thạo (SN 1962) và ông Nguyễn Ngọc Tú (SN 1969). 

Thế nhưng mơ ước nhỏ nhoi và hợp pháp đó của họ đã đứt đoạn vào một sáng đầu tháng 3/2017, khi xuất hiện những chiếc xe chở đất “vô tư” đến san lấp khu đất nhà họ.

Sáu chủ đất hốt hoảng kéo ra hỏi thì một người cùng xã có tên Nguyễn Bá Hiệp huơ huơ sổ đỏ trong tay, nói khu đất đã được xã bán cho mình, trả tiền từ… 23 năm trước (năm 1994 – NV) và được cấp sổ đỏ năm 2015. Các hộ dân cấp báo lên xã, chỉ nhận được sự im lặng đáng ngờ. 

Thanh Hóa: Khu đất của những người cùng khổ bị cán bộ xã “phù phép” xâu xé - Ảnh 2

Các cụ bà uất ức trước việc nhà mình bị lấy cấp cho… đứa trẻ chưa sinh.

Cực chẳng đã, những ông già bà cả đành phải “tự bảo vệ”, kéo nhau đứng chắn đầu chắn đuôi xe ben, quyết không cho “cướp đất”. Sự việc được đưa đến TP Sầm Sơn, cơ quan chức năng tạm đình chỉ việc san lấp.

Các hộ dân bị “cướp đất” cho hay, trong khi chờ TP phân giải sự việc, người có sổ đỏ trên đã đến các hộ “xin thỏa thuận”. Cụ thể là muốn “đền bù” cho mỗi hộ vài chục triệu “tiền giữ đất”, để rút lại đơn kiện. Yêu cầu bị khước từ. 

Người dân nói, đất của họ từ thời cụ kị khai hoang sinh sống, sử dụng hợp pháp liên tục, nay chính quyền địa phương bỗng dưng cấp sổ cho người khác, thể hiện sự quá lộng quyền, coi thường luật pháp, coi thường dân. Họ có thể nghèo, thậm chí rất nghèo, nhưng quyết không chịu những bất công vô lý.

Lộ rõ sai phạm tày trời

Gần một năm sau đó, Quyết định số 2545/QĐ-UBND của UBND TP Sầm Sơn giải quyết sự việc trên đã làm rõ những sai phạm tày trời của chính quyền xã Quảng Đại và UBND huyện Quảng Xương (thời điểm cấp sổ sai trái, xã Quảng Đại còn trực thuộc Quảng Xương). So sánh với quy định trong Bộ luật Hình sự, những hành vi này thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì cấp đất sai quy định, làm giả giấy tờ. 

Cơ quan chức năng xác định diện tích đất 2.750m2 trên đã bị UBND xã Quảng Đại “xâu xé” cấp sổ đỏ cho 9 người sai quy định.

Theo kết luận, 24 năm trước đây, vào năm 1994, ông Hiệp làm hợp đồng với UBND xã Quảng Đại mua 2.000m2 đất. Hai bên thỏa thuận “mua bán” một khu đất khác chứ không phải khu đất của 6 gia đình nêu trên. 

“Mua bán” đất nhưng 20 năm sau mới cấp sổ và nhận đất. Phải chăng thương vụ mua bán mờ ám, chỉ mua trên giấy, và sau này vì không còn nơi nào để cấp nữa, nhận thấy khu đất của sáu hộ cùng khổ này là “dễ ăn” nhất, nên xã Quảng Đại mới “nhắm mắt cấp bừa” làm cho xong hợp đồng?

Khu đất nêu trên bị “xâu xé” thành 9 lô. Và hồ sơ cấp 9 sổ đỏ được Văn phòng Đăng ký QSDĐ xét duyệt ngày 16/12/2015, tuy nhiên Quyết định số 4758/QĐ- UBND cấp sổ lại do ông Nguyễn Đình Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương ký… 2 ngày trước đó. 

Chưa hết, trong số giấy tờ hai bên làm tại xã thời điểm năm 1995 (do ông Đặng Ngọc Vũ, khi ấy là Phó Chủ tịch xã Quảng Đại ký), có những điều cực kỳ bất hợp lý.  Như sổ đỏ cấp cho người có tên Nguyễn Bá Lê Huyên. Người này sinh năm 1994, thời điểm nhận chuyển nhượng và nhận bàn giao đất của UBND xã mới… 1 tuổi. 

Thanh Hóa: Khu đất của những người cùng khổ bị cán bộ xã “phù phép” xâu xé - Ảnh 3

Vụ việc có dấu hiệu hình sự vì cấp đất sai quy định, làm giả giấy tờ.

Vô lý hơn nữa, người có tên Lường Thị Quỳnh Như sinh năm 1996, thời điểm nhận chuyển nhượng và nhận bàn giao đất của UBND xã, người này thậm chí chưa ra đời, nhưng… vẫn được cấp đất.

Cũng theo kết quả xác minh, khi xã Quảng Đại được sáp nhập về Sầm Sơn, hồ sơ cấp đất trên không được bàn giao cho UBND Sầm Sơn.

Về những người sai phạm, TP Sầm Sơn chỉ rõ là ông Đặng Ngọc Vũ (hiện là Bí thư xã Quảng Hùng, nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Quảng Đại) khi ký biên bản bàn giao 9 lô đất trên thời kỳ năm 1995; ông Phạm Văn Huyền, hiện là Chủ tịch UBND xã Quảng Đại, đã lập hồ sơ đề nghị UBND huyện cấp sổ đỏ sai quy định vào năm 2015.

Lộng quyền lấy đất dân cấp cho… người thân quan xã

Không chỉ mắc các sai phạm như trên, theo tố cáo của các hộ dân, trong sự việc “xâu xé” đất, ngoài sổ đỏ cấp sai quy định cho ông Hiệp, khu đất còn bị cấp cho người thân các “quan” xã.

Cụ thể bốn trường hợp như sau: 1. Sổ đỏ số 030652 do ông Lê Bá Duyên (thôn 5) đứng tên; người này là anh vợ của Bí thư Đặng Ngọc Vũ. 2. Sổ đỏ số 030653 do ông Phạm Văn Huy (thôn 2) đứng tên; người này là em trai của Chủ tịch xã Phạm Văn Huyền. 3. Sổ đỏ số 030655 do bà Nguyễn Thị Dung (thôn 2) đứng tên; người này là chị gái của một cán bộ xã. 4. Sổ đỏ do ông Nguyễn Huy Trường (thôn 3) đứng tên; người này là bố vợ của cán bộ địa chính xã.

Mặc dù sai phạm đã rõ ràng như trên, nhưng trả lời PLVN ngày 6/9/2018, ông Phạm Văn Huyền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đại vẫn cho rằng: “Chúng tôi cấp đất theo đúng quy trình”. 

Ông Huyền nói: “Năm 1994, ông Hiệp được xã Quảng Đại bán cho 2.000m2 đất (có phiếu thu tiền), năm 1995 được xã giao đất. Đến năm 2015 ông Hiệp sống tại TP HCM về yêu cầu xã cấp sổ đỏ”.  

Vẫn lời ông Huyền: “Sau khi ông Hiệp cung cấp hóa đơn thu tiền, biên bản bàn giao thực địa để đề nghị cấp sổ thì chúng tôi thẩm định giấy tờ, kiểm tra hiện trường, không hề có chuyện làm giả giấy tờ”. Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra biên bản giao đất ngày 6/12/1995 cho người có tên Nguyễn Bá Lê Huyền (thời điểm này người có tên Huyền chưa ra đời) và hỏi “người chưa sinh mà vẫn có thể ký biên bản sao?” thì ông Huyền mới thừa nhận: “Cái này chúng tôi kiểm tra chưa kỹ nên dẫn tới sai sót”.

Trở lại với những người khai hoang sử dụng khu đất từ dăm chục năm nay, một cụ bà phẫn nộ: “Nay tôi gần 90 tuổi, sống gần hết đời người, bao lần hỏi hoặc làm đơn xin cấp sổ mà xã không cho, lại lấy đất chúng tôi cấp cho người khác. Còn có vô lý nào bằng”. 

Nguyện vọng của sáu hộ dân là đề nghị UBND Sầm Sơn hủy các sổ đỏ đã cấp sai quy định; cấp sổ đỏ mới cho sáu hộ dân đã khai phá từ bấy lâu nay để họ dựng lại nhà sinh sống; và xử lý nghiêm hành vi làm giả giấy tờ của các cán bộ xã và huyện.

Tóm tắt quá trình “phù phép” của xã Quảng Đại và huyện Quảng Xương:

Ngày 6/9/1994, xã Quảng Đại ký hợp đồng chuyển nhượng cho ông Hiệp diện tích 2.000 m2 đất ở, giá 32 triệu; vị trí nêu chung chung: “Phía Bắc giáp lô số 01, phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp đường 4C; phía Nam giáp phần kế tiếp của lô số 02”.

Cùng ngày ông Hiệp nộp cho xã 22 triệu (sau này ông Hiệp rút lại 2 triệu). Phiếu thu ghi: “Tạm thu tiền đất bãi biển du lịch”.

Ngày 6/12/1995, ông Hiệp có Đơn xin đề nghị cấp sổ đỏ cho… 9 hộ gia đình do ông Đặng Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Đại lúc bấy giờ xác nhận (nay ông Vũ là Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hùng). Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích lô đất ông Hiệp xin làm sổ không phải là lô đất theo hợp đồng chuyển nhượng ngày 6/9/1994, mà “biến” sang các lô đất của 6 hộ gia đình từng gặp thiên tai.

Tận 20 năm sau, ngày 26/10/2015, xã Quảng Đại có Tờ trình số 49/TTr-UBND, do ông Phạm Văn Huyền, Chủ tịch UBND xã ký gửi UBND huyện Quảng Xương đề nghị giải quyết tồn đọng giao đất ở, xét sổ đỏ với 9 hộ để hợp pháp hóa đất mà xã đã bán năm 1994. Ngày 12/11/2015, huyện Quảng Xương có Thông báo số 471/TB-UBND thống nhất hợp pháp hóa diện tích 1.920m2 đất ở cho 9 hộ gia đình này.

Rất nhanh chóng, đến ngày 14/12/2015 (tức là còn 17 ngày nữa là xã Quảng Đại sáp nhập vào TP Sầm Sơn), UBND huyện Quảng Xương có Quyết định số 4758/QĐ-UBND cấp sổ.