Thất bại trong kinh doanh thương mại điện tử do nhân sự nghiệp dư

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Đa số doanh nghiệp Việt hiện đã quan tâm đầu tư hoặc có chiến lược phát triển thương mại điện tử nhưng lại thiếu hoặc không đầu tư đào tạo nguồn nhân sự theo hướng chuyên nghiệp hóa nên hoạt động của kênh tiếp thị và bán hàng này thành rất vụng về, kém hiệu quả, trong nhiều trường hợp bị thất bại.

Thông tin này được ghi nhận tại sự kiện "Omnichannel Playbook - Conquering the Future of Unified Commerce" (Tạm dịch: Cẩm nang Thương mại Đa kênh - Chinh phục Tương lai Thương mại Hợp nhất) diễn ra tại TP HCM vào chiều tối ngày 17-12.

Sự kiện do The Purpose Group và SmartOSC phối hợp tổ chức với các chuyên gia đầu ngành về nền tảng công nghệ và nhà bán lẻ như Google, Adobe, Amazon, The Coffee House, ANTS Digital, Zalo Business... là các diễn giả đã chia sẻ với đại diện hơn 150 nhà bán lẻ về những bài học, kinh nghiệm thực tiễn trong thương mại đa kênh với ứng dụng nền tảng kỹ thuật số.

Bà Kaelyn Trinh của Google ở Việt Nam (trên màn hình) chia sẻ trực tuyến về sức mạnh của thương mại đa kênh hợp nhất tại sự kiện.
Bà Kaelyn Trinh của Google ở Việt Nam (trên màn hình) chia sẻ trực tuyến về sức mạnh của thương mại đa kênh hợp nhất tại sự kiện.

Tại sự kiện, hầu hết các chuyên gia đều đánh giá thương mại điện tử trong nước đang trong giai đoạn phát triển nhanh và còn nhiều tiềm năng phát triển trong những năm tới để các doanh nghiệp có thể đầu tư vào kênh bán hàng này.

Bà Kaelyn Trinh, Quản lý phát triển đối tác (Agency Development Manager) của Google ở Việt Nam, cho rằng hiện tại là thời điểm vàng để các nhà bán lẻ, thương hiệu khám phá và chinh phục Omnichannel.

Đại diện đến từ Google chia sẻ về sức mạnh của thương mại đa kênh hợp nhất. Các xu hướng then chốt về Omnichannel tại Việt Nam được triển khai bằng sự sáng tạo và nguồn cảm hứng của thương hiệu sẽ là yếu tố dẫn dắt người tiêu dùng quyết định mua hàng bằng hoạt động thương mại trên mạng xã hội (Social commerce), D2C (Direct to Customer)...

Ông Võ Duy Phú, đồng sáng lập chuỗi quán The Coffee House, cũng cho rằng việc hợp nhất trải nghiệm thương hiệu, từ truyền thông đến thương mại, thông qua mô hình kinh doanh trên nền tảng Omnichannel nhằm thu hút khách hàng tiềm năng từ các kênh trực tuyến đến cửa hàng (Online To Offline - O2O) qua từng bước.

"O2O chính là mô hình kinh doanh rất phù hợp với người Việt Nam, giúp khách hàng dễ dàng tham khảo thông tin sản phẩm, đặt mua hàng, thanh toán trước", ông Phú nói, và cho biết nhờ kết hợp giữa mô hình kênh bán hàng truyền thống và kênh trực tuyến mà hoạt động kinh doanh của The Coffee House ngày càng phát triển mạnh và nhanh hơn.

Thu hút khách hàng tiềm năng từ các kênh trực tuyến đến cửa hàng (O2O - Online To Offline) đã giúp chuỗi cà phê The Coffee House ngày càng phát triển và đã đạt hơn 170 điểm.
Thu hút khách hàng tiềm năng từ các kênh trực tuyến đến cửa hàng (O2O - Online To Offline) đã giúp chuỗi cà phê The Coffee House ngày càng phát triển và đã đạt hơn 170 điểm.

Giám đốc Amazon Global Selling Vietnam, ông Trần Xuân Thủy, cho rằng xu hướng thương mại trực tuyến và trực tiếp đến người tiêu dùng cá nhân, giúp cho các doanh nghiệp mở rộng định hướng phát triển và tăng trưởng với góc nhìn thị trường toàn cầu và xu hướng thương mại số.

Theo ông Thủy, đa số doanh nghiệp trong nước hiện đã quan tâm đầu tư hoặc có chiến lược phát triển thương mại điện tử nhưng lại không đầu tư vào nhân sự chuyên nghiệp của kênh tiếp thị và bán hàng này. Phần lớn, doanh nghiệp lại sử dụng đội ngũ nhân sự của kênh bán hàng truyền thống để thực hiện cả kênh bán hàng số, nên không mang hiệu quả mong muốn hoặc thâm chí là dẫn đến thất bại.

Ông Thủy lưu ý, kênh bán hàng trực tuyến khác với kênh bán hàng truyền thống (trực tiếp) nên doanh nghiệp cần phải đầu tư nhân sự có kiến thức chuyên môn, kỹ năng về thương mại điện tử nhằm mang lại hiệu quả cao.

Đại diện của Adobe, ông Nicholas Kontopoulos, cũng đồng tình và chia sẻ về vấn đề khác biệt hoá thương hiệu thông qua trải nghiệm trên các nền tảng số và nhấn mạnh vào việc thương hiệu, doanh nghiệp phải dành thời gian, công sức, đầu tư vào việc thiết kế trải nghiệm này, từ góc độ truyền thông và thương mại, sao cho ở từng điểm chạm và từng mốc thời gian tiếp xúc, người tiêu dùng được quan tâm, chăm sóc theo đúng cách họ muốn.

Tại sự kiện, hầu hết các diễn giả đều cho rằng thương mại điện tử là một kênh bán hàng hiện đại và là cơ hội mở rộng thì trường rộng khắp cho tất cả các doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu kinh doanh trực tuyến, nếu muốn thành công doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều thời gian để tìm hiểu và phân tích kỹ từng kênh bán hàng, cách xây dựng thương hiệu, tiếp cận khách hàng...

Vì ngốn nhiều thời gian và công sức cũng như không có kinh nghiệm, nhiều doanh nghiệp thường lựa chọn thuê bên thứ ba có chuyên môn về tiếp thị số (digital marketing) tư vấn, thực hiện cho doanh nghiệp của mình. Đây cũng là một cách làm trong thời đại tất cả dịch vụ được cung cấp như hiện nay.

Giám đốc Amazon Global Selling Vietnam, ông Trần Xuân Thủy, chia sẻ thông tin tại sự kiện.
Giám đốc Amazon Global Selling Vietnam, ông Trần Xuân Thủy, chia sẻ thông tin tại sự kiện.

Thực tế này cũng được ông Lê Bá Linh, sáng lập viên Công ty Link Nature Power, chủ thương hiệu nước mắm Mami, gần đây chia sẻ với TBKTSG Online rằng để luôn nằm trong tốp 5 thương hiệu nước mắm bán chạy nhất ở sàn thương mại điện tử Amazon ở Mỹ, công ty ông phải thực hiện các dự án tiếp thị số (digital marketing) khá bài bản.

“Chúng tôi đã thuê hẳn công ty trong mảng quảng cáo về Digital marketing để phụ trách vấn đề này, và đối tác sẽ giúp doanh nghiệp theo dõi và chăm sóc khách hàng thường xuyên”, ông Linh chia sẻ, và cho biết khoản chi phí cho khâu này chiếm đến khoảng 20% doanh thu.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy doanh thu bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam trong năm nay vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước 11 tháng đầu năm 2020 đạt 4.590.700 tỷ đồng. Trong đó, bán lẻ hàng hóa đạt 3.630.400 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn hơn.

Đó là nhờ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra nhiều cơ hội lớn cho ngành bán lẻ Việt Nam, đặc biệt các lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, thời trang. Trong xu hướng này, thương mại đa kênh trở thành chiến lược cần thiết và hiệu quả đối với nhiều nhà bán lẻ có khả năng thích ứng với hành vi và thói quen mua sắm năng động, đa dạng của người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng.

“Omnichannel Playbook - Conquering the Future of Unified Commerce” thuộc khuôn khổ diễn đàn "The Future of Commerce - Thương Mại Của Tương Lai" - một hoạt động thường niên do The Purpose Group và SmartOSC khởi xướng, đồng hành bởi Brandmaker, Adobe, Magento Commerce, Amazon, Google và các đối tác khác; nhằm cùng các đối tác mang đến những giải pháp thiết thực, hiệu quả giúp các thương hiệu nhận diện các thách thức và tiếp cận các giải pháp trong hành trình chinh phục khách hàng và tìm kiếm tăng trưởng.

Tại sự kiện này, Ban tổ chức cũng cho ra mắt Cẩm nang Thương mại Đa kênh Hợp Nhất dành cho các doanh nghiệp, được soạn thảo và công bố bởi các tổ chức đầu ngành với nhiều năm nghiên cứu, triển khai các dự án thực tế.

Các tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái thương mại đa kênh như The Purpose Group, SmartOSC, ANTS Digital và Brandmaker, đã giúp doanh nghiệp Việt có cái nhìn toàn cảnh về lộ trình, nguồn lực, vai trò và cách thức thực hiện.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục