Thấy gì từ quyết định của Viện kiểm sát đề nghị Grab bồi thường Vinasun gần 42 tỷ đồng?

Theo BizLive

Hôm nay (29/10) Toà án nhân dân TP.HCM sẽ ra phán quyết cuối cùng liên quan đến vụ kiện giữa CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện đòi Công ty TNHH Grab (Grab) bồi thường thiệt hại gần 42 tỷ đồng.

Tháng 6/2017, Vinasun kiện Grab ra toà. Phía nguyên đơn cho rằng, Grab lợi dụng việc Bộ Giao thông vận tải ban hành Đề án 24 để thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường. Phiên toà đã phải tạm hoãn nhiều lần vì nhiều lý do.

Mới đây nhất, chiều 23/10, đại diện Viện kiểm sát đã đưa ra đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường một lần gần 42 tỷ đồng mà nguyên đơn thiệt hại. HĐXX sẽ tuyên án vào chiều 29/10. Xung quanh vụ việc này, BizLIVE đã có cuộc trao đổi với các luật sư, chuyên gia kinh tế về một số vấn đề liên quan.

Nhiều vấn đề phức tạp trong việc Tòa thụ lý vụ Vinasun kiện Grab

Thấy gì từ quyết định của Viện kiểm sát đề nghị Grab bồi thường Vinasun gần 42 tỷ đồng? - Ảnh 1

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM

Trong vụ việc này có nhiều vấn đề nên tương đối phức tạp cho tất cả các bên, cho chính cả nguyên đơn và việc thụ lý của Tòa cũng không rõ ràng.

Nếu Grab là doanh nghiệp bất kỳ (không hẳn cứ phải xác định là doanh nghiệp vận tải) nhưng có hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại Điều 39 Luật Cạnh tranh (như: Chỉ dẫn gây nhầm lẫn; Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác; Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh;…) thì doanh nghiệp (Vinasun) có quyền khiếu nại vụ việc cạnh tranh và cũng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại cho mình từ hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, giải quyết vụ việc cạnh tranh được thực hiện theo quy định Luật Cạnh tranh.

Ở đây, Vinasun đi khởi kiện tại Tòa trong đó đề nghị xem Grab như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi và tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỷ đồng đã gây ra cho Vinasun. Trong khi đó, có những vấn đề chưa ổn.

Thứ nhất, việc xác định bản chất hoạt động của một doanh nghiệp là do cơ quan nhà nước về quản lý hành chính chứ không phải thẩm quyền của Tòa. Mặc dù, Tòa có quyền xác định bản chất hoạt động kinh doanh để xác định lại tư cách và trách nhiệm dân sự của chủ thể.

Thứ hai, Điều 584 Bộ Luật Dân sự quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại mặc dù không nêu rõ “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật” hay việc “do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý” nhưng đều là các hành vi gây thiệt hại mang tính trực tiếp.

Còn ở vụ án này, nếu xem xét lập luận của Vinasun và VKSND TP.HCM đều hoàn toàn không phải là hành vi trực tiếp dẫn đến “thiệt hại” cho Vinasun. Hay nói một cách khác, những lập luận đó, đúng ra phải ở phiên điều trần của vụ việc cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh.

Xử không thoả đáng có thể làm triệt tiêu mô hình kinh doanh mới

Thấy gì từ quyết định của Viện kiểm sát đề nghị Grab bồi thường Vinasun gần 42 tỷ đồng? - Ảnh 2

Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá, Bộ Tài chính

Nhà nước cần thận trọng, nếu như xử không thỏa đáng có thể làm triệt tiêu mô hình kinh doanh mới đang là xu thế của thời đại, đem lại nhiều lợi ích đặc biệt người tiêu dùng đồng thời có thể khiến mô hình taxi truyền thống mất động lực cạnh tranh.

Bản thân tôi cũng là người tiêu dùng và giống như rất nhiều người tiêu dùng khác tôi chủ yếu sử dụng Grab thay vì taxi truyền thống hiện nay.

Khi có mô hình kinh tế mới được hình thành sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với cách quản lý của Nhà nước như việc quản lý phương tiện, quản lý người lao động (tài xế), quản lý thuế cũng khó khăn… Do đó, phải tìm ra cách thức quản lý tốt nhất, tạo lập môi trường, thể chế và định danh cho rõ những mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ.

Đối với mô hình kinh doanh mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói đây là cơ hội để tạo điều kiện cho đất nước phát triển phồn vinh, thực hiện mơ ước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nếu cơ quan tư pháp quyết định về việc phạt Grab bồi thường cho Vinasun sẽ có những điểm hại như không thu hút được nhà đầu tư và nền tảng công nghệ bị thui chột, cản trở Cách mạng 4.0.

Dù nhiều hãng taxi cũng cho ra những ứng dụng công nghệ đặt xe bằng app tuy nhiên hiệu quả chưa bằng Grab nên cạnh tranh không được. Phải chăng việc chuyển đổi mô hình kinh doanh mới khá khó khăn khi bộ máy cồng kềnh, quản lý yếu kém với phương tiện thuộc về mình trong khi đối thủ cạnh tranh là nền kinh tế chia sẻ kết nối, quyết định định giá.

Nếu Vinasun thắng kiện, nhiều hãng taxi truyền thống cũng sẽ kiện

Thấy gì từ quyết định của Viện kiểm sát đề nghị Grab bồi thường Vinasun gần 42 tỷ đồng? - Ảnh 3

Ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO FastGo

Nếu Vinasun thắng kiện, các doanh nghiệp taxi truyền thống khác có thể sẽ tiếp tục đi kiện các công ty công nghệ như Grab.

Liệu có cơ hội nào cho doanh nghiệp công nghệ và taxi truyền thống hợp tác không? Điều này tuỳ thuộc vào chiến lược ngắn hạn và dài hạn của mỗi công ty và việc hợp tác mang tính bình đẳng, hai bên cùng có lợi và phát triển bền vững.

Thực tế các hãng taxi truyền thống cũng rất cởi mở và đón nhận cái mới, đầu tư công nghệ, cái họ thiếu là một đối tác tin cậy để cùng nhau hướng tới việc phát triển khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí và giúp họ quản trị hiệu quả hơn, không lấy đi miếng bánh đang có của họ.

Nhiều hãng taxi truyền thống đang tự phát triển ứng dụng đặt xe của mình, nhưng cái khách hàng cần không phải là một cái ứng dụng để đặt xe, mà là một trải nghiệm dịch vụ với nhiều lợi ích, sự thuận lợi trong thanh toán và dịch vụ chăm sóc khách hàng, vì vậy các hãng taxi tự làm app không giải quyết được vấn đề, nó chỉ thêm một công cụ cho khách hàng gọi xe.

Tin Cùng Chuyên Mục