Thế “bí” của nhà đầu tư nếu nâng lô giao dịch chứng khoán

Nguyễn Lê Anh – Công ty Luật TNHH Penfield

Đề xuất thay đổi giá trị lô giao dịch chẵn từ 100 lên 1.000 dành cho các chứng khoán niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM (HOSE) đang tạo nên nhiều luồng ý kiến trái ngược từ nhà đầu tư, chuyên gia.

Nhìn vào mặt tích cực của đề xuất này, lãnh đạo HOSE đã tuyên bố “việc tăng lên lô 1.000 cổ phiếu có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp.

Từ đó, sẽ gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư, thúc đẩy ngành quản lý quỹ phát triển, để gia tăng lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường theo đúng mục tiêu của Chính phủ. Đây là điều có ý nghĩa dài hạn đối với sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam”

Thế “bí” của nhà đầu tư nếu nâng lô giao dịch chứng khoán - Ảnh 1

Tuy nhiên, xuất hiện nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà đầu tư đã đăng tải qua các bài viết truyền thông đại chúng quan ngại rằng đề xuất này là “bước lùi của thị trường chứng khoán Việt Nam?” hoặc “Nhà đầu tư có thật sự được bảo vệ khi nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 chứng khoán?”.

Mỗi ý kiến đưa ra sẽ khó có thể phân giải được việc đúng hay sai của các quan điểm bởi lẽ mỗi ý kiến đều đang dựa trên thực tiễn của sự phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây và đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang trở nên sôi động từ sự tăng điểm mạnh mẽ của các chỉ số chứng khoán cũng như sự đột biến về thanh khoản giao dịch trong năm 2020.

Mặt khác, trong bối cảnh pháp luật doanh nghiệp, chứng khoán được áp dụng thực thi trong năm 2021 (kể từ thời điểm 01/01/2021, Luật Doanh Nghiệp 2020 và Luật Chứng Khoán 2019 có hiệu lực thi hành), đề xuất của HOSE có thể sẽ tìm được một căn cứ pháp lý để đánh đề xuất mới “phù hợp” hay “chưa phù hợp”?

Thế “bí” cho nhà đầu tư thực hiện chuyển nhượng cổ phiếu

Nếu đề xuất của HOSE về lô giao dịch chẵn 1.000 cổ phiếu thành hiện thực thì quy định này sẽ đưa các nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp đến với một tình thế “bí bách” khi chuyển nhượng cổ phiếu mà không sở hữu đủ số lượng tối thiểu.

Giả sử một nhà đầu tư trở thành cổ đông của Vinacfe Biên Hòa (HSX:VCF) đã bỏ tiền đầu tư hơn 200 triệu để sở hữu 900 cổ phiếu VCF. Khi đề xuất lô giao dịch chẵn 1000 cổ phiếu có hiệu lực, nhà đầu tư này sẽ không có cách nào giao dịch theo thị giá tại sàn HSX trong phiên giao dịch khi có nhu cầu chuyển nhượng mà buộc phải bán số cổ phần đó theo hình thức giao dịch lô lẻ tại công ty chứng khoán mà nhà đầu tư đang sử dụng để sở hữu cổ phần đó.

Đương nhiên, nhà đầu tư không thể chuyển nhượng cổ phần của mình theo mức giá thị trường mà buộc phải giao dịch bằng nghiệp vụ “giao dịch lô lẻ” tại công ty chứng khoán với mức giá có tính chất “thỏa thuận”.

Theo thông tin bài viết “Tầm nhìn chứng khoán” của nhà báo Hải Lý đăng ngày 02/03/2021 tại chuyên mục Góc nhìn báo điện tử VnExpress, các công ty chứng khoán sẽ tiến hành mua lô lẻ khi thị trường trầm lắng, khi giá cổ phiếu giao dịch có sự giảm mạnh.

Tác giả phỏng đoán rằng, số vốn đầu tư 200 triệu trong ví dụ trên, nếu đem so sánh với bối cảnh hiện tại của nền kinh tế có thể là nhỏ so với nhiều nhà đầu tư khác nhưng với một cá nhân có thể thiệt hại 40 triệu đồng (khoảng 20% giả trị đầu tư) do quá trình “mặc cả” của giao dịch lô lẻ không thành hay nói cách khác là không được chuyển nhượng tự do, sai xót này sẽ đủ mang lại “thất vọng lớn” cho một cá nhân nào đó mới tham gia thị trường (được giới chuyên môn gọi là F0, là lực đẩy mới của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua).

Nhìn tự thực tiễn này, bất kỳ một nhà đầu tư nào khi tham gia thị trường đều có thể băn khoăn rằng phải chăng các nhà đầu tư bị đẩy vào tình thế sở hữu cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng?

Băn khoăn của nhà đầu tư nếu đem soi chiếu tại quy định về quyền của đông tại Điểm d Khoản 1 Điều 115 Luật doanh nghiệp 2020 thì sẽ làm nhà đầu tư đối mặt với một vấn đề hóc búa hơn nữa về chế định “tự do chuyển nhượng” khi mà quy định pháp luật ghi nhận rằng cổ đông có quyền “Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 1 Điều 127 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Các nhà đầu tư có thể được hiểu rằng cản trở duy nhất mà được phép ảnh hưởng đến việc “tự do chuyển nhượng” là do một “quy định của pháp luật” quy định, vậy những văn bản của một cơ quan nhà nước khác không phải là “luật” có được quy định hạn chế quyền chuyển nhượng của cổ đông hay không?

Nếu HOSE ra văn bản Quyết định điều chỉnh nâng lô chẵn giao dịch tối thiểu từ 100 cổ phần lên 1.000 cổ phần tương tự như cách Hose đã ban hành Quyết định 894 ngày 30/12/2020 cho việc điều chỉnh từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu thì đề xuất mới của HOSE có mâu thuẫn sâu sắc với quy định Luật doanh nghiệp 2020 hay không? Cần phải hiểu quy định của Luật doanh nghiệp và động thái của Hose theo cách hiểu, chiều hướng như thế nào?

Có lẽ một phần câu trả lời cho những câu hỏi trên đã được thể hiện bằng rất nhiều bài viết của truyền thông ghi nhận sự phản đối của các nhà đầu tư cho đề xuất mang tính “đột ngột” và được cam kết là “tạm thời” của HOSE.

Các nhà đầu tư và tác giả có thể cũng chung một cảm nhận về việc không được tự do chuyển nhượng cổ phần theo giá thị trường là một “thảm kịch” đối với các nhà đầu tư. Đặc biệt hơn nữa, nội dung đề xuất của HOSE đang có mâu thuẫn với quy định pháp luật và ảnh hưởng có phần tiêu cực đến nhiều đối tượng cổ đông và nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường chứng khoán.

Nguyên tắc hoạt động, chính sách phát triển thị trường chứng khoán có bị ảnh hưởng nếu đề xuất của Hose đi vào hiện thực hay không?

Luật Chứng khoán 2019 đã xây dựng những điểm đột phá nhằm cải thiện hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam bằng việc thừa nhận cụ thể hơn trách nhiệm của Nhà Nước trong việc tạo lập thị trường bằng các trách nhiệm (1) “có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tham gia đầu tư và hoạt động trên thị trường chứng khoán nhằm huy động các nguồn vốn trung hạn và dài hạn cho đầu tư phát triển” và (2) “có chính sách đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin cho hoạt động của thị trường chứng khoán”

Như vậy, quy định cụ thể trong Luật chứng khoán 2019 ghi nhận rõ ràng trách nhiệm, loại hình biện pháp, hành động để cơ quan chức năng để tiến hành phát triển thị trường chứng khoán theo xu hướng thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.

Đồng thời, các nhà đầu tư cũng có thể nhìn vào quy định này để đặt niềm tin vào việc Nhà Nước sẽ luôn có các chính sách ủng hộ thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả.

Sự cố nghẽn lệnh của HOSE thời gian qua mặc dù do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đến từ những tình huống mà các nguồn lực hiện tại của Nhà Nước một phần nào đó không thể ứng phó kịp thời. Các nhà đầu tư có lẽ cũng hiểu và thông cảm phần nào cho cơ quan quản lý thị trường trong sự cố bất ngờ này.

Tuy nhiên, đề xuất nâng lô giao dịch chẵn thành 1000 cổ phiếu của HOSE đang không bộc lộ sự phù hợp với loại hình biện pháp mà cơ quan nhà nước sẽ thực hiện theo quy định của Luật Chứng Khoán 2019.

Đề xuất nâng lô này có phải là một chính sách khuyến khích/thuận lợi hay một giải pháp hiện đại hóa kỹ thuật hay không? Có lẽ nhiều nhà đầu tư sẽ cùng đồng ý với tác giả là không.

Thêm vào đó, đề xuất này còn đang bỏ ngỏ cho một thắc mắc của phần lớn các nhà đầu cho nguyên tắc “Tôn trọng quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền tự do giao dịch, đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ về chứng khoán của tổ chức, cá nhân”, một trong những nguyên tắc chủ đạo của thị trường chứng khoán mà Nhà Nước đã thừa nhận trong Luật Chứng Khoán 2019, có được cơ quan chức năng bảo vệ nguyên tắc cơ bản này hay không?

Tạm kết

Mục đích chính của đề xuất nâng lô chẵn giao dịch tại HOSE lên 1.000 cổ phiếu là khắc phục lỗi kỹ thuật và HOSE cũng bổ sung cơ sở phù hợp cho đề xuất này là hướng đến “các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn”.

Tuy nhiên, bên cạnh các căn cứ phản biện về sự phát triển kinh tế vĩ mô thì các quy định hiện hành của pháp luật cũng chưa đủ khă năng để diễn giải ngụ ý trong tuyên bố của HOSE về mục đích bảo vệ tốt hơn nhà đầu tư.

Đương nhiên, các nhà đầu tư cũng chỉ quan tâm khi nào lỗi được khắc phục sớm, nhưng một giải pháp khắc phục mà ảnh hưởng đến nguyên tắc cơ bản của thị trường và gây ra xung đột pháp luật thì cần được xem xét kỹ lưỡng hơn từ cấp quản lý Nhà Nước có thẩm quyền cao hơn

Tin Cùng Chuyên Mục