Thế Giới Di Động (MWG) lãi tăng 66%, tăng mạnh nợ vay và hàng tồn kho

Quỳnh Chi

Doanh nghiệp không hoàn thành mục tiêu doanh thu 125.000 tỷ đồng nhưng vượt nhẹ 3% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã CK: MWG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021. Doanh thu trong quý đạt 36.138 tỷ đồng, tăng 33%. Doanh nghiệp cho biết sau khi các quy định giãn cách xã hội dần được nới lỏng, số lượng của hàng TGDĐ/ĐMX phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng giảm dần từ mức hơn 1.600 cửa hàng trong tháng 9 về gần như hoạt động trở lại bình thường từ đầu tháng 10/2021.

Riêng quý IV, 2 chuỗi TGDĐ và ĐMX đã có sự bứt phá, đóng góp 30.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm, 2 chuỗi này đạt doanh thu 94.300 tỷ đồng, có tăng trưởng.

Với chuỗi Bách Hóa Xanh, sức mua các mặt tiêu dùng hồi phục chậm sau dịch, nhưng nhờ tối ưu hóa vận hành nên vẫn duy trì EBITA dương ở cấp độ công ty trong quý IV và duy trì cho cả năm 2021.

Giá vốn tăng cao hơn nên lợi nhuận gộp còn tăng 18% đạt 7.375 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 23% xuống 20,4%. Nguyên nhân biên lợi nhuận gộp quý IV giảm là do đóng góp doanh số lớn từ sản phẩm iPhone trong giai đoạn ra mắt sản phẩm từ tháng 10/2021.

Doanh thu tài chính tăng 58% lên 384 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 54% lên 225 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 14% và chi phí quản lý giảm 15%. Theo đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.562 tỷ đồng, tăng 66%.

Thế Giới Di Động (MWG) lãi tăng 66%, tăng mạnh nợ vay và hàng tồn kho - Ảnh 1

Lũy kế cả năm 2021, MWG ghi nhận doanh thu đạt 122.958 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.900 tỷ đồng, lần lượt tăng 13,3% và 25% so với năm trước. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được 98% kế hoạch doanh thu và vượt 3% mục tiêu tiêu lợi nhuận.

Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của MWG đã tăng mạnh gần 17.000 tỷ đồng (tương đương 37%) so với đầu năm lên mức 62.983 tỷ đồng. Khoản tiền và tương đương tiền giảm 33% xuống còn 4.944 tỷ đồng, giảm 33% trong khi đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (chủ yếu là tiền gửi và trái phiếu ngắn hạn) đã tăng 68% lên 13.434 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tồn kho của MWG đã tăng mạnh hơn 9.700 tỷ đồng so với đầu năm lên 29.180 tỷ đồng trong đó 3 khoản mục lớn nhất vẫn là thiết bị điện tử (9.911 tỷ đồng), điện thoại di động (5.769 tỷ đồng) và thiết bị gia dụng (5.155 tỷ đồng). Mặt khác, số dư nợ vay tài chính cuối kỳ cũng tăng gần 7.900 tỷ đồng so với đầu kỳ lên 24.647 tỷ đồng, chiếm 39% tổng tài sản.

Tin Cùng Chuyên Mục