Thị trường bất động sản đang có tín hiệu tích cực, nhà đầu tư bắt đầu “săn tìm” sản phẩm đầu tư

Trung Hiếu

Theo các chuyên gia, những điểm tích cực từ thị trường hiện nay tác động rất nhiều tới tâm lý nhà đầu tư. Theo đó, khi thị trường có xu hướng “ấm” lên, nhà đầu tư bắt đầu “săn tìm” những mảnh đất màu mỡ với dư địa phát triển lớn.

Thị trường có nhiều tín hiệu tích cực

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản ở quý 1/2023 đang có tín hiệu tích cực nhờ vào động thái hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời từ Chính phủ như: Thành lập Tổ công tác rà soát thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, địa phương có các dự án đang bị vướng mắc (theo Quyết định 1435/QĐ-TTg); Công điện 1164/CĐ-TTg của Chính phủ cũng ban hành để đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện theo Quyết định 1435/QĐ-TTg, trong đó đề cập việc các doanh nghiệp bất động sản cần phải tự nghiên cứu, xem xét hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu của thị trường…

Thị trường bất động sản đang có tín hiệu tích cực, nhà đầu tư bắt đầu “săn tìm” sản phẩm đầu tư - Ảnh 1

Nhiều chỉ đạo của Chính phủ tiếp tục đưa ra để tái cơ cấu cho nền kinh tế. Theo đó, Nhà nước đang tích cực triển khai và hỗ trợ thông qua các chính sách điều chỉnh khung pháp lý cho hoạt động M&A tại Việt Nam, tránh chồng chéo trong các văn bản pháp luật.

Bên cạnh đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn thị trường.

“Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là liều thuốc bổ có giá trị đối với thị trường. Tuy nhiên, Chính phủ cần ban hành cụ thể Nghị quyết về gói ưu đãi này, bao gồm về tiêu chí, nhóm đối tượng được tiếp cận nguồn vốn này”, ông Nguyễn Văn Đính cho hay.

Việc tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với thực tại nền kinh tế và nguồn lực doanh nghiệp, cấu trúc lại các dòng sản phẩm để dễ hấp thụ thị trường sẽ góp phần vào việc đảm bảo “sức khỏe” cho doanh nghiệp.

Có thể thấy, sự vào cuộc của Chính phủ giúp tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý, về chính sách tín dụng… cùng sự đồng lòng của các đơn vị tổ chức, các nhà môi giới cá nhân, các chuyên gia dự báo thị trường bất động sản sẽ “ấm” lên từ quý 3/2023.

Tìm điểm đầu tư khi thị trường trầm lắng

Các chuyên gia chỉ ra những điểm tích cực từ thị trường hiện nay tác động rất nhiều tới tâm lý nhà đầu tư. Theo đó, khi thị trường có xu hướng “ấm” lên, nhà đầu tư bắt đầu “săn tìm” những mảnh đất màu mỡ với dư địa phát triển lớn.

Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, trong tháng 1/2023, nhu cầu tìm mua căn hộ và nhà liền kề trên cả nước tăng lần lượt 64% và 96% so với giai đoạn cùng thời điểm năm 2022. Nhu cầu tìm thuê căn hộ chung cư cũng tăng 139% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý hơn, trong tháng 2/2023, cả lượng tin đăng bán và mức độ quan tâm tìm mua nhà đất tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đang có xu hướng tăng trưởng trở lại. Tại hàng loạt thị trường trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận đều đang ghi nhận nhu cầu tìm mua nhà đất tăng mạnh nếu so sánh với tháng đầu năm. Đặc biệt là tại thị trường Đồng Nai, nhu cầu mua bất động sản tăng mạnh ở cả 3 loại hình: Chung cư, đất nền và nhà phố với mức tăng lần lượt là 53%, 89% và 67%.

Chị Nguyễn Huyền, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, chị thường xuyên được môi giới gọi điện cập nhật tình hình, miếng đất ở Hoà Lạc trước đây chị “ngắm” giờ đã giảm giá hơn 300 triệu đồng, chị Huyền quyết định sẽ xuống tiền trong thời gian tới.

Còn anh Ngọc Tiến (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, anh cũng đang sẵn sàng nguồn tiền để chờ thời cơ, nếu thấy cơ hội đầu tư tốt trong thời gian tới thì anh sẽ mua ngay, vì theo anh Tiến, thời điểm hiện tại giá bất động sản đã giảm đến vùng hấp dẫn.

TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho biết, để vực dậy thị trường, chúng ta cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, hỏi học từ quốc tế và tiếp cận đa chiều và đưa ra hai nhóm chính sách, ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, nhóm giải pháp ngắn hạn là những chính sách tập trung tháo gỡ vấn đề đang nóng nhất của thị trường, gồm pháp lý và vốn. Nếu tháo gỡ được vấn đề pháp lý thì hàng trăm dự án được giải tỏa, dòng tiền từ đây mà ra. Quan trọng hơn, tháo gỡ được vấn đề pháp lý chính là củng cố niềm tin cho thị trường.

Về vốn cho thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực, cho rằng nóng nhất chính là vấn đề trái phiếu. Theo tính toán, khoảng 120.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn trong năm 2023, sang năm 2024 là khoảng 110.000 tỷ đồng. Mua lại lượng trái phiếu này đang gây áp lực rất lớn cho các nhà đầu tư bất động sản.

Về vốn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, TS. Cấn Văn Lực đề xuất cho phép cơ cấu lại nợ, giữ nhóm nợ. Việc này có thể gây ý kiến trái chiều vì nhiều ngành đang trong hoàn cảnh cần cơ cấu nợ.

Theo đó, vị chuyên gia này cho rằng việc nới room tín dụng cho lĩnh vực bất động ở thời điểm hiện tại là chưa cấp thiết, bởi trong năm 2022 tín dụng cả hệ thống tăng trưởng 14,5%, riêng tín dụng cho bất động sản đã tăng trưởng 24,2% thì năm 2023 không thể cao hơn. Từ đây, TS. Cấn Văn Lực rút ra kết luận vấn đề của bất động sản là tắc ở trái phiếu doanh nghiệp.

TS. Cấn Văn Lực cũng đánh giá dòng vốn từ M&A rất quan trọng với thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp kiến nghị hệ thống ngân hàng cho vay để tài trợ phần vốn thiếu hụt khi giao dịch M&A.

Ông Lực kiến nghị nên cho phép, vì việc này hoàn toàn khả thi và là nhu cầu thật. Doanh nghiệp có 70%, phần còn lại ngân hàng tài trợ 30%.

Bổ sung thêm, chuyên gia chỉ ra quan hệ cung cầu, giá cả bất động sản vẫn còn những trường hợp bất cân đối. Giá và chi phí cao khiến giá bất động sản bị đẩy cao so với thu nhập của người dân. Như gần đây có câu chuyện, một người mất 23 năm để mua được 1 căn hộ tại Việt Nam trong khi nước khác chỉ mất khoảng 8 năm. Theo đó, để đưa ra được các phương án điều chỉnh giá bất động sản hợp lý hơn, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, đơn vị, chính quyền để đáp ứng nhu cầu. Chuyên gia đề xuất, Việt Nam nên có quỹ bình ổn như Singapore để người dân có thể dễ dàng có nhà ở.

 

Tin Cùng Chuyên Mục