Thị trường logistics Đông Nam Á: Lazada đổi tên bộ phận hậu cần, bảo hiểm AIA gia nhập "cuộc chơi"

Như Quỳnh

Cùng với sự bùng nổ thương mại điện tử, thị trường logistics Đông Nam Á cũng đang nóng dần lên với ngày càng nhiều ông lớn tham gia.

Tập đoàn thương mại điện tử Lazada mới đây đã đổi tên bộ phần hậu cần của mình thành Lazada Logistics. Trong khi đó "ông lớn" ngành bảo hiểm AIA Group Limited thì hợp tác cùng GLP để đầu tư vào lĩnh vực hậu cần.

AIA "bắt tay" cùng GLP

AIA Group Limited mới đây thông báo rằng họ đang đầu tư vào ngành bất động sản hậu cần thông qua quan hệ đối tác với GLP - một công ty Singapore chuyên về quản lý logistics. 

Tập đoàn bảo hiểm cho biết việc thâm nhập vào lĩnh vực logistics là một phần trong nỗ lực đa dạng hóa danh mục đầu tư, đồng thời giúp tập đoàn nâng cao lợi nhuận cho khách hàng và cổ đông.

GLP là một trong những công ty logistic lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh: Reuters.
GLP là một trong những công ty logistic lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh: Reuters.

AIA được thành lập tại Thượng Hải vào năm 1919 và hiện là tập đoàn bảo hiểm lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến cuối tháng 6 năm nay, AIA sở hữu khối tài sản trị giá 330 tỷ USD. 

Ở phía ngược lại, GLP là nhà điều hành kho hàng lớn nhất châu Á. GLP hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, phát triển và điều hành bất động sản logistics. Công ty có trụ sở chính ở Singapore hiện có hơn 70 quỹ bất động sản và cổ phần tư nhân với tổng giá trị hơn 118 tỷ USD. 

Lazada đổi tên bộ phận hậu cần

Nhờ sự hậu thuẫn từ công ty mẹ Alibaba, Lazada đang liên tục phát triển và mở rộng mạng lưới logistics ở Đông Nam Á.
Nhờ sự hậu thuẫn từ công ty mẹ Alibaba, Lazada đang liên tục phát triển và mở rộng mạng lưới logistics ở Đông Nam Á.

Nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á Lazada tuyên bố họ đang đổi tên thương hiệu chi nhánh hậu cần của mình thành Lazada Logistics. Sau khi quá trình đổi tên hoàn tất, Lazada Logistics sẽ bao gồm 2 mảng: Lazada eLogistics (LEL) và Lazada Express (LEX).

Trước đây, Lazada eLogistics quản lý các nhà cung cấp bên thứ ba trong khi Lazada Express xử lý việc giao bưu kiện của khách hàng. Lazada hy vọng việc hợp nhất hai mảng LEL và LEX sẽ giúp hệ thống logistics của tập đoàn trở nên đồng bộ hơn, phù hợp với nhu cầu từ người mua và người bán. 

Mạng lưới Lazada Logistics hiện có hơn 400 cơ sở bao gồm các nhà kho và trung tâm phân loại. 

Tuần trước, chi nhánh hậu cần thuộc Alibaba là Cainiao Network thông báo họ đã giúp nâng cao hiệu quả hậu cần xuyên biên giới của Lazada lên hơn 50% nhờ  ra mắt các trung tâm phân phối tại các thành phố xuất khẩu lớn ở Trung Quốc như Nghĩa Ô, Thâm Quyến và Tuyền Châu.

Tin Cùng Chuyên Mục