Thị trường M&A Việt Nam nửa đầu 2019: Vượt mốc 5 tỷ USD nhưng chủ yếu nằm trong tay khối ngoại

Theo Hồng Lam/Trí Thức Trẻ

Sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch có tổng giá trị lên tới gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội cũng như thách thức phía trước.

Thị trường M&A Việt Nam nửa đầu 2019: Vượt mốc 5 tỷ USD nhưng chủ yếu nằm trong tay khối ngoại - Ảnh 1

 

Theo thông tin từ buổi họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 diễn ra sáng 23/7, nửa đầu năm nay, ước tính tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt gần 5,43 tỷ USD, bao gồm gần 2,8 tỷ USD từ các thương vụ được công bố tại Việt Nam và khoảng 2,64 tỷ USD góp vốn mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt của các nhà đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý là thương vụ KEB Hana Bank chi 885 triệu USD mua 15% cổ phần của Ngân hàng BIDV ngày 22/7 vừa qua. Đây là thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử ngành ngân hàng Việt.

Cũng theo thông tin từ họp báo, trong năm 2018, tổng giá trị M&A Việt Nam đạt 7,64 tỷ USD, bằng 74,9% so với 2017. Tuy nhiên nếu loại trừ đóng góp của thương vụ kỷ lục Sabeco, yếu tố gây đột biến cho hoạt động động M&A năm 2017, thì tổng giá trị thương vụ 2018 vẫn tăng 41,4%.

Hai lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2018-2019 là sản xuất hàng tiêu dùng  bất động sản. Ngoài ra, các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong ngành tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thủ sản, logistic, giáo dục,…

Tuy nhiên, điểm chung là trong giai đoạn này, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài đều áp đảo nhà đầu tư trong nước. Khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Nhật Bản,… vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam. Tiêu biểu như thương vụ SK Group rót 1,5 tỷ USD vào Masan và Vingroup.

Thị trường M&A Việt Nam nửa đầu 2019: Vượt mốc 5 tỷ USD nhưng chủ yếu nằm trong tay khối ngoại - Ảnh 2

 

Để thị trường M&A Việt Nam bứt phá trong thời gian tới, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, đơn vị tổ chức diễn đàn M&A thường niên, cho rằng Chính phủ và các bên liên quan phải có sự quyết tâm và thay đổi mạnh mẽ nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư – kinh doanh, khơi thông dòng vốn chảy trong nước và quốc tế vào lĩnh vực M&A.

Ngoài ra, ông Minh thừa nhận vẫn còn đó những thách thức phải đối mặt đến từ các yếu tố khách quan cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam. Đó là sự thay đổi chính sách thương mại quốc tế của Mỹ, Trung Quốc. Hay như các trở ngại từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, những rào cản chính sách còn chưa được khơi thông của nền kinh tế Việt Nam.

Tin Cùng Chuyên Mục