Thị trường miễn thuế sân bay hàng tỷ USD ở Hàn Quốc và Trung Quốc

Theo Lan Anh/Zing

Thị trường hàng miễn thuế toàn cầu đạt 70,37 tỷ USD năm 2017, ước đạt 118,81 tỷ USD năm 2025. Khu vực APAC, đặc biệt là Hàn Quốc, là thị trường lớn và tăng trưởng nhanh nhất.

Theo báo cáo “Thị trường bán lẻ hàng miễn thuế toàn cầu” của Verified Market Research, quy mô thị trường miễn thuế toàn cầu đạt 70,37 tỷ USD năm 2017. Với mức tăng trưởng hàng năm 6,8% trong giai đoạn 2018-2025, con số này dự kiến đạt 118,81 tỷ USD năm 2025.

Đặc biệt, thống kê của ReportsnReports cho thấy châu Á - Thái Bình Dương, tiêu biểu là các nền kinh tế đang phát triển như Hàn Quốc và Trung Quốc, là khu vực lớn mạnh và đạt sức tăng trưởng mạnh mẽ nhất về doanh thu hàng miễn thuế, đồng thời là động lực chính cho sự tăng trưởng quy mô thị trường toàn cầu. Điều này được dự báo vẫn tiếp diễn đến năm 2022.

Thị trường tỷ USD, tăng trưởng 2 chữ số

Quy mô thị trường miễn thuế Hàn Quốc tăng khoảng 35% năm 2018, đạt hơn 17 tỷ USD, theo một nguồn tin từ chính phủ nước này. Kết quả này có được nhờ sự tăng trưởng 45% doanh số bán ra cho người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc.

Theo The Moodie Report, doanh thu hàng miễn thuế của hãng Korean Air năm 2018 đạt 143 triệu USD, trở thành hãng hàng không hàng đầu thế giới về bán lẻ trên máy bay. Doanh số bán hàng của Asiana Airlines ước đạt 80 triệu USD.

Thị trường miễn thuế sân bay hàng tỷ USD ở Hàn Quốc và Trung Quốc - Ảnh 1
Rượu và những đồ uống có cồn luôn nằm trong danh mục hàng miễn thuế bán chạy nhất tại các sân bay. Ảnh: Quartz

Tại Trung Quốc, theo Morgan Stanley, thị trường hàng miễn thuế dự kiến tăng trưởng 22% với mức doanh thu đáng kinh ngạc 24 tỷ USDnăm 2025. Con số này cao hơn nhiều lần mức tăng trưởng 3% chi tiêu xa xỉ ở nước ngoài của người Trung Quốc do Bain & Co dự đoán. Tỷ lệ doanh thu hàng miễn thuế Trung Quốc so với thị phần hàng xa xỉ cũng được dự báo tăng từ 6% năm 2018 lên 13% năm 2025.

Đáng chú ý, dù người tiêu dùng Trung Quốc mang về 1/3 doanh số hàng miễn thuế toàn cầu năm 2018, thị trường trong nước chỉ chiếm 8% tổng quy mô thị trường thế giới. Do đó, chính phủ Trung Quốc vẫn đang tích cực tìm kiếm giải pháp kích thích người tiêu dùng.

Kể từ tháng 1, Trung Quốc đã tăng mức trợ cấp cá nhân đối với hàng hóa miễn thuế cho người mua cá nhân từ 20.000 RMB (2.910 USD) lên 26.000 RMB (3.783 USD). Giới hạn miễn thuế với giao dịch đơn lẻ tăng 150% lên 5.000 RMB (728 USD).

Mối đe dọa từ sự nổi lên của các cửa hàng miễn thuế trong thành phố

Tuy nhiên, thị trường hàng miễn thuế hiện nay không chỉ dừng lại ở các cửa hiệu trong sân bay. Thực tế, các cửa hàng trên đường phố đông đúc ngày càng thu hút khách du lịch hơn.

Morgan Stanley dự báo doanh số các cửa hàng miễn thuế trong thành phố (kể cả đảo Hải Nam) ở Trung Quốc sẽ tăng gần 7 lần vào năm 2025, từ 1,6 tỷ USD năm 2018 lên 11 tỷ USD năm 2025 – thay thế các nhà bán lẻ nước ngoài ở sân bay nội địa. Thị trường hàng miễn thuế trong các cửa hàng này được dự báo chiếm 46% thị phần hàng miễn thuế Trung Quốc năm 2025, dù hiện tại chỉ đạt 25%.

“Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi việc mở rộng diện tích các cửa hàng, đặc biệt là việc đưa vào hoạt động trung tâm thương mại Haikou năm 2023”, báo cáo của ngân hàng này nêu rõ.

Thị trường miễn thuế sân bay hàng tỷ USD ở Hàn Quốc và Trung Quốc - Ảnh 2
Những cửa hàng miễn thuế lớn tại sân bay từng đón hàng chục triệu khách hàng mỗi năm nay dần sụt giảm doanh số về tay những cửa hàng trên phố du lịch. Ảnh: Economy Traveller

Theo thống kê, doanh thu các cửa hàng miễn thuế trong trung tâm các thành phố ở Hàn Quốc cũng tăng 42% năm 2018, đạt gần 14 tỷ USD. Trong đó, Lotte Duty Free là nhà bán lẻ hàng đầu với cửa hàng trên phố Myeong-dong (Seoul) đạt doanh thu 3,8 tỷ USD năm ngoái.

Trong khi đó, doanh thu tại các sân bay quốc tế Hàn Quốc lại sụt giảm rõ rệt. Shilla Duty Free – đơn vị bán lẻ hàng đầu tại sân bay quốc tế Incheon cho biết doanh thu giảm 10,5%, chỉ còn 590 triệu USD năm 2018. Lotte Duty Free tại ga Incheon T1 cũng thậm chí còn sụt 47% doanh thu so với năm trước, chỉ còn thu về 522 triệu USD.

Với sự phát triển không ngừng của những cửa hàng miễn thuế nằm ngay trên các con phố du lịch đông đúc, những cửa hàng lớn tại sân bay, từng đón hàng chục triệu khách hàng mỗi năm nay đứng trên bờ vực bị thay thế nếu không đưa ra nhiều lợi ích tài chính và tiện dụng hơn cho người tiêu dùng.

Tin Cùng Chuyên Mục