Thông tin quy hoạch còn nằm trong giấy tờ, đất đã lên "cơn sốt"

Quỳnh Chi

Thông tin một số địa phương lên thành phố cũng như hạ tầng, cầu đường được triển khai đã làm bất động sản rục rịch sốt trở lại ngay sau dịch.

Đón sóng sốt đất ăn theo cầu Trần Hưng Đạo

Cụ thể, sau khi UBND thành phố Hà Nội chấp thuận giao Công ty cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo. Trong khi phương án kiến trúc còn đang làm nóng dư luận thì giá đất tại những khu vực dự kiến dự án đi qua cũng bắt đầu rục rịch dậy sóng.

Mặc dù phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo vẫn chưa được thông qua, tuy nhiên không ít môi giới đã rầm rộ đẩy giá nhà đất xung quanh khu vực dự kiến có cầu đi qua.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều ngày nay, các nhà đầu tư đang tích cực đăng tin chào mời mua đất. Trong đó, đất thổ cư phường Long Biên, Bồ Đề, Gia Thụy (Long Biên), tùy từng vị trí, giá chào bán ở đây tăng phổ biến ở mức 15 - 25% so với cuối năm 2020. Đất kinh doanh trên các tuyến phố Tư Đình, Phố Trạm, Thạch Cầu… giá tăng từ mức 80 - 120 triệu đồng/m2 lên mức 96 - 135 triệu đồng/m2.

Nhiều thông tin rao bán đất ăn theo đường vành đai 4 và cầu Trần Hưng Đạo. Ảnh chụp từ trang mua bán bất động sản
Nhiều thông tin rao bán đất ăn theo đường vành đai 4 và cầu Trần Hưng Đạo. Ảnh chụp từ trang mua bán bất động sản

Đất mặt đường Cổ Linh, gần dự án cầu Trần Hưng Đạo, tùy vị trí có giá chào bán trung bình từ 180 - 260 triệu đồng/m2. Mức giá này cũng đã tăng khoảng 10% so với cuối năm 2020.

Tương tự như quy hoạch cầu Trần Hưng Đạo, dự án đường Vành đai 4 vẫn đang ở giai đoạn đề xuất nhà đầu tư, tuy nhiên trên nhiều trang về mua bán bất động sản đã liên tục đăng bài quảng cáo về dự án nhà liền kề, biệt thự “ăn theo” đường Vành đai 4 với nội dung như : “Dự án tọa lạc tại giao lộ vành đai 4 và đường Tố Hữu - trục giao thông chính phía Tây Nam Hà Nội…”.

Trước đó, giá đất tại khu vực phố Chùa Bộc cũng đã có một phen dậy sóng khi có thông tin tuyến phố này được đền bù giải tỏa để mở rộng. Khi đó, giá nhà đất tại đây từ mức giá chỉ hơn 100 - 150 triệu đồng/m2 cho những lô mặt đường đắt giá, giá đất chào bán tại khu vực tăng gấp 2 - 3 lần sau các lời rao bán trong vòng vài tháng ngắn ngủi.

Rục rịch lên phố, đất liền lên giá

Cũng theo thông tin gần đây về việc Ủy ban Pháp luật đã tổ chức phiên họp thẩm tra Đề án thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Qua thảo luận, các đại biểu tán thành với sự cần thiết thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và cho rằng để bảo đảm cho mục tiêu, định hướng phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho thị xã Từ Sơn nói riêng, tỉnh Bắc Ninh nói chung, thúc đẩy thị xã Từ Sơn phát triển trở thành đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.

Ngay sau khi thông tin tích cực này được thông tin rộng rãi, lượng tìm kiếm và quan tâm tới bất động sản Từ Sơn và Bắc Ninh tăng tích cực với 7% trong tháng 8.

Chia sẻ với phóng viên, anh Hoàng Trọng An, sàn giao dịch Từ Sơn cho hay, hiện tại là thời điểm lý tưởng để các nhà đầu tư đón đầu cơ hội tăng giá trong tương lai gần, bởi khi Từ Sơn chính thức lên thành phố, giá bất động sản sẽ tăng cao và thiết lập mặt bằng giá mới.

Đất Từ Sơn từng sốt nóng, nhiều nhà đầu tư kéo về mua đất. (Ảnh minh họa)
Đất Từ Sơn từng sốt nóng, nhiều nhà đầu tư kéo về mua đất. (Ảnh minh họa)

Anh Trọng An cho biết thêm, hiện một lô đất 86m2, mặt đường Lê Quang Đạo, hướng Đông Bắc, đường 12m, vỉa hè 3m, 100m ra đường trục chính Lê Quang Đạo, Minh Khai được chào bán 7 tỷ đồng (81 triệu đồng/m2). Hay lô đất, diện tích 110m2, mặt tiền 5m2 cách đường Lê Quang Đạo, phường Đông Ngàn được chào bán giá 4,2 tỷ đồng (38 triệu đồng/m2).

Thực tế, khoảng 1 năm trước, khi nhen nhóm thông tin Từ Sơn lên thành phố, giá đất Từ Sơn anh Hải giới thiệu cho khách đã từ 30 triệu đồng/m2 lên 45 - 60 triệu đồng/m2, tăng gấp rưỡi, gấp đôi.

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, trước đó, nhiều tỉnh thành trên cả nước như: Hòa Lạc (Hà Nội), Thủy Nguyên (Hải Phòng), các khu vực vùng ven TP.Vinh (Nghệ An),… cũng xảy ra tình trạng “sốt đất” tương tự ăn theo quy hoạch lên thành phố. Nhưng điều đáng nói, chỉ sau một thời gian những cơn sốt này lại dần nguội lạnh, khiến các nhà đầu tư chôn vốn, không có khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Theo ông Đính, nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi quyết định mua đất và không nên đầu tư theo số đông, chạy phong trào bởi có không ít người vướng phải chiêu trò thổi giá của “cò” đất.

Tin Cùng Chuyên Mục