Thủ đoạn khó tin của nữ giáo viên trẻ ham 'nghề tay trái'

Hà Lê

Bị cáo giải thích, thực ra cho người ta vay, rồi lấy lãi. Mượn của người này, cho người khác vay - xoay vòng vòng như thế. Đến khi có người chạy nợ, bị cáo mất tiền. Trong khi lãi vẫn trả, bị cáo phải đi vay tiền lãi cao để lấp. Càng lấp lại càng hổng, vậy là rơi vào kết cục hôm nay.

Với mục đích chiếm đoạt tài sản, trong thời gian từ đầu năm 2015 đến tháng 9/2017, bị cáo đã lợi dụng vào mối quan hệ bạn bè quen biết, đưa ra nhiều thông tin không đúng sự thật, nói dối với họ là mình cần mượn xe mô tô để tham gia diễu hành, thuê xe mô tô để đi lại hoặc cho người khác thuê lại để kiếm lời; bản thân đang kinh doanh gas có lãi, muốn huy động vốn để làm ăn, chia lãi cao… làm cho những người này tin là thật, giao xe mô tô và tiền cho bị cáo để chiếm đoạt.

Bằng thủ đoạn đó, bị cáo đã chiếm đoạt của 5 người, với tổng số tiền và giá trị tài sản qua định giá là 438 triệu đồng. Ngoài ra, sau khi thuê xe mô tô của tiệm cầm đồ để đi lại, bị cáo còn nảy sinh ý định chiếm đoạt, đưa đi cầm cố lấy tiền tiêu xài cá nhân hết. Bị cáo bị TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) xét xử về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Thủ đoạn khó tin của nữ giáo viên trẻ ham 'nghề tay trái' - Ảnh 1
Bị cáo bị tuyên phạt 9 năm tù

Nỗi buồn của mẹ

Người phụ nữ (48 tuổi), bước chân nặng nề đi phía trước. Người đàn ông (49 tuổi), chân cũng nặng nề không kém theo phía sau. Sáng cuối thu, trời bất chợt oi nồng đến khó chịu. Mặt trời cheo chéo phía trên cao thật chói chang.

Ánh nắng cứ găn gắt, khiến mới sáng sớm mà cây lá đã muốn ỉu xìu vì bỏng rát. Mặt đất giống như lò nướng, bốc lên hơi nóng ngùn ngụt. Dường như chỉ cần hắt lên đó một chén nước, chỉ đôi ba cái chớp mắt, nước sẽ bốc hơi sạch sẽ. 

Chưa đến giờ xét xử, nên khán phòng trống vắng. Người đàn ông ra gốc cây ngồi hút thuốc, gương mặt đen đúa đầy đăm chiêu. Đôi mắt ông cứ cụp xuống, như chính mình là người gây ra hành vi phạm pháp. Người phụ nữ thì nán lại nơi hành lang, mặt bần thần. Họ là bố mẹ của bị cáo bị tòa đưa ra xét xử sáng hôm nay.

Người mẹ đôi mắt đỏ au, có hơi sưng. Chắc là vì khóc nhiều. Bà đưa đôi tay sần sùi vuốt lại mái tóc đã điểm bạc bị gió lùa. Móng tay trụi lủi, xỉn vàng, bên mép da còn đen đúa không thể rửa sạch. Đó là đôi tay của người chuyên làm việc ngoài đồng. Bà bộc bạch, vợ chồng bà ở vùng ngoại ô thành phố. Xa trung tâm, nên xưa nay nhà mấy đời đều làm ruộng.

Những khi nông nhàn, chồng bà còn làm thêm một chân xe ôm, tăng thu nhập. Nhà có ao rau muống, quanh năm bà bòn mót chắt chiu rồi gánh rau bán khắp các chợ. Vợ chồng tằn tiện, nhưng cố gồng mình hết cỡ, gồng gánh nuôi bốn đứa con ăn học đàng hoàng.

Bị cáo là con gái đầu của bà, năm nay mới 27 tuổi, làm nghề giáo viên. Sau bị cáo còn có ba đứa em, một đứa làm kế toán, một đứa làm điều dưỡng ở bệnh viện, riêng đứa út không học được, bà liền cho đi học nghề. Bà nghĩ, đời cha mẹ đã cực khổ, nên ráng cho con ăn học, may ra mới thoát nghèo.

Nhà tuy chẳng giàu có, nhưng nhìn mấy đứa con được ăn học, rồi có công việc ổn định, bà thỏa mãn hết sức, đêm có nằm ngủ mơ cũng còn mỉm cười. Nhất là đứa con gái đầu, dù chỉ là giáo viên dạy tiểu học, nhưng lại rất chăm chỉ làm việc. Cả ngày đi dạy ở trường, tối về còn đi dạy kèm đến khuya. 

Bà không thể nghĩ một đứa con hiền lành, chăm chỉ như vậy, sao có thể đi lừa bạn bè lấy tiền. “Tui cũng không biết hắn lừa nhiều tiền như rứa để làm chi. Vô trại thăm, hỏi hắn thì hắn chỉ biết khóc. Hắn nói cho người ta vay, rồi bị người ta chạy. Vậy là đổ nợ. Cứ mượn chỗ này, đắp chỗ kia để cầm cự. Đến khi không chống đỡ nổi thì vỡ lỡ”, bà rầu giọng.

Đối với đôi vợ chồng quanh năm xoay vần nơi đồng ruộng như bà, thì 438 triệu đồng mà con bà đã chiếm đoạt, là tài sản quá lớn. Để giúp con khắc phục một phần hậu quả, bà phải chạy vạy mãi, mới kiếm được chục triệu đồng, mang đi bồi thường. So với số tiền con bà chiếm đoạt, thì chừng ấy tiền của bà, chỉ như muối bỏ bể. Nhưng bà cũng hết cách.

Con gái ngày trước, mỗi sáng ra khỏi nhà đi dạy, đều xúng xính áo hoa. Giờ lầm lũi đứng trước tòa, dáng xanh xao vàng vọt, nước mắt bà không kìm được cứ lộp bộp rớt xuống. Bị cáo ngoái nhìn ba mẹ ngồi bên dưới, ánh mắt cụp xuống đầy hối hận, áy náy. Hai người bạn của bị cáo (cũng là bị hại trong vụ án) ngồi cách đó vài bước chân, cũng lặng lẽ buông những tiếng thở dài. 

Một bị hại bảo, trước khi đến tòa, lòng chị vẫn còn tức giận lắm. Cứ nghĩ đến tòa, sẽ yêu cầu HĐXX phải thẳng tay trừng trị bị cáo mới được. Nhưng khi nhìn dáng vẻ rúm ró đầy hối lỗi của bạn, lời muốn nói cứ ứ lại trong cổ, đắng nghét, chẳng cách nào thốt ra.

Thủ đoạn tinh vi

Tại phiên tòa, bị cáo vẻ thành khẩn thừa nhận các hành vi vi phạm của mình. Tòa hỏi bị cáo, tất cả số tiền bị cáo chiếm đoạt được, đã dùng vào việc gì? Bị cáo nói tiêu xài cá nhân. “Tiêu xài cá nhân là tiêu xài những gì?”.

Bị cáo nặng nề giải thích, thực ra bị cáo cho người ta vay, rồi lấy lãi. Mượn của người này, cho người khác vay. Xoay vòng vòng như thế. Đến khi có người chạy nợ, bị cáo mất tiền. Trong khi lãi vẫn trả, bị cáo phải đi vay tiền lãi cao để lấp. Càng lấp lại càng hổng, vậy là rơi vào kết cục hôm nay.

Một bị hại khai với tòa, vợ chồng chị mới cưới, nên dư ít vàng cưới. Bị cáo cứ gọi điện mãi, bảo cửa hàng gas của bị cáo làm ăn đang sinh lãi, cần thêm tiền trữ vỏ bình. Bị cáo rủ chị góp vốn. Góp 30 triệu lãi mỗi tháng một triệu. Một năm lấy lãi một lần.

Lúc đầu chị không muốn tham gia, nhưng bị cáo “dụ dỗ” mãi, lại thấy tiền lời cũng “ngon ăn”, vậy là chị “xìa tiền” ra. Thời gian đầu, bị cáo trả lãi rất đầy đủ. Thời gian sau, bị cáo nói nếu góp thêm vốn, lãi suất sẽ nhân đôi. Tin bạn, chị lại “rót” thêm 45 triệu đồng. Ít bữa, bị cáo lại thông báo, nếu góp đủ 100 triệu, lãi suất sẽ nhân ba. Thế là chị lại góp tiếp. Thế nhưng, trừ giai đoạn đầu, chị còn lấy được vài đồng lời, đến sau này thì bị cáo mất dạng. Lúc này, chị mới biết mình bị lừa.

Một bị hại khác cũng kể, bị cáo cũng nhằm vào chị là khi chị vừa kết hôn xong. Lúc đầu, bị cáo nói thế nào chị cũng không chịu góp vốn. Nhưng bị cáo cứ ngon ngọt mãi, đến nỗi tiền chị cất kỹ trong tủ cũng phải chạy tọt ra. Để tạo niềm tin, nên thời gian đầu, bị cáo trả lãi rất đúng hạn. Cứ 30 triệu đồng, mỗi tháng 1 triệu tiền lãi.

Chị đưa bị cáo tổng cộng 165 triệu đồng. Thấy tiền dễ kiếm, mà chị gái mình ở nhà nuôi con nhỏ không đi làm, chị này liền khuyến khích chị gái hùn vốn với bị cáo, bỏ ra 100 triệu tiền nhàn rỗi, mỗi tháng ngồi không cũng lấy lãi gần 10 triệu đồng. Vậy là người chị gái cũng sa chân theo.

Một bị hại từng bị bị cáo mượn xe rồi đem đi cầm thì bộc bạch: “Chiếc xe của mình, hắn (bị cáo) mượn rồi đem đi cầm phải hơn chục lần. Lần nào mượn cũng đưa đủ lý do vô cùng thuyết phục, khiến mình không cho mượn xe không được. Lần nào biết bị lừa, cũng bấm bụng bảo, lần sau nếu hắn mượn xe, nhất định không cho. Nhưng rồi hễ hắn mở miệng ra cầu cạnh, mình lại mềm lòng”. 

Lần cuối bị cáo mượn xe của chị rồi bán luôn cho tiệm cầm đồ. Sau đó thuê lại xe mang về trả cho chị. Bị cáo còn thuê xe của tiệm cầm đồ để đi lại, sau đó lại mang xe mình thuê đi cầm cố. Vị hội thẩm nhận xét: “Bị cáo mới 27 tuổi, lại từng là một giáo viên, nhưng thủ đoạn của bị cáo quá tinh vi. Mượn xe bạn đi bán, rồi thuê lại xe mang về trả cho bạn. Hiếm ai nghĩ ra được thủ đoạn như bị cáo”.

Bao giờ con về?

Vị hội thẩm hỏi người mẹ, ở chung một nhà, bà có phát hiện hành vi của bị cáo không? Người mẹ khổ sở bảo không hề hay biết. Đến khi người ta đến nhà đòi nợ, bà bàng hoàng như trời sụp xuống trên đầu. Do bà thay con gái khắc phục hậu quả với số tiền 10 triệu đồng, nên được tòa triệu tập. Bà ngồi ở hàng ghế dành cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Trong khi chồng bà thì ngồi tít phía dưới xa, nơi hàng ghế cuối cùng của khán phòng. Mặt người cha khắc khổ, buồn hiu. Mẹ bị cáo nói, từ ngày con gái gây chuyện, chồng bà chẳng thiết làm gì, chỉ muốn uống rượu say cho quên đi nỗi buồn phiền trong lòng. Nếu không, ông lại ngồi thẩn thờ một mình nơi bậu cửa.

Cho đến hôm nay, ông vẫn còn giận con gái, nhưng vẫn dằn lòng lại để đây. Còn bà buồn phiền chuyện con gái, sức khỏe cũng giảm sút, mới 50 tuổi mà sức người như bà lão 70. Từ khi con bị bắt, gia đình chẳng còn là gia đình nữa, lúc nào cũng u u ám ám.

Bà nói, chỉ mong con gái sớm chấp hành án trở về, để còn làm việc, may ra trả dần số nợ kia. Rồi bà lại lo, đến lúc con về, với lý lịch từng đi tù, không biết còn có ai dám thuê mướn. Nỗi lo lắng về sau con gái thất nghiệp bỗng chốc tan biến, khi bà nghe toà tuyên án, con bà phải chịu mức án 8 năm 6 tháng tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 6 tháng tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; tổng hợp hai mức án là 9 năm tù. Nước mắt lộp bộp rớt xuống, vạt áo trước ngực người đàn bà lam lũ nhanh chóng ướt một mảng. 

Bị cáo thất thần đi phía trước, miệng ồ ồ khóc. Người mẹ chạy theo phía sau, cũng khóc hu hu. Con gái đã theo xe tù rời khỏi sân tòa từ lâu, nhưng bà vẫn còn ngơ ngẩn đứng chôn chân trước sân. 9 năm, là bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày, biết khi nào con mới về? Bà lại úp mặt vào tay, tiếp tục khóc ròng.

Từ ngày con gái bị bắt, đến lúc ra tòa người cha vẫn chưa nguôi giận. Người mẹ sau cú sốc, sức khỏe giảm sút, cứ thẩn thẩn thờ thờ. Vợ chồng bà là nông dân, chân lấm tay bùn cả một đời mới nuôi nên một “cô giáo”, vốn là niềm hãnh diện của gia đình. Đâu ngờ con đi lừa đảo tiền người ta, khiến cả gia đình ô nhục. Bà nhìn con gái, mà nước mắt cứ trào mãi không ngưng lại được.

Tin Cùng Chuyên Mục