Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh chỉ ra hai cơ hội chính với CPTPP và áp lực thay đổi tư duy của Chính phủ, doanh nghiệp

Theo Thủy Tiên/Người Đồng Hành

Thách thức lớn nhất trong hội nhập, tham gia các hiệp định như CPTPP không phải là áp lực cạnh tranh mà là thay đổi tư duy, thay đổi chính mình.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp đều phải thay đổi tư duy để khai thác có hiệu quả Hiệp định CPTPP.

Theo Thứ trưởng, khi tham gia vào CPTPP, Việt Nam sẽ có 2 cơ hội chính. Trước hết là cơ hội để hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, thân thiện, minh bạch và dễ dự đoán hơn.

“Giống như tham gia WTO, tham gia CPTPP là cơ hội để tiếp tục hoàn thiện thể chế. CPTPP hỗ trợ tiến trình đổi mới, tăng trưởng, giúp chúng ta hoàn thiện môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, liêm chính, khách quan của bộ máy nhà nước. Hiệp định thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, phòng chống tham nhũng, quan liêu”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Cơ hội thứ 2, theo ông Khánh, là Hiệp định này sẽ góp phần tăng trưởng GDP, xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài vào nước ta. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn đầu tư mạnh vào Việt Nam, biến nước ta thành một trong những cơ sở quan trọng trong chuỗi sản xuất của họ.

Để tận dụng một cách có hiệu quả nhất những cơ hội này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng cả Nhà nước và doanh nghiệp đều phải thay đổi.

Về phía Nhà nước, theo Thứ trưởng, phải rà soát và sửa đổi hệ thống pháp luật để thực thi cam kết, đồng bộ hoá khung khổ pháp luật để phù hợp hơn với triết lý “mở” của hội nhập.

"Hội nhập mà hiệu quả thấp hay không thấy hiệu quả là lỗi của bộ máy quản lý. Vì vậy, thách thức lớn nhất đối với bộ máy quản lý trong giai đoạn nước ta đã và đang hội nhập sâu hơn là thay đổi tư duy quản lý và tư duy làm chính sách theo hướng 'mở', lấy kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và cạnh tranh làm đầu", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh chỉ ra hai cơ hội chính với CPTPP và áp lực thay đổi tư duy của Chính phủ, doanh nghiệp - Ảnh 1
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh. Ảnh: Anh Tuấn.

Ngoài thay đổi tư duy, ông cho rằng bộ máy quản lý cần phải thay đổi cả cách làm theo hướng đề cao minh bạch, tăng cường dân chủ trong hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, tăng tương tác với người dân và doanh nghiệp để thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng của một Nhà nước kiến tạo. Bộ máy quản lý cũng cần đủ sức thiết kế, vận hành các thiết chế mới, đáp ứng yêu cầu của các FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cao như CPTPP.

Theo ông Trần Quốc Khánh, các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan, đúng quy luật thị trường của bộ máy Nhà nước chắc chắn sẽ đặt ra những thách thức to lớn cho bộ máy quản lý. Tuy nhiên, đó cũng là các tiêu chuẩn mà chúng ta đang hướng đến.

"Không còn con đường nào khác bởi hội nhập không chỉ đặt hàng hoá, dịch vụ và doanh nghiệp của chúng ta vào môi trường cạnh tranh mà còn cả bộ máy quản lý. Bộ máy quản lý cũng tự đổi mới chính mình, không ngừng vươn lên đế đủ sức cạnh tranh về năng lực cũng như chất lượng điều hành với Chính phủ của các nền kinh tế khác trong khu vực", trích phần phát biểu của ông Trần Quốc Khánh.

Thực tế, 10 ngày sau khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam, Chính phủ ban hành kế hoạch thực thi hiệp định, phân công công việc cụ thể cho từng bộ, ngành, cơ quan. Với doanh nghiệp, từ chỉ đạo của Chính phủ, lộ trình giảm thuế tương đối dài cho các sản phẩm nhạy cảm nhất cơ bản đạt được. Điều này sẽ giúp người dân và doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị để ứng phó với cạnh tranh. Các nước được yêu cầu giảm thuế nhanh, mạnh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có nông sản, giúp người dân và doanh nghiệp có cơ hội dịch chuyển cơ cấu sản xuất, cây trồng, vật nuôi.

Về phía doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, sức ép cạnh tranh là có nhưng chưa phải thách thức lớn nhất. Thay vào đó, thách thức lớn hơn cả là đổi mới chính mình, thay đổi tư duy, thay đổi toàn diện tâm thế của mình khi tham gia vào thương trường. Doanh nghiệp phải coi cạnh tranh là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường, sau đó, trong cạnh tranh cần chuyển từ bị động, phòng ngụ, kêu gọi hỗ trợ chuyển sang tích cực, chủ động.

“Nhà nước sẽ đồng hành nhưng sự chủ động của doanh nghiệp là cần thiết, yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trong Hiệp định CPTPP”, ông nói.

Tin Cùng Chuyên Mục