Thủ tướng: Quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực

Theo Hùng Nguyên Trung/ Lao Động

"Kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực”. Đó là đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, sáng 22.10.

Thủ tướng: Quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực - Ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo kinh tế - xã hội trước Quốc hội, sáng 22.10. Ảnh: Ý Như

Theo đó, Chính phủ đã thực hiện kiên định mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. 

Kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); bình quân 3 năm 2016 - 2018 tăng 6,57% (chỉ tiêu kế hoạch  5 năm là 6,5 - 7%). 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4%, là năm thứ ba liên tiếp kiểm soát dưới 4%. Tín dụng 9 tháng tăng 10,41% (cùng kỳ tăng 12,21%), cả năm tăng dưới 17%, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản, chứng khoán. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 352 tỷ USD, cả năm ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%; trong đó xuất khẩu 238 tỷ USD, tăng 11,2% (mục tiêu 7 - 8%); tiếp tục xuất siêu, 9 tháng đạt gần 5,4 tỷ USD.

Theo người đứng đầu Chính phủ, cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng tỷ trọng hàng chế biến, nông sản và tăng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Xuất khẩu của khu vực trong nước 9 tháng tăng 17,5%, cao hơn khu vực FDI (14,6%). 

Thu NSNN ước cả năm vượt 3% dự toán; cơ cấu thu bền vững hơn; tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu, dầu thô giảm; thu nội địa tăng, chiếm gần 82% tổng thu cân đối NSNN. Chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Bội chi NSNN ước khoảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra (3,7%). Nợ công khoảng 61,4% GDP, giảm mạnh so với mức 63,7% năm 2016. 

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước cả năm đạt 34% GDP, 3 năm 2016 - 2018 ước đạt 33,5% (mục tiêu 5 năm 32-34%).

Vốn FDI thực hiện ước cả năm đạt 18 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm mạnh từ 17,4% năm 2015 xuống 14,8% năm 2018; tỷ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ tăng từ 82,6% lên 85,2%, vượt mục tiêu đề ra vào năm 2020 là 85%.                

Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 42,18%, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (33,58%) và vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 (30 - 35%).

Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 ước đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD), gấp trên 1,3 lần năm 2015. GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015.

"Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay. 

Tin Cùng Chuyên Mục