Thương hiệu này đã vượt Apple dẫn đầu thị trường smartphone quý I/2022

Bùi Linh

Doanh số Samsung trên thị trường smartphone toàn cầu chiếm tới 24%, tăng từ 19% của quý IV/2021 khi hãng có những sản phẩm chiến lược cho năm 2022.

Theo thống kê của hãng nghiên cứu Canalys, mặc dù doanh số bán hàng trên thế giới giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng Samsung vẫn dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh trong quý I/2022.

Cụ thể, doanh số Samsung trên thị trường smartphone toàn cầu chiếm tới 24%, tăng từ 19% của quý IV/2021 khi hãng có những sản phẩm chiến lược cho năm 2022.

Samsung dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh trong quý I/2022.
Samsung dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh trong quý I/2022.

Vị trí thứ 2 thuộc về Apple với dòng sản phẩm nổi bật iPhone 13, chiếm 18% thị phần. Trong quý IV/2021, Apple từng vươn lên dẫn đầu với thị phần đạt 23%, cao nhất trong các hãng smartphone. Tuy vậy, vị trí số 1 của "trái táo khuyết” phải nhường lại cho Samsung trong 3 tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, Xiaomi xếp thứ 3 với thị phần 13% do các mẫu Redmi Note được nhiều người đón nhận. Oppo (bao gồm thương hiệu OnePlus) và Vivo nằm trong top 5 với thị phần lần lượt là 10% và 8%.

Nhà phân tích Sanyam Chaurasia của Canalys nhận định, “Bất chấp sự không chắc chắn ở thị trường toàn cầu, các hãng điện thoại vẫn hướng đến mục tiêu tăng trưởng bằng cách mở rộng danh mục sản phẩm cho năm 2022".

Với Apple, hãng có dòng iPhone 13 tiếp tục bán tốt, hay mẫu iPhone SE 2022 mới ra mắt cũng trở thành động lực tăng trưởng cho phân khúc tầm trung.

Trong khi đó, Samsung tăng cường sản xuất dòng Galaxy A để cạnh tranh trong phân khúc từ trung cấp đến giá rẻ bên cạnh dòng Galaxy S22 ở tầm cao.

Bên cạnh đó, các hãng smartphone Trung Quốc đang gặp khó về nguồn cung với những dòng máy giá rẻ khi kế hoạch mở rộng ra toàn cầu bị ảnh hưởng do thị trường nội địa chững lại, ông Sanyam Chaurasia nhận định. 

Theo Canalys, dù dịch bệnh cơ bản được khống chế nhưng thị trường smartphone vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Sự bất ổn từ cuộc xung đột ở Đông Âu, mối đe dọa lạm phát toàn cầu... là nguyên nhân khiến giảm nhu cầu mua sắm ở người tiêu dùng. 

"Các hãng smartphone cần phải phản ứng nhanh trước những cơ hội và rủi ro mới xuất hiện song song với việc tập trung vào việc thực hiện kế hoạch chiến lược dài hạn. Tuy nhiên, tin tốt là tình trạng thiếu hụt linh kiện có thể cải thiện sớm hơn dự kiến, qua đó giúp giảm áp lực về chi phí", chuyên gia Nicole Peng của Canalys nhận định.

Tin Cùng Chuyên Mục