Thương hiệu thời trang “Tăng” và hành trình gìn giữ văn hóa dân tộc

Nguyên Anh

Là một thương hiệu còn khá non trẻ, được vận hành bởi những người trẻ yêu văn hóa cổ truyền, với những sản phẩm cao cấp trên chất liệu tơ lụa truyền thống có giá trị văn hóa cao, “Tăng” không chỉ là một nhãn hàng thời trang mà còn mang tới cho khách hàng một câu chuyện về vẻ đẹp tuy “xưa” nhưng không “cũ”.

Mong muốn giữ gìn văn hóa truyền thống

“Tăng” là ước mơ ấp ủ của CEO trẻ tuổi - chị Tăng Thị Mai Anh, xuất thân từ ngành truyền thông và đã có thời gian dài làm việc tại Đài truyền hình nhưng chính đam mê với thời trang cũng như tình yêu với văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam đã thôi thúc cô gái trẻ từ bỏ công việc vốn là mơ ước của bao người để theo đuổi “cái đẹp”. Chị Mai Anh chia sẻ: “Thực ra sở thích và tình yêu thời trang hun đúc cho mong muốn kinh doanh thời trang của tôi. Nhưng để chọn nhung lụa là chất liệu chủ đạo cho các sản phẩm lại là những cơ duyên lớn. Khi duyên trọn vẹn cũng là lúc “Tăng” ra đời để kịp gìn giữ những giá trị truyền thống xưa và phát triển thêm sau này”.

Quả thực, cái tên “Tăng” ra đời như một mối nhân duyên. Đó vừa là tên họ gắn bó với gia đình, gốc gác - vốn là động lực làm việc của vị CEO, đồng thời cũng là từ gợi nhắc đến đạo Phật - cõi bình yên, giản dị mà tinh túy như chính những sản phẩm của “Tăng”. Các trang phục được thiết kế dựa trên nền tảng giữ gìn các giá trị truyền thống: Từ sản xuất, may đo đến thiết kế... Chị không chỉ hy vọng giữ gìn những vẻ đẹp truyền thống mà hơn thế, mong muốn từ các thiết kế của mình và từ không gian thiết kế của “Tăng” phần nào giúp nâng cao đời sống văn hóa, tâm linh của mỗi người. Để đến với “Tăng”, không chỉ là đến với cái đẹp mà còn là đến với bình an, tự tại.

Thương hiệu thời trang “Tăng” và hành trình gìn giữ văn hóa dân tộc - Ảnh 1

Xuất phát từ giá trị cốt lõi với mong muốn đem lại cho thị trường những sản phẩm thời trang vừa có tính ứng dụng cao vừa gìn giữ giá trị truyền thống, “Tăng” đã chọn nhung lụa làm chất liệu chính cho các thiết kế của mình. Đây tuy là lựa chọn mang tính thương mại không cao vì là sản phẩm cao cấp đặc trưng, kén người mặc, tuy nhiên chính giá trị chất lượng và văn hóa là lý do để “Tăng” lựa chọn chất liệu này. “Nhung lụa vừa giúp duy trì các làng nghề truyền thống đang dần mai một, vừa tạo ra các sản phẩm an toàn cho sức khỏe, thoải mái cho người mặc ở mọi lứa tuổi, lại vừa thỏa mãn đam mê của tôi” - CEO Mai Anh cho biết.

Thương hiệu thời trang “Tăng” và hành trình gìn giữ văn hóa dân tộc - Ảnh 2

“Tăng” ra đời cũng mang kỳ vọng đem sản phẩm nhung lụa đến gần hơn và đời hơn trong cuộc sống của mỗi người, ở mọi lứa tuổi. Bên cạnh tệp khách hàng kỳ vọng, “Tăng” cũng mong muốn được chăm sóc những khách hàng bắt đầu chớm tình yêu hoặc thậm chí chưa yêu lắm gấm vóc lụa là. Trên tất cả, có thể giúp khách hàng, đặc biệt là khách hàng trẻ hiểu được và yêu mến những tinh hoa mà ông cha để lại chính là sứ mệnh lớn nhất của “Tăng”.

Tinh hoa từ đất trời

Hiện nay, “Tăng” tập trung phát triển các sản phẩm từ nhung và lụa như áo dài, váy, quần, khăn choàng… gồm 3 dòng sản phẩm chính:  Pháp phục - tức là các sản phẩm phù hợp mặc khi hành lễ; Các sản phẩm thời trang với tính ứng dụng cao như váy, áo dài, áo choàng… vừa phù hợp đi chơi, đi tiệc và cả đi làm. Đặc biệt, “Tăng” có các loại khăn nhung thêu tay với các mẫu thêu độc quyền, nhiều ý nghĩa. Các mẫu thêu tay đặc sắc cũng là một trong những điểm khác biệt của “Tăng”.

“Tăng” tham gia vào từng công đoạn tạo ra tấm vải lụa, thấu hiểu sự gian nan, vất vả của biết bao người thợ làm nên. Chính vì vậy, thiết kế gì, may gì, “Tăng” cũng thật chỉn chu để xứng đáng với giá trị ấy.

Thương hiệu thời trang “Tăng” và hành trình gìn giữ văn hóa dân tộc - Ảnh 3

Hành trình dài của một sản phẩm tơ lụa bắt đầu từ việc nuôi tằm (25 ngày), làm kén - nhả tơ (8 - 9 ngày), ươm tơ (7 - 10 ngày), dệt lụa, nhuộm màu. Mỗi quy trình lại là có những yêu cầu khắt khe và sự khéo tay của những người thợ lành nghề. Mọi thứ được làm thủ công, một vài công đoạn có sự hỗ trợ từ máy móc (dệt, se tơ). Từ sợi tơ mảnh trở thành những cuộn vải mềm mịn, sờ tay vào mát rượi, lúc mặc nhẹ nhàng thư thái, tốt cho sức khỏe. Đó chính là lý do giá trị của lụa tơ tằm thường cao hơn so với các loại vải công nghiệp khác. Sợi tơ mong manh nhưng vô cùng bền chắc. Người sản xuất ra sợi tơ nâng niu bao nhiêu thì đến tay người thiết kế và người mặc cũng cần nâng niu bấy nhiêu.

Ưu điểm của lụa hầu như ai cũng biết. Bởi lẽ, xưa kia, đây là vải dành riêng cho vua chúa mặc. Vải tơ lụa quý mặc rất mát, rất nhẹ, nhưng cũng rất bền. Khoác lên mình trang phục tơ lụa cũng khiến người mặc thêm sang trọng. Tuy nhiên khi sản xuất loại vải này cũng có vài nhược điểm. Thợ vải sẽ không thể dùng máy cắt theo lô vải như vải công nghiệp mà phải lựa chọn kéo rất sắc, khéo léo cắt từng miếng vải một vì lụa rất trơn và dễ xô. Kỹ thuật cắt tay cần ở mức thợ lành nghề, hoặc nghệ nhân mới giữ được form dáng như thiết kế. Thêu trên lụa cũng đòi hỏi kỹ thuật khác hẳn. Sự tỉ mỉ, dày công, lành nghề, kỹ thuật cao là những giá trị vượt thời gian mà các sản phẩm nhung lụa từ “Tăng” đem lại.

Thương hiệu thời trang “Tăng” và hành trình gìn giữ văn hóa dân tộc - Ảnh 4

Có thể thấy, khác với thời trang công nghiệp, giá trị của một sản phẩm tơ lụa không chỉ nằm ở thiết kế khi đến tay khách hàng mà đó là cả một hành trình dài từ sản xuất, cắt may cho tới khi sản phẩm thành hình. Bởi vậy, mỗi sản phẩm tơ lụa tại “Tăng” luôn mang trong mình một câu chuyện riêng, đó là kết tinh từ tinh hoa đất trời, là mang trên mình tình yêu với giá trị văn hóa cổ truyền và cũng là tuyên ngôn cho tình yêu bản thân thông qua những sản phẩm cao cấp, giúp nâng niu, gìn giữ sức khỏe.

 

“Tăng” tham gia vào từng công đoạn tạo ra tấm vải lụa, thấu hiểu sự gian nan, vất vả của biết bao người thợ làm nên. Chính vì vậy, thiết kế gì, may gì, “Tăng” cũng thật chỉn chu để xứng đáng với giá trị ấy.

Tin Cùng Chuyên Mục