Thương vụ mang lại lợi nhuận 22 tỷ USD cho SoftBank có thể thay đổi hoàn toàn ngành bán dẫn

Như Quỳnh

Vào năm 2016, SoftBank mua lại Arm với giá 32 tỷ USD và chỉ sau 5 năm, tập đoàn Nhật Bản đứng trước cơ hội bán lại Arm trong thương vụ giá trị 54 tỷ USD.

Trong vài năm qua, hàng loạt thương vụ sáp nhập lớn trong lĩnh vực bán dẫn đã được thực hiện. Có hơn nửa tá giao dịch khác nhau trị giá ít nhất 10 tỷ USD diễn ra kể từ đầu năm 2020. 

Các gã khổng lồ trong ngành liên tục tìm kiếm cơ hội sáp nhập, xu hướng trên thậm chí vẫn chưa hề có dấu hiệu chậm lại. Thương vụ lớn nhất trong thời gian gần đây phải kể đến khi Nvidia đồng ý mua lại Arm từ SoftBank với giá 40 tỷ USD vào quý III/2020. 

Mặc dù vẫn chưa có thêm tiến triển mới nào trong gần 1 năm qua, các chuyên gia vẫn nhận định ngày Nvidia tiếp quản Arm không còn xa. Trong thời gian đó, hãy cùng nhìn lại cách Arm, SoftBank và Nvidia đã đạt được vị trí như ngày hôm nay. 

Liên doanh giữa Apple, Acorn Computers và VLSI Technology 

Arm (viết tắt của Advanced RISC Machines) là một công ty có trụ sở tại Cambridge, Anh được thành lập vào năm 1990. Công ty hoạt động dưới tư cách là một liên doanh giữa Apple, Acorn Computers và VLSI Technology.

Trụ sở Arm tại Cambridge, Vương Quốc Anh. Ảnh: Financial Times.
Trụ sở Arm tại Cambridge, Vương Quốc Anh. Ảnh: Financial Times.

Ngày nay, Arm là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ tiêu dùng toàn cầu. Tập đoàn sở hữu công nghệ cung cấp năng lượng cho các chip do Qualcomm và Taiwan Semiconductor Manufacturing sản xuất. Những chip này sau đó được sử dụng trong điện thoại thông minh, máy tính bảng, TV thông minh và các sản phẩm khác từ Apple, Samsung và Huawei.

Khi ra mắt công chúng vào năm 1998 thông qua việc niêm yết đồng thời ở Mỹ và Anh, công ty ngay lập tức gây được tiếng vang lớn. Cổ phiếu Arm tăng gần 50% trong ngày giao dịch đầu tiên, đạt mức vốn hóa thị trường 1 tỷ USD. 

Sau gần hai thập kỷ là một công ty đại chúng độc lập, Arm trở thành mục tiêu M&A của SoftBank. Vào tháng 7 năm 2016, tập đoàn đầu tư Nhật Bản đồng ý mua lại Arm với giá 32 tỷ USD. Thỏa thuận được nhanh chóng hoàn tất sau đó vài tháng, vào ngày 5 tháng 9 năm 2016.

Được SoftBank tiếp quản

SoftBank là gã khổng lồ trong ngành đầu tư với nhiều thương vụ thay đổi xu hướng công nghệ toàn thế giới. Được dẫn dắt bởi nhà sáng lập Masayoshi Son, công ty Nhật Bản lần đầu tiên nổi lên vào cuối những năm 1990 với tư cách là nhà đầu tư ban đầu vào các công ty tiên phong về kỹ thuật số như Yahoo và Alibaba.

Năm 2017, SoftBank đã ra mắt Quỹ Tầm nhìn trị giá 100 tỷ USD - quỹ lớn nhất trong lịch sử ngành đầu tư mạo hiểm. Với nguồn vốn dồi dào được cung cấp bởi quỹ đầu tư công Ả Rập Xê Út, SoftBank và Son nhanh chóng bắt tay vào đầu tư.

Arm tiếp tục là một thương vụ thành công với tỷ phú Masayoshi Son. Ảnh: Getty Images
Arm tiếp tục là một thương vụ thành công với tỷ phú Masayoshi Son. Ảnh: Getty Images

Quỹ Tầm nhìn bắt đầu bơm những khoản vốn khổng lồ vào các công ty khởi nghiệp trẻ tuổi trên khắp thế giới. Nhờ đó, những start-up kỳ lân xuất hiện với tốc độ chóng mặt, nổi bật có thể kể đến: WeWork, Uber, Grab, Compass, DoorDash, Coupang và ByteDance (chủ sở hữu TikTok). 

Ngay trong năm 2017, SoftBank chuyển 25% cổ phần Arm vào Quỹ Tầm nhìn.  Một năm sau, vào năm 2018, họ bán 51% cổ phần Arm Technology China cho một nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc như Hopu Investments, Silk Road Fund và Tổng công ty đầu tư Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước. 

Về tổng thể, Arm tiếp tục phát triển mạnh mẽ dưới sự bảo hộ của SoftBank, nhất là trong bối cảnh các loại chất bán dẫn ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng. 

Thương vụ 54 tỷ USD 

Khi SoftBank bắt đầu tìm cách rút vốn khỏi Arm, họ không mất nhiều thời gian để tìm được người mua. Vào ngày 13/9/2020, nhà sản xuất chip Nvidia đã đồng ý mua Arm trong một thỏa thuận tiền mặt và cổ phiếu trị giá 40 tỷ USD. Nhờ việc giá cổ phiếu Nvidia tăng vọt trong một năm qua, giá trị thực của giao dịch hiện được chốt ở mức gần 54 tỷ USD.

Nvidia được thành lập không lâu sau Arm, vào năm 1993. Nhờ sự hỗ trợ từ các công ty liên doanh, ban đầu công ty tập trung vào việc phát triển vi xử lý đồ họa cho trò chơi điện tử.

Trụ sở Nvidia tại California, Mỹ. Ảnh: office Snapshots. 
Trụ sở Nvidia tại California, Mỹ. Ảnh: office Snapshots. 

Hiện tại, Nvidia vẫn là một nhà cung cấp chip chính cho ngành game. Tuy nhiên, công ty có trụ sở tại California này cũng chế tạo các sản phẩm dành cho siêu máy tính, điện thoại thông minh và hơn thế nữa. Sở hữu vốn hóa thị trường hơn 500 tỷ USD, đây là một trong những công ty mạnh nhất trong ngành bán dẫn, cạnh tranh với những tên tuổi hàng đầu như Intel, Qualcomm và Advanced Micro Devices.

Những toan tính trong cuộc chiến chất bán dẫn

Vậy nguyên nhân nào đã khiến thương vụ giữa Arm, SoftBank và Nvidia vẫn chưa thể diễn ra? Theo Forbes, các cơ quan quản lý tại Vương quốc Anh tỏ ra lo ngại về kế hoạch mua lại Arm của Nvidia. 

Họ nhận ra Arm đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến công nghệ bán dẫn đang nóng lên từng ngày. Trong khi đó, Nvidia là một trong những nhà phát triển chip hiếm hoi trên thế giới sở hữu các nhà xưởng đúc chip riêng. Việc Nvidia sở hữu hoàn toàn Arm sẽ tạo ra nguy cơ độc quyền trong ngành và không loại bỏ khả năng Arm ngừng hợp tác với Intels hay AMD. 

Không chỉ chính phủ Anh, Ủy ban châu Âu cũng đang có kế hoạch khởi động một cuộc điều tra chính thức để xem xét những lo ngại về cạnh tranh do thỏa thuận Nvidia-Arm đưa ra.

Trước sức ép lớn từ chính quyền, Nvidia đã đề xuất một số biện pháp khắc phục để giải quyết những lo ngại độc quyền. Tuy nhiên việc chính phủ Anh cũng như Ủy ban châu Âu có chấp nhận các đề xuất từ Nvidia hay không còn chưa chắc chắn. Giới đầu tư có lẽ sẽ phải chờ đợi thêm một thời gian nữa trước khi được chứng kiến thương vụ sáp nhập đình đám trong ngành bán dẫn được diễn ra. 

Tin Cùng Chuyên Mục