Thương vụ sáp nhập SPAC của Grab báo trước sự bùng nổ công nghệ mới của châu Á

Hiền Hiền

Ứng dụng gọi xe và giao hàng Đông Nam Á này sắp được ra mắt tại Mỹ với mức định giá 40 tỷ USD, hứa hạn một làn sóng sáp nhập mới trong tương lai.

Đối với ngành công nghệ Đông Nam Á, thương vụ của Grab Holdings với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) chính là bước ngoặt mang tính lịch sử.

Chua Kee Lock, giám đốc điều hành của Vertex Holdings, cho biết thương vụ trị giá 40 tỷ USD này của Grab “sẽ thu hút rất nhiều sự chú ý và quan tâm của các nhà đầu tư trên thị trường. Trước Grab, không ai có thể kiếm được tiền từ việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á ngoài tập đoàn Sea Group.”

Chua Kee Lock - Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Vertex Holdings. Nguồn: VH
Chua Kee Lock - Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Vertex Holdings. Nguồn: VH

Ông Chua còn ví Đông Nam Á ngày nay giống như Trung Quốc của khoảng 15 năm về trước, khi loạt công ty khởi nghiệp đầu tiên của quốc gia này ra mắt công chúng tại Mỹ và gây tiếng vang lớn. Các “gã khổng lồ” Trung Quốc như Tencent Holdings, Alibaba Group Holding và JD.com hiện vẫn nằm trong top các công ty công nghệ lớn nhất thế giới.

Đầu tháng này, Grab đã thông báo sẽ hợp nhất với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt được tài trợ bởi Altimeter Capital (trụ sở tại California) trị giá gần 40 tỷ USD. Giao dịch dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 7/2021.

Nhìn chung, khu vực này vẫn tồn tại nhiều thách thức lớn như đa dạng văn hóa, luật pháp, ngôn ngữ cũng như cơ sở hạ tầng còn chắp vá và địa hình phức tạp. Tuy nhiên, nó cũng thể hiện không ít tiềm năng và cơ hội phát triển lớn. Chẳng hạn như tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao và một nửa dân số dưới 30 tuổi - hai chỉ số đầy hứa hẹn cho các nhà khai thác ứng dụng.

Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2012 tại Malaysia với tư cách là một ứng dụng gọi xe đơn thuần, Grab dần phát triển từ dự án Trường Kinh doanh Harvard của hai nhà đồng sáng lập Anthony Tan và Hooi Ling Tan. Sau cuộc chiến vô cùng tốn kém với Uber Technologies, Grab đã nhanh chóng mua lại Uber vào tháng 3 năm 2018.

Được hậu thuẫn bởi nhiều tập đoàn lớn bao gồm SoftBank, Grab hiện chiếm tới 70% thị phần trong lĩnh vực đặt xe và 50% trong lĩnh vực giao đồ ăn. “Gã khổng lồ” này cũng thể hiện mục tiêu trở thành một siêu ứng dụng - một nền tảng duy nhất cung cấp đa dạng các loại dịch vụ cho nhiều người dùng. Grab thậm chí còn lấn sân sang các dịch vụ tài chính khác như thanh toán, bảo hiểm và cho khách hàng hoặc tài xế vay.

“Tuy nhiên, Grab sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ vô số các công ty khởi nghiệp hay truyền thống khác.” - Jixun Foo, đối tác quản lý tại CGV Capital kiêm nhà đầu tư ban đầu của Grab cho biết.

Ông Foo còn nhận định rằng áp lực pháp lý toàn cầu đối với các công ty độc quyền công nghệ cũng là điều mà Grab phải thật cẩn trọng.

Mặt khác, hai đối thủ mạnh nhất của Grab là Gojek và Tokopedia đang chuẩn bị hợp nhất và hướng tới mục tiêu tạo ra mô hình siêu ứng dụng “tất cả trong một”. Alibaba cũng hoạt động tích cực trong khu vực thông qua công ty con Lazada sau nỗ lực vươn ra thị trường quốc tế.

4,5 tỷ USD mà Grab nhận được từ thỏa thuận SPAC sẽ giúp tập đoàn này nhanh chóng mở rộng quy mô, ngay cả khi chưa có nhiều lợi nhuận dựa trên công thức tính Ebitda.

Chủ tịch tập đoàn Grab, ông Ming Maa khẳng định: “Chúng tôi sẽ đầu tư gấp đôi vào việc xây dựng một mạng lưới giao hàng theo yêu cầu lớn với chi phí thấp. Thời gian nhận hàng sẽ được rút ngắn chỉ còn từ một đến hai giờ đồng hồ.”

Trong khi các cơ quan quản lý ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc liên tục kiềm chế những “gã khổng lồ” công nghệ, ông Maa vẫn rất tự tin về vị thế thị trường của mình: “Chúng tôi không còn lạ gì với việc cạnh tranh. Ngay cả sau khi thu mua Uber, Grab vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn trên thị trường.”

Thương vụ sáp nhập của Grab cho đến nay vẫn là thương vụ có quy mô lớn nhất liên quan đến công ty “séc trắng” SPAC. Dù vẫn còn nhiều thách thức nhưng không thể phủ nhận tiềm năng lớn của công ty 9 năm tuổi với 670 triệu người dùng trên khắp Đông Nam Á này.

Đi kèm với sáp nhập là hoạt động gây quỹ 4 tỷ USD đầu tư tư nhân vào vốn công cộng (PIPE). Thương vụ này thu hút nhiều nhà đầu tư lớn như BlackRock, Morgan Stanley, T. Rowe Price Associates, v.v.

Đề cập tới quá trình thỏa thuận, ông Maa lạc quan: “Chúng tôi cảm thấy vô cùng may mắn. Mặc dù thị trường còn nhiều thách thức và biến động, chúng tôi vẫn có thể thu hút những nhà đầu tư dài hạn tuyệt vời nhất.”

Tin Cùng Chuyên Mục