Thương vụ Tân Hiệp Phát giúp Yeah1 tự tin ‘đổi màu’ chiến lược

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Cấu trúc doanh thu của Yeah1 có sự thay đổi đáng kể sau thương vụ hợp tác với Tân Hiệp Phát ở một số sản phẩm nước giải khát. “Ván bài” mới của Yeah1 trong thời gian tới là “công nghệ bán lẻ và tiêu dùng”.

Đẩy mạnh doanh thu thương mại

Báo cáo tài chính hợp nhất quí III cho thấy doanh thu trong quí III của Yeah1 cải thiện tích cực khi tăng đến 57% so với cùng kỳ, dù xét lũy kế chín tháng đầu năm thì doanh thu thuần vẫn giảm 14%, đạt gần 870 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là cấu trúc doanh thu kỳ này của Yeah1 đã có sự khác biệt hoàn toàn so với trước đây.

Hình chụp một buổi "kick-off" của đội ngũ Giga1, tham vọng mới trong mảng bán lẻ của Yeah1 gần đây.
Hình chụp một buổi "kick-off" của đội ngũ Giga1, tham vọng mới trong mảng bán lẻ của Yeah1 gần đây.

Cụ thể, mảng kinh doanh truyền thống của Yeah1 tiếp tục ghi nhận giảm như hoạt động quảng cáo và nội dung trên nền tảng kỹ thuật số (giảm gần 24%), quảng cáo truyền hình (giảm hơn 67%).

Trong khi đó, mảng dịch vụ và thương mại truyền thông lại được đẩy mạnh tăng gấp hơn 16 lần so với cùng kỳ, lên mức 195 tỷ đồng.

Đây là sự khác biệt sau thương vụ hợp tác chiến lược với Tân Hiệp Phát. Từ hồi tháng 6, Yeah1 bắt đầu đẩy mạnh ứng dụng khuyến mãi Mega1 với các sản phẩm đầu tiên là nước giải khát Tân Hiệp Phát.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, Yeah1 ghi nhận khoản giao dịch lên đến 157 tỷ đồng với Công ty Tân Hiệp Phát, công ty có liên quan đến cổ đông lớn là bà Trần Uyên Phương (nắm giữ 22,17% cổ phần).

Xem thêm:
Thiếu vốn, Yeah1 muốn bán cổ phiếu quỹ

Mặc dù doanh thu được cải thiện đáng kể, tuy nhiên trong 9 tháng đầu năm, Yeah1 vẫn ghi nhận khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh là 39 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 226 tỷ đồng).

Dù vậy, công ty này cũng ghi nhận khoản lợi nhuận 70 tỷ đồng từ việc bán 25% cổ phần ứng dụng Mega1, giúp lợi nhuận trước thuế vẫn ghi đạt 28,3 tỷ đồng, ghi nhận quí thứ ba liên tiếp có lợi nhuận dương.

Sau những quảng cáo rầm rộ với Tân Hiệp Phát, vào tháng 8, Yeah1 bất ngờ công bố chiến lược mới, được tập đoàn này gọi là “công nghệ bán lẻ và tiêu dùng”, ngoài mảng truyền thông và nội dung số truyền thống.

Đây là một hệ sinh thái dựa trên việc ứng dụng công nghệ vào nhiều mảng kinh doanh khác nhau, từ nền tảng tiếp thị, khuyến mãi, phân phối, cho đến các nền tảng “thời thượng” như streaming, thanh toán.

Theo mô tả của Yeah1, Giga1 sẽ là nền tảng thương mại đa kênh “nối” nhà sản xuất đến người tiêu dùng cuối, nhằm giảm chi phí liên quan đến truyền thông, tiếp thị và hậu cần.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc Yeah1 sẽ cần thêm dòng vốn mới cho tham vọng mới, trong bối cảnh bản thân tập đoàn này cũng đang gặp thách thức về dòng tiền.

Thương vụ Tân Hiệp Phát giúp Yeah1 tự tin ‘đổi màu’ chiến lược - Ảnh 1

Tiếp tục thách thức về dòng tiền

Trên thực tế, dù báo cáo sổ sách ghi nhận khoản lợi nhuận dương nhưng Yeah1 vẫn đối mặt với bài toán về dòng tiền khi các khoản phải thu tăng vọt.

Cụ thể, Khoản phải thu ngắn hạn tính đến cuối tháng 9/2020 lên đến gần 664 tỷ đồng, tăng hơn 63% so với hồi đầu năm nay. Còn theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong 9 tháng đầu năm khoản phải thu đã ghi nhận hơn 215 tỷ đồng (cùng kỳ là hơn 56 tỷ đồng).

Trong số này bao gồm số tiền cần thu hồi từ thương vụ chuyển nhượng Mega1 còn 40 tỷ đồng và hơn 105 tỷ đồng nợ ngắn hạn của Tân Hiệp Phát.

Ngày 20/10 mới đây, Yeah1 công bố phát hành thành công 70 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 12%/năm kỳ hạn 2 năm cho Công ty quản lý quỹ đầu tư FPT.

Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty quản lý quỹ này đầu tư khoảng 5 triệu đô la thông qua việc mua cổ phiếu quỹ của Yeah1 và trái phiếu của Công ty cổ phần Truyền thông trực tuyến Netlink (công ty con của Yeah1).

Dự kiến Netlink sẽ đổi tên thành Công ty cổ phần công nghệ thương mại Giga1 và tăng vốn từ 20 tỷ đồng lên 360 tỷ đồng, dựa trên việc sáp nhập một số công ty thành viên và huy động vốn bên ngoài.

Trước đó vào ngày 12/10, HĐQT ban hành nghị quyết thông qua chủ trương Netlink phát hành trái phiếu chuyển đổi để bổ sung vốn hoạt động với tổng giá trị phát hành không quá 25 triệu đô la, tương đương 580 tỷ đồng và được chia thành nhiều đợt.

Như vậy, “ván cược” mới của Yeah1 sẽ nằm ở Giga1, nền tảng được kỳ vọng sẽ đẩy doanh thu rất nhanh nhờ bán lẻ các sản phẩm từ nhiều đối tác khác nhau.

Trước đó, theo báo cáo tiến độ sử dụng vốn cổ phần từ đợt chào bán riêng lẻ năm ngoái, tính đến hết tháng 8/2020 thì Yeah1 đã chi hết hơn 1.147 tỷ đồng huy động được.

Cụ thể là gần 650 tỷ đồng đầu tư vào mảng kỹ thuật số và có liên quan, hơn 165 tỷ đồng đầu tư vào mảng thương mại truyền thông (nhóm liên quan đến Giaga1), hơn 190 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động và 142 tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ.

Vào cuối tháng 8 vừa qua, Yeah1 đưa ra kế hoạch bán hết 1,77 triệu cổ phiếu quỹ đã mua vào ở trên, nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư. Tính đến hết tháng 9 thì Yeah1 vẫn chưa bán xong, nhưng dự kiến tập đoàn này sẽ phải bán lỗ số cổ phiếu đã mua vào năm ngoái với mức giá bình quân mua vào là khoảng 80.000 đồng/cổ phiếu.

Thị giá cổ phiếu của YEG của Yeah1 tính đến ngày 22/10 ở mức 45.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 21,6% so với hồi đầu năm. Cổ phiếu YEG bị cảnh báo từ ngày 8/4 do lỗ lũy kế tính đến cuối năm ngoái là 305 tỷ đồng.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục