"Tịch thu phương tiện" thế nào khi vứt rác, vệ sinh nơi công cộng?

BÁCH NGUYỄN

Từ ngày 1/2/2017, hành vi làm bẩn nơi công cộng sẽ được tăng mức phạt lên nhiều lần theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, thực hiện các chế tài này như thế nào để quy định pháp luật mang tính thực chất lại đang là vấn đề nhiều người quan tâm.

Tăng mức phạt gấp hàng chục lần

Vứt rác thải từ lâu đã là thói quen xấu của nhiều người. Rác thải sinh ra từ mọi người và mọi nơi như gia đình, trường học, chợ, nơi mua bán, nơi công cộng, nơi vui chơi giải trí, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất kinh doanh, bến xe, bến đò...

Rác có thể là những thứ không độc hại, không dơ bẩn và có thể dùng lại được, nhưng rác cũng có thể là những loại vật chất gây hôi thối, dơ bẩn và gây ô nhiễm môi trường, độc hại cho muôn loài sinh vật.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không ít người có thói quen vứt bỏ rác thải bừa bãi ra môi trường xung quanh, vừa ảnh hưởng đến môi trường vừa gây nên tác động tâm lý không nhỏ đến văn hóa ứng xử.

Nghị định 155/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo đó, Điều 20 của Nghị định này quy định, phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng (quy định cũ 50.000-100.000 đồng) với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.

Phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng (quy định cũ 200.000-300.000 đồng) với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.

Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng (quy định cũ 300.000-400.000 đồng) với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị.

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, đối tượng bị xử phạt hành chính bao gồm: người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có vi phạm do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt về mọi vi phạm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền tối đa 5.000.000 đồng. Trưởng công an xã có quyền phạt tối đa 2.500.000 đồng. Chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ có quyền phạt tối đa 500.000 đồng...

Ngoài phạt tiền, các mức phạt khác là cảnh cáo và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Làm thế nào để quy phạm có giá trị thực tiễn?

Như vậy, có thể thấy, theo quy định mới, tất cả các hành vi xả rác nơi công cộng dù nhỏ nhất như vứt, thải, bỏ đầu,mẩu và tàn thuốc lá bừa bãi đều tăng mức phạt cao gấp 10 lần mức phạt cũ; đối với tổ chức vi phạm, mức phạt này sẽ bị tăng lên gấp đôi.

Việc tăng mức phạt được coi là nhằm ngăn chặn, phòng ngừa việc xả rác bừa bãi nơi công cộng thời gian qua.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên chế tài đối với các hành vi này gây tranh cãi. Hầu như trong 3 năm thực hiện Nghị định 179/2013/NĐ-CP, chưa có thông tin nào về việc xử phạt hành vi xả rác bừa bãi, ném tàn thuốc hay đi vệ sinh nơi công cộng.

Không chỉ trong lĩnh vực môi trường, kể cả trong các lĩnh vực khác như giao thông, văn hóa, việc tăng nặng mức xử phạt cũng luôn được coi như là có tính răn đe, nhưng trên thực tế, chưa làm chuyển biến gì đáng kể về cách ứng xử của đông đảo người dân đối với các hành vi được chế tài.

Một nước trong khu vực Đông Nam Á vốn được người Việt chúng ta tán thưởng về việc giữ môi trường xanh - sạch - đẹp là Singapore, biện pháp giữ môi trường xanh sạch là bên cạnh hình phạt nghiêm khắc bằng tiền, họ áp dụng hình phạt nghiêm khắc khác là thông qua cảm giác bị xấu hổ trước công chúng để nhắc nhở mọi người dân không xả rác bừa bãi.

Người xả rác bừa bãi lần đầu tiên sẽ bị phạt tối đa là 1.000 đôla Singapore, tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên từ 2.000 - 5.000 đôla và phải lao động công ích.

Trong khoảng vài giờ, người bị phạt trong bộ quần áo sáng màu đặc trưng sẽ phải làm sạch nơi công cộng và nhiều khi phương tiện truyền thông địa phương được mời đến để ghi lại sự kiện. Vì nhà chức trách đất nước này cho rằng cảm giác bị xấu hổ trước công chúng sẽ là cách trừng phạt nghiêm khắc và nhớ đời, không bao giờ dám tái phạm.

Liên quan đến mục tiêu thay đổi nhận thức, hành vi, có ý kiến cho rằng nên đánh vào ý thức của người dân vì đó là hành vi xuất phát từ ý thức, vì nếu chỉ phạt nhắm vào túi tiền của dân thì những người trong túi luôn sẵn tiền sẽ cứ nộp tiền là xong, dễ gây... “nhờn luật”.

Hơn nữa, điều này cũng dễ nảy sinh tiêu cực đối với người thi hành giám sát không liêm chính, công tâm. Vì thế, để chế tài thực sự phát huy tác dụng, cần nghiên cứu, xem xét đến những biện pháp tác động ý thức. 

Tin Cùng Chuyên Mục