Tiềm lực của 'đại gia' Thái Lan vừa mua lại 70% cổ phần của Nhựa Duy Tân

Theo Nhà đầu tư

SCG là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính là: xi măng - vật liệu xây dựng (SCG Cement-Building Materials), hóa dầu (SCG Chemicals), và bao bì (SCG Packaging).

Mới đây, Tập đoàn SCG của Thái Lan đã công bố về việc mua lại 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân. Công ty con SCG Packaging (SCGP) sẽ là pháp nhân nhận chuyển nhượng cổ phần. Theo đó, Nhựa Duy Tân sẽ trở thành công ty con của SCG.

"Khoản đầu tư vào Duy Tân mở rộng hoạt động kinh doanh bao bì nhựa cứng của SCGP trên toàn ASEAN, đồng thời củng cố năng lực của công ty trong việc phục vụ các nhà sản xuất FMCG và người tiêu dùng tại Việt Nam", bản công bố thông tin của SCGP viết.

SCG Group nằm trong nhóm các nhà đầu tư nước ngoài có mặt sớm nhất tại Việt Nam. 
SCG Group nằm trong nhóm các nhà đầu tư nước ngoài có mặt sớm nhất tại Việt Nam. 

Thương vụ này nằm trong kế hoạch đầu tư 10 tỷ baht (334 triệu USD), nhằm mở rộng lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam, thị trường đang có nhu cầu lớn và tiếp tục gia tăng về các sản phẩm bao bì nhựa.

Giám đốc điều hành SCGP Wichan Jitpukdee cho biết, công ty này đã và đang không ngừng gia tăng đầu tư vào Việt Nam và điều này mang lại mức tăng trưởng doanh thu hơn 10% mỗi năm.

Tiềm lực của Tập đoàn SCG Thái Lan

Được Nhà vua Rama VI sáng lập năm 1913, Tập đoàn SCG có nhiệm vụ ban đầu nhằm hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng của Thái Lan. Trải qua hơn một thế kỷ phát triển, SCG trở thành một trong những tập đoàn lớn trong khối ASEAN. Theo Forbes, trong năm 2011, SGC được xếp hạng là công ty lớn thứ 2 tại Thái Lan và thứ 620 trên toàn thế giới.

SCG hiện sở hữu nhiều công ty với các mảng kinh doanh bao gồm hóa dầu, giấy, xi măng, vật liệu xây dựng và phân phối. Tập đoàn được quản lý bởi "Cục Quản lý Tài sản Hoàng gia" với việc sở hữu 30% cổ phần của SCG.

SCG Group nằm trong nhóm các nhà đầu tư nước ngoài có mặt sớm nhất tại Việt Nam ngay sau khi Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi có hiệu lực vào năm 1992. Khởi đầu, SCG Group tập trung vào mảng vật liệu xây dựng - xi măng, nhưng chủ yếu là thương mại.

Tuy nhiên, càng về sau, quy mô hoạt động của tập đoàn này càng mở rộng thông qua việc thâu tóm các doanh nghiệp đầu ngành.. Tập đoàn này cũng đã có trong tay hơn 20 thương vụ mua bán, sáp nhập, trong đó, có những vụ mua bán với giá trị lên tới cả vài trăm triệu USD.

Cuối tháng 12/2012, SCG đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần CTCP Prime Group với giá khoảng 240 triệu USD. Việc mua lại Prime Group không chỉ giúp SCG tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam, mà còn giúp tập đoàn này trở thành nhà sản xuất gạch lát sàn lớn nhất thế giới, với sản lượng kỷ lục là 225 triệu m2/năm.

Trong khi đó, thông qua một công ty con có tên Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd, SCG đã lần lượt tiến hành mua 20,4% cổ phần của CTCP Nhựa Bình Minh và 23,84% cổ phần của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong.

Vào năm 2015, SCG tiếp tục mua lại 80% cổ phần của Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) với giá 1,5 tỷ baht (khoảng 44,4 triệu USD). Với việc thâu tóm Batico, SCG đang sở hữu bốn nhà mày sản xuất bao bì nhựa mềm phức hợp, trong đó có hai nhà máy tại Việt Nam.

Batico thuộc top 5 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm bao bì với công suất 230 triệu m2/năm. Nhà máy của Batico đặt tại tỉnh Long An, trong khi khách hàng của Batico gồm cả khách trong nước và quốc tế.

Năm 2020, SCG đã đầu tư vào Bao bì Biên Hòa (SOVI) để củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực sản xuất bao bì thượng nguồn tại Việt Nam. TCG Solutions Pte. Ltd (Singapore), công ty con của Tập SCG, chính thức nhận chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phiếu SVI, tương đương 94,11% vốn của Bao bì Biên Hòa.

SOVI là doanh nghiệp sản xuất bao bì lâu đời, được thành lập năm 1968. Năm 2020, SOVI đạt doanh thu thuần 1.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 146 tỷ đồng.

Ngoài ra, SCG cũng vừa mua lại Công ty TNHH Go-Pak (Go-Pak), một trong những nhà cung cấp giải pháp dịch vụ thực phẩm hàng đầu tại Anh, châu Âu và Bắc Mỹ, với các cơ sở sản xuất tại miền Nam Việt Nam. Những khoản đầu tư này sẽ mở rộng tiềm năng của tập đoàn trong lĩnh vực kinh doanh bao bì thực phẩm.

Dự án lớn nhất hiện tại của SCG tại Việt Nam là Tổ hợp Hóa dầu miền Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD. Tập đoàn Thái Lan sở hữu 100% vốn tại dự án này.

Trong năm 2020, lợi nhuận của SCG đạt 1,09 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong năm ngoái, doanh thu từ các sản phẩm giá trị gia tăng cao của SCG đạt 4,03 triệu USD, cải thiện so với quý trước và chiếm 32% tổng doanh số bán hàng.

Bên cạnh đó, doanh thu của SCG từ các đơn vị kinh doanh khác ngoài Thái Lan, cùng với doanh thu xuất khẩu từ Thái Lan đạt 5,39 triệu USD, chiếm 42% tổng doanh thu bán hàng, cao hơn con số 41% của năm trước.

Tại khu vực ASEAN (ngoại trừ Thái Lan), doanh thu bán hàng của SCG năm 2020 ghi nhận giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 838 triệu USD, chiếm 26% tổng doanh thu bán hàng của tập đoàn.

Riêng tại Việt Nam, SCG đạt doanh thu bán hàng đạt 1,14 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ, chủ yếu giảm tại mảng ngành kinh doanh Xi măng- vật liệu xây dựng và xuất khẩu từ Thái Lan.

Tính đến ngày 31/12/2020, SCG Việt Nam sở hữu khối tài sản trị giá 4,8 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ ngành hoá dầu.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục