TikTok - "gã khổng lồ" mới của ngành quảng cáo

Kim Dung

TikTok vẫn đang phát triển ngay cả khi mảng quảng cáo kỹ thuật số bị sụt giảm do kinh tế toàn cầu chậm lại. Suy thoái đã ảnh hưởng đến Snap, Google và Meta. Với TikTok, dù không hoàn toàn "miễn dịch" nhưng dường như nền tảng này vẫn có thể lấn át mạnh mẽ các đối thủ.

Trong tháng 10, hãng trang sức cao cấp Tiffany & Co. đã chia sẻ một video đen trắng có sự góp mặt của ngôi sao nhạc pop Beyoncé trên Instagram. Đoạn quảng cáo trang sức dài một phút đã thu hút 1,6 triệu lượt xem.

Một tuần sau đó, Tiffany lại đăng một video quảng cáo khác lên TikTok với sự góp mặt của KOL Kate Bartlett. Bartlett đã trò chuyện trực tiếp với người xem trong khi thử những món đồ trang sức tại cửa hàng của Tiffany. Đoạn video này nhanh chóng cán mốc 5,2 triệu lượt xem.

Quảng cáo của Tiffany & Co trên TikTok.
Quảng cáo của Tiffany & Co trên TikTok.

Trong những năm gần đây, TikTok phổ biến trên toàn cầu. Nền tảng video ngắn đã phát triển thành công ty quảng cáo kỹ thuật số và tiếp tục phát triển phần mềm giúp hoạt động quảng cáo của các thương hiệu trên nền tảng được thuận lợi hơn.

Theo ước tính từ công ty nghiên cứu Insider Intelligence, năm nay, TikTok đang trên đà tiến đến mốc 10 tỷ USD doanh thu quảng cáo, cao hơn gấp đôi so với năm 2021. Mặc dù quy mô của TikTok vẫn còn nhỏ so với "ông lớn" Google và Meta nhưng dự kiến, hoạt động quảng cáo của TikTok năm nay sẽ đánh bại các đối thủ lâu đời như Twitter và Snap.

TikTok vẫn đang phát triển ngay cả khi mảng quảng cáo kỹ thuật số bị sa sút do kinh tế toàn cầu chậm lại. Suy thoái đã ảnh hưởng đến Snap, Google và Meta. Đối với TikTok, dù không hoàn toàn "miễn dịch" nhưng dường như nền tảng này đang lấn át mạnh mẽ các đối thủ.

Snap xem TikTok là một trong những “đối thủ cạnh tranh lớn và tinh vi”. YouTube mới đây cũng bắt đầu đưa quảng cáo vào Shorts - nền tảng do công ty xây dựng để cạnh tranh với TikTok. Trong khi đó, Mark Zuckerberg, CEO của Meta, gọi TikTok là "đối thủ" trong đợt báo cáo kết quả kinh doanh hồi tháng 2.

Thực tế, không ít nhà quảng cáo lo ngại về các vấn đề của TikTok như chất lượng nội dung và Bot Traffic (lưu lượng truy cập không phải của con người vào một website). Thế nhưng, các công ty vẫn tiếp tục đổ xô quảng cáo trên ứng dụng này bởi có phạm vi tiếp cận rộng và đối tượng người dùng trẻ tuổi đông đảo.

Theo công ty phân tích dữ liệu Sensor Tower, trung bình mỗi ngày người dùng TikTok dành ra 96 phút cho ứng dụng này, nhiều gấp 5 lần so với thời gian dành cho Snapchat, gấp ba thời gian cho Twitter và gần gấp đôi thời gian cho Facebook và Instagram.

Rich Greenfield, nhà phân tích công nghệ tại LightShed Partners, cho biết: “TikTok đang nuốt chửng thế giới. Yếu tố quan trọng nhất đối với ứng dụng giải trí là thời gian sử dụng. Nếu một ứng dụng bị thu hẹp thời gian sử dụng vì bị TikTok chiếm thị phần thì hoạt động kinh doanh quảng cáo của ứng dụng đó sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều”.

Cách TikTok phát triển mảng kinh doanh quảng cáo

Không như các nền tảng truyền thông xã hội khác, quảng cáo của TikTok xuất hiện giống như những video ngắn thông thường trên nền tảng, vậy nên người xem không thể biết trước video tiếp theo là quảng cáo. Bên cạnh đó, TikTok còn thúc đẩy các thương hiệu hợp tác với những nhà tạo nội dung để lồng ghép sản phẩm vào những thước phim của họ, khiến quảng cáo trở nên tự nhiên hơn. Nền tảng này nối tiếng với slogan: “Đừng làm quảng cáo, hãy làm video TikTok.”

TikTok còn có một cách thức quảng cáo khác là thông qua thẻ hashtag để tăng mức độ tương tác. Hình thức này được khởi xướng từ hashtag #TikTokMadeMeBuyIt của công ty, hiện đã thu về hơn 28 tỷ lượt xem. Ngoài ra, nền tảng còn tinh chỉnh phạm vi tiếp cận và tần suất của quảng cáo cùng với tích hợp thương mại điện tử. 

Hashtag #TikTokMadeMeBuyIt với hơn 28 tỷ lượt xem của TikTok.
Hashtag #TikTokMadeMeBuyIt với hơn 28 tỷ lượt xem của TikTok.

Tháng 6 năm nay, trong hội nghị Cannes Lions được tổ chức tại Pháp, các lãnh đạo của TikTok đã tiết lộ một vài chiến lược của nền tảng trong thời gian tới và thu hút nhiều công ty lớn của miền nam nước Pháp. 

Tại sự kiện TikTok World II mới đây, công ty cũng công bố chế độ quảng cáo mới mang tên “Focused View”. Chế độ này không tính phí trên thời gian chạy quảng cáo, thay vào đó các nhà quảng cáo chỉ bị tính phí dựa vào mức độ tương tác và thời gian xem quảng cáo của người dùng.

Thực tế cho thấy, cách thức quảng cáo của TikTok có hiệu quả rất cao. Năm ngoái, thương hiệu thời trang nam Swet Tailor đã đăng tải một video quảng cáo mẫu áo sơ mi với hiệu ứng tích hợp trên nền tảng. Video thu hút 5.000 lượt xem. Trong hai tuần, Swet Tailor đã giải phóng được 35% lượng hàng tồn kho trong khi thông thường hãng chỉ bán được 5%. Ngược lại, "quảng cáo trên Facebook và Instagram gần như không mang lại hiệu quả gì", Adam Bolden, CEO của thương hiệu quần áo chia sẻ

Swet Tailor dành 15% ngân sách marketing của công ty cho TikTok, chủ yếu chi cho việc hợp tác với những KOL. Với hiệu quả TikTok mang lại, thương hiệu này đang cân nhắc tăng gấp 3 lần chi tiêu cho quảng cáo trên nền tảng.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang thay đổi tương tự. Theo công ty phân tích dữ liệu Triple Whale, khách hàng của họ đã chi 99,89 triệu USD cho quảng cáo trên TikTok kể từ đầu năm nay, tăng hơn 5 lần so với mức 18,39 triệu USD của năm 2021.

Có thể nói TikTok đã trở thành "gã khổng lồ" mới của ngành quảng cáo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng khiến các thương hiệu chần chừ khi "rót tiền" vào nền tảng vì lo ngại số tiền đầu tư không nhận được hiệu quả xứng đáng.

Một số nhà quảng cáo do dự bởi vấn đề xử lý bảo mật dữ liệu và kiểm duyệt nội dung của công ty. Ngoài ra còn có một mối lo khác đó là tình trạng tài khoản giả mạo. Theo  Pixalate, công ty phần mềm tuân thủ quyền riêng tư và gian lận quảng cáo, trong tháng 9 đã có khoảng 7% lưu lượng truy cập ứng dụng của TikTok không hợp lệ.

Trong khi đó, người phát ngôn của TikTok cho biết nền tảng đã hợp tác với các công ty công nghệ quảng cáo để ngăn chặn lưu lượng truy cập không hợp lệ.

Tin Cùng Chuyên Mục