TikTok biến nhiều người bình thường thành ngôi sao, nhưng sau đó thì sao?

Như Quỳnh

Thuật toán khác biệt của TikTok giúp người dùng ở đây dễ nổi tiếng hơn so với trên Youtube, Twitter... Tuy nhiên các ngôi sao TikTok cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì sự nổi tiếng của mình.

Với hơn 689 triệu người dùng hoạt động thường xuyên, TikTok đang là một trong những mạng xã hội được yêu thích nhất trên toàn cầu.
Với hơn 689 triệu người dùng hoạt động thường xuyên, TikTok đang là một trong những mạng xã hội được yêu thích nhất trên toàn cầu.

Khi đăng tải đoạn video ngắn về chú chó của gia đình mình lên TikTok, chính Kendra Womack cũng không ngờ đoạn clip của mình lại được chú ý như vậy. Thuật toán của TikTok xếp video của Kendra Womack vào mục xu hướng và chỉ qua một đêm, đoạn clip dài 12 giây đã lan truyền một nhanh chóng mặt, giúp cô thu về hàng triệu lượt xem.

“Tôi bị sốc và không thể tin nổi. Tôi không nghĩ việc nổi tiếng lại dễ dàng như vậy”, Kendra Womack, một nữ sinh viên 26 tuổi bình thường nói về cách TikTok giúp mình nổi tiếng nhanh như thế nào.

Thuật toán khác biệt

Ngày nay, TikTok nổi lên như một lựa chọn hàng đầu cho những ai muốn nổi tiếng nhanh chóng trên mạng xã hội bởi thuật toán khác biệt so với các ông lớn khác như Facebook, Twitter hay Youtube.

Nếu như Youtube hay Twitter được điều khiển bởi những thuật toán cho phép người dùng kết nối với bạn bè, những sự kiện nổi bật thì TikTok lại đi theo hướng cá nhân hóa. Các video trên TikTok hiển thị theo sở thích cá nhân của người dùng và không dựa trên số lượt người theo dõi.

Cách làm của TikTok giúp những người vô danh như Kendra Womack cũng có cơ hội trở nên nổi tiếng.

“Trên TikTok, ai cũng có thể được chú ý. Người dùng có cảm giác như họ có thể nổi tiếng bất kì lúc nào”, Sarah Peretz, một nhà tư vấn truyền thông xã hội nhận xét về TikTok.

Các ngôi sao TikTok gặp khó khăn trong việc duy trì sự nổi tiếng

Tờ The Wall Street Journal nhận định dù dễ nổi tiếng hơn, những ngôi sao trên TikTok thường gặp khó khăn trong việc duy trì danh tiếng của mình. Người nổi tiếng xuất phát từ TikTok hầu hết là những người nghiệp dư, khác với các kênh Youtube được xây dựng bài bản bởi đội ngũ sáng tạo riêng biệt.  

Hiểu được điểm yếu đó, TikTok đang bắt đầu đổ tiền xây dựng đội ngũ sáng tạo của riêng mình. Tại Los Angeles, tập đoàn này có một nhóm riêng giúp kết nối với các nghệ sĩ nổi tiếng trong ngành âm nhạc để tạo ra những bản nhạc nền sử dụng cho video trên TikTok.

Một nhiệm vụ khác của đội ngũ này là gặp gỡ những nhà sáng tạo nội dung, giúp họ phát triển để thu hút và duy trì lượng người theo dõi sau khi đã nổi tiếng.

TikTok cũng khuyến khích người dùng phát triển những nội dung sáng tạo mới bằng cách trả tiền cho các video có lượt xem cao. Nền tảng thuộc sở hữu của ByteDance không chia sẻ doanh thu quảng cáo với người sáng tạo như cách Youtube đã làm mà tạo một quỹ riêng dành cho người sáng tạo có ít nhất 100.000 lượt xem trong 30 ngày.  

Không có nguồn thu nhập ổn định trên lượt xem như các Youtuber, các Tiktoker nổi tiếng vẫn có thể sống tốt nhờ thu nhập từ quảng cáo. Ông Nathan Apodaca là một ví dụ. 
Không có nguồn thu nhập ổn định trên lượt xem như các Youtuber, các Tiktoker nổi tiếng vẫn có thể sống tốt nhờ thu nhập từ quảng cáo. Ông Nathan Apodaca là một ví dụ. 

Bản thân các ngôi sao TikTok cũng không phụ thuộc quá nhiều vào tiền thu về từ lượng view. Nathan Apodaca, một hiện tượng TikTok cho biết sau khi nổi tiếng nhờ mạng xã hội này, ông được mời quay video quảng cáo cho nhiều nghệ sĩ và cả các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh. Các hợp đồng quảng cáo cùng tiền ủng hộ của người xem giúp Apodaca chuyển đến ngôi nhà mới trị giá 320.000 USD!

Những thử thách đối với TikTok

Khi mới ra mắt cách đây 5 năm, TikTok trở nên khác biệt nhờ cách làm nội dung tập trung vào các video clip ngắn. Thế nhưng giờ đây hàng loạt đối thủ đang bắt đầu phát triển nền tảng có thuật toán tương tự như vậy.

Theo The Wall Street Journal, cả Facebook và Snapchat đang cố gắng tái tạo thuật toán đề xuất video của TikTok. Hồi cuối năm 2020, Facebook ra mắt thành công một nền tảng chia sẻ video ngắn tương tự như TikTok, được tích hợp ngay trên Instagram với tên gọi ‘Instagram Reels’.

Snapchat cũng không chịu thua kém khi ra mắt tính năng ‘Spotlight’ với những chức năng tương tự. Hiện ‘Spotlight’ có đến hơn 100 triệu người sử dụng hàng tháng.

Không chỉ đối mặt với sự cạnh tranh của các đối thủ, TikTok cũng bị đe dọa bởi các lệnh cấm liên quan tới nguyên nhân chính trị.

Hồi tháng 8 năm ngoái, mạng xã hội này từng chao đảo khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa cấm TikTok tại quốc gia này. Thời điểm đó, lượt tải phần mềm hàng tháng của TikTok tại đây giảm từ 10,5 triệu xuống chỉ còn 4,3 triệu, theo công ty nghiên cứu Sensor Tower.

Mặc dù lệnh cấm không được ban hành do Trump thua cuộc trong cuộc bầu cử Tổng thống, tương lai của TikTok tại thị trường lớn như Mỹ có thể bị đe dọa bất kì lúc nào do mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây trong những năm gần đây.

Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, TikTok vẫn là một trong những nền tảng mạng xã hội được yêu thích nhất. Theo App Annie, mặc dù có sự sụt giảm về số lượt tải xuống, TikTok hiện vẫn là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất vào năm 2020 và quý 1/2021, cả ở Mỹ và trên toàn thế giới.

Tin Cùng Chuyên Mục