Tiktok vẫn tuyển dụng khi làn sóng sa thải càn quét ngành công nghệ

Phong Vân

Trong khi làn sóng sa thải đang bùng nổ ở các công ty đối thủ, nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc cho biết sẽ tuyển thêm 3.000 kỹ sư tại nhiều thị trường trên thế giới, bao gồm cả Mỹ.

Một số công ty công nghệ hàng đầu nhất thế giới đang tiến hành cắt giảm nhân sự với quy mô lớn. Vậy nhưng hiện nay vẫn còn một công ty đang đi ngược xu hướng toàn cầu là nền tảng mạng xã hội TikTok.

Trong bối cảnh Thung lũng Silicon sa thải nhân viên hàng loạt và "đóng băng" tuyển dụng, công ty truyền thông thuộc sở hữu của Trung Quốc lại lên kế hoạch chiêu mộ người mới trong 3 năm tiếp theo. Công ty dự kiến tuyển thêm 3.000 kỹ sư tại các thị trường trên toàn thế giới, bao gồm cả Mỹ. Hiện tại, văn phòng TikTok ở Singapore vẫn đang tuyển dụng. Công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh cũng đang tuyển dụng nhân sự ở Trung Quốc để làm việc trên nền tảng Douyin (phiên bản TikTok tại thị trường Trung Quốc).

Tại một diễn đàn kinh tế do Bloomberg tài trợ, Shou Zi Chew, CEO của TikTok, cho biết “Chúng tôi luôn thận trọng trong việc tuyển dụng. TikTok vẫn đang tuyển thêm nhân sự với tốc độ phù hợp với thách thức toàn cầu mà công ty đang phải đối mặt".

TikTok "bơi ngược dòng" khi các "ông lớn" ngành công nghệ tiến hành sa thải hàng loạt
TikTok "bơi ngược dòng" khi các "ông lớn" ngành công nghệ tiến hành sa thải hàng loạt

TikTok vẫn chưa có trụ sở chính. Nền tảng mạng xã hội này chỉ mở văn phòng ở Los Angeles, New York, Dublin, London và Singapore là nơi CEO Chew làm việc. Công ty mẹ ByteDance có quy mô lên đến 130.000 nhân viên trên toàn thế giới trong khi nhân sự của TikTok hiện chỉ có hơn 20.000 người và 1/4 số đó tập trung ở thị trường Mỹ.

TikTok đang lên kế hoạch tăng quy mô cho trung tâm kỹ thuật lớn nhất nước Mỹ của công ty nằm ở thành phố Mountain View, California. Nơi đây hiện đã có hơn 1.000 kỹ sư. Trong bối cảnh hiện tại, các nhà tuyển dụng của TikTok cũng đã tính tới việc tiếp cận những nhân sự vừa nghỉ việc ở hai công ty đối thủ là Meta và Twitter. 

Nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc đang đi ngược chiều với hầu hết công ty công nghệ trên thế giới. Một số tên tuổi lâu đời ở Thung lũng Silicon phải cắt giảm việc làm với quy mô lớn chưa từng có trong nhiều năm qua. Meta, công ty mẹ của Facebook đã sa thải khoảng 11.000 nhân sự trong khi "ông trùm" thương mại điện tử Amazon có thể cắt giảm tới 10.000 người. Thêm vào đó, nền tảng mạng xã hội Twitter thu hẹp một nửa quy mô. Nền tảng gọi xe Lyft và các công ty khác cũng nối bước thông báo sa thải nhân viên. 

Mặc dù tình hình của TikTok lạc quan hơn các công ty khác nhưng vẫn không tránh khỏi tác động từ đợt suy thoái của lĩnh vực công nghệ. Tại cuộc họp trực tuyến gần đây, CEO Chew đã cắt giảm mục tiêu doanh thu quảng cáo của năm nay từ 12 tỷ USD xuống còn 10 tỷ USD.

Việc tuyển dụng của TikTok cũng được tiến hành chậm hơn so với những năm trước. Đồng thời, kế hoạch chiêu mộ có thể sẽ còn thay đổi tùy thuộc diễn biến của nền kinh tế và hiệu quả kinh doanh trong thời gian tới.

Văn phòng TikTok ở Los Angeles.
Văn phòng TikTok ở Los Angeles.

Nền tảng TikTok mới ra mắt khoảng 5 năm và đang đi theo quỹ đạo phát triển khác hẳn so với nhiều "gã khổng lồ" công nghệ lâu đời của Mỹ. Độ phổ biến của TikTok đã vượt qua Facebook và Instagram thuộc sở hữu của Meta, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên tại Mỹ.

Trong năm 2020, TikTok phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ Washington về vấn đề quyền truy cập thông tin của hàng triệu người dùng tại Mỹ. Dù vậy, công ty vẫn thông báo tuyển dụng 10.000 lao động ở xứ cờ hoa. Hiện tại, công ty vẫn tiếp tục tuyển dụng nhiều kỹ sư để cải thiện các tính năng trên ứng dụng, đồng thời cải thiện thuật toán và cơ sở hạ tầng vận hành nền tảng.

Không chỉ vậy, công ty còn có kế hoạch bổ sung nhân viên vào bộ phận thương mại hóa chịu trách nhiệm nghiên cứu các phương thức kiếm tiền từ ứng dụng và bộ phận thương mại điện tử non trẻ TikTok Shop.

Ngoài ra, TikTok cũng sẽ bổ sung thêm chuyên viên giám sát ứng dụng để kiểm duyệt các video không phù hợp ở cả Mỹ và trung tâm kiểm duyệt nội dung tại Dublin, Ireland. Đồng thời, công ty mẹ ByteDance vẫn tiếp tục tuyển dụng ở Trung Quốc. Một phần nhân sự mới sẽ làm việc cho TikTok và phần còn lại giúp ByteDance phát triển chip.

Gần đây, công ty ByteDance đã chuyển vài bộ phận làm việc ở Trung Quốc sang Singapore. Nguyên nhân một phần là để làm dịu sự lo ngại của Washington về mối quan hệ của TikTok với Trung Quốc. Quá trình di chuyển diễn ra lâu hơn dự kiến ​​vì nguồn nhân lực tại Singapore ít hơn so với Trung Quốc và những phức tạp trong việc xin thị thực.

Trong tháng 8 vừa qua, sau nhiều năm thua lỗ, công ty ByteDance cho biết đã có lợi nhuận hoạt động trong quý đầu tiên của năm 2022.

Tin Cùng Chuyên Mục