Tổng giám đốc HSBC: Việt Nam lạc quan với thị trường tài chính bền vững của ASEAN và Việt Nam

Linh An

Thị trường tài chính bền vững của ASEAN và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới, cung cấp sự hỗ trợ cần thiết giúp khu vực này đạt được các mục tiêu cân bằng phát thải.

Một năm năng động với nhiều sáng kiến phát triển chính sách và thị trường

Trong báo cáo ASEAN Sustainable Finance - State of the Market 2022 công bố mới đây, Climate Bonds Initiative và HSBC cho biết, năm 2022 là một năm năng động của khu vực ASEAN, xét về các sáng kiến phát triển chính sách và thị trường với sự ra mắt của hệ thống Tiêu chuẩn Trái phiếu Liên kết Bền vững ASEAN, cũng như tham vấn ý kiến các bên về phiên bản đầu tiên của Hệ thống phân loại ASEAN (ASEAN Taxonomy) trong suốt cả năm.

Tổng giám đốc HSBC: Việt Nam lạc quan với thị trường tài chính bền vững của ASEAN và Việt Nam - Ảnh 1

Bên cạnh đó là một loạt sáng kiến và biện pháp tài chính bền vững tầm cỡ quốc gia của các nước thành viên ASEAN, bao gồm các mảng như công bố thông tin, tài chính chuyển dịch và hệ thống phân loại.

"Thị trường tài chính bền vững ASEAN đang ở thời điểm thay đổi quan trọng. Các đợt phát hành trái phiếu chính phủ đã trở nên quen thuộc ở ASEAN. Điều này cho thấy sự quan tâm cao của các quốc gia trong khu vực trong việc phát triển thị trường”, ông Kelvin Tan - Giám đốc Đầu tư và Tài chính bền vững khu vực ASEAN tại HSBC, nhận định.

Ông Kelvin Tan cho biết thêm, với mức độ nhận thức gia tăng và tác động đối với hoạt động doanh nghiệp dần thay đổi, sự quan tâm của các chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tương lai mảng tài chính bền vững trong khu vực.

Theo ông Kelvin Tan, các nước ASEAN cần giữ vững đà phát triển này và tiếp tục tận dụng mối quan hệ hợp tác công tư bền chặt trong khu vực, ví dụ như Thỏa thuận Hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) ở Indonesia và Việt Nam. Những sự hợp tác này sẽ cung cấp thêm nguồn tài chính cho các quốc gia trong quá trình cân bằng phát thải.

Thị trường tài chính xanh của Việt Nam có dấu mốc tích cực

Theo HSBC, Việt Nam là một trong những quốc gia chứng kiến sự đa dạng trong phát hành trái phiếu theo chủ đề trong những năm gần đây.

Các nỗ lực và chính sách hỗ trợ về tài chính bền vững được Chính phủ Việt Nam ủng hộ, với sự ra mắt của hướng dẫn quản trị rủi ro môi trường trong các hoạt động mở rộng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bên cạnh đó là công bố chương trình quốc gia nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân phát triển kinh doanh bền vững tới năm 2025.

Trên nền tảng Thỏa thuận Chuyển dịch Năng lượng Công bằng với nguồn vốn ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD, nhằm giúp ngành năng lượng Việt Nam chuyển dịch, Chính phủ cũng cam kết cải thiện khung pháp lý tài chính xanh của Việt Nam, để thúc đẩy sự quan tâm trong lĩnh vực này.

Về hoạt động phát hành, chỉ có các khoản vay (xanh và liên kết bền vững) được phát hành trong giai đoạn năm 2022, với 5 giao dịch đến từ các nhà phát hành khác nhau.

Giao dịch lớn nhất là khoản vay xanh trị giá 500 triệu USD của công ty sản xuất và thương mại VinFast (một công ty con của tập đoàn Vingroup JSC), giao dịch thứ hai của công ty này sau khoản vay xanh 400 triệu USD năm 2021.

Một công ty con khác của Vingroup là Vinpearl JSC cũng gia nhập thị trường với một trái phiếu bền vững trị giá 425 triệu phát hành năm 2021, trái phiếu bền vững duy nhất ở Việt Nam từ trước tới nay.

Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam bày tỏ, trong bối cảnh các nền kinh tế trong ASEAN đều phải đối mặt với các nguy cơ của biến đổi khí hậu, bao gồm cả những rủi ro vật chất lẫn rủi ro chuyển đổi, các ngân hàng như HSBC đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chia sẻ kiến thức và hiểu biết, cũng như cung cấp nguồn vốn để giảm thiểu các rủi ro này, đồng thời hỗ trợ khách hàng hiện thực hóa kế hoạch chuyển dịch năng lượng của họ.

“Đầu năm 2022, chúng tôi công bố cam kết hỗ trợ thu xếp lên đến 12 tỷ USD tài chính bền vững trực tiếp và gián tiếp cho Việt Nam và các doanh nghiệp tới năm 2030.

Năm nay, chúng tôi tham gia Nhóm làm việc chuyên trách của Liên minh Tài chính Glasgow vì Cân bằng Phát thải (Glasgow Financial Alliance for Net Zero - GFANZ) để tiếp tục phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam giúp huy động nguồn vốn tư nhằm hỗ trợ Thỏa thuận Hợp tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (Just Energy Transition Partnership - JETP) của Việt Nam.

Cùng với những nỗ lực và chính sách về tài chính bền vững được chính phủ các nước ASEAN ủng hộ, chúng tôi lạc quan rằng thị trường tài chính bền vững của ASEAN và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết giúp khu vực này đạt được các mục tiêu cân bằng phát thải", Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định.

Tin Cùng Chuyên Mục