TP HCM chính thức triển khai chính quyền đô thị

Thành Trung

Khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, TP HCM sẽ không tổ chức HĐND quận, phường. Nhiều nội dung công tác cũng có sự thay đổi nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Theo Nghị quyết 131 của Quốc hội, việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM chính thức được thực hiện từ ngày 1/7.

Dự kiến, trong nhiệm kỳ 2021-2026, khi không tổ chức HĐND quận, phường tại TP HCM, sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng.
Dự kiến, trong nhiệm kỳ 2021-2026, khi không tổ chức HĐND quận, phường tại TP HCM, sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng.

Trong 7 năm thí điểm, TP HCM không thực hiện HĐND quận, huyện, phường đã mang lại nhiều lợi ích. Đầu tiên là tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách. Dự kiến, trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, việc không tổ chức HĐND các cấp quận, huyện, phường tại đây sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng, tương ứng với 665 đại biểu HĐND quận và 6.159 đại biểu HĐND phường, đồng thời tinh giản 588 biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận và phường.

Thực hiện chính quyền đô thị, TP HCM không tổ chức HĐND quận, phường tại 16 quận và 249 phường. Chính quyền địa phương ở phường, quận chỉ còn UBND. Các Văn phòng HĐND - UBND quận, phường đổi tên thành Văn phòng UBND kể từ 1/7.

Công chức của UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thành phố thuộc TP HCM do quận, thành phố quản lý, sử dụng. Các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường theo mô hình này không còn là cán bộ do HĐND bầu nữa mà được chuyển sang công chức.

Việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác… do Chủ tịch UBND TP HCM quyết định, thay vì HĐND quận bầu và Chủ tịch UBND TP HCM phê chuẩn kết quả bầu như trước đây.

Thực hiện quy định này, ngày 30/6, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã ký 61 quyết định bổ nhiệm lãnh đạo UBND 16 quận trên địa bàn TP HCM, gồm 14 Chủ tịch UBND quận và 47 Phó Chủ tịch UBND quận. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/7.

Tin Cùng Chuyên Mục