TP HCM không có nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới trong năm 2020

Những khối đế chung cư ở vùng ven tiếp tục gặp nhiều khó khăn, có một vài dự án vẫn giảm đến 15% so với giai đoạn trước dịch.

Theo báo cáo mới công bố của CBRE, thị trường bán lẻ TP HCM không ghi nhận nguồn cung mặt bằng mới trong năm 2020. Tính đến hết quý IV, toàn thị trường có hơn 1 triệu m2 diện tích bán lẻ, trong đó nguồn cung mới đạt 11.300 m2, thấp hơn 90% so với nguồn cung mới trung bình trong ba năm trước đây. 

CBRE cho biết quá trình phục hồi diễn ra không đồng đều giữa các vị trí. Tỷ lệ trống tại các mặt bằng trung tâm thương mại chất lượng cao tại quận 1, quận 2 và quận 7 hầu như đã phục hồi, thậm chí cải thiện so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tỷ lệ trống ở những dự án ở vùng ven tăng đáng kể do sức mua của người tiêu dùng vẫn sụt giảm, nhất là loại hình bán lẻ ở khối đế chung cư. 

Thị trường bán lẻ TP HCM không ghi nhận nguồn cung mặt bằng mới trong năm 2020.
Thị trường bán lẻ TP HCM không ghi nhận nguồn cung mặt bằng mới trong năm 2020.

Về giá chào thuê mặt bằng, tại khu vực trung tâm vẫn giữ mức ổn định, đạt gần 136 USD/m2/tháng. Trong khi đó con số này ở khu ngoài trung tâm đạt 34,4 USD/m2, giảm 3,8% theo năm. Thị trường còn ghi nhận một vài dự án khu ngoài trung tâm giảm đến 8-15%. Đây là những dự án có ít lưu lượng người mua sắm và tỷ lê trống cao hơn 15% giai đoạn trước dịch. 

Đánh giá về nhu cầu mở rộng mặt bằng, đơn vị nghiên cứu cho biết lực cầu có dấu hiệu khởi sắc từ quý II thuộc về các đơn vị bán lẻ mạnh trong nước như nhóm ngành hàng ăn uống, thời trang phụ kiện và nhất là nhà thuốc.

Các đơn vị bán lẻ uy tín này thường được chủ đầu tư ưu ái với mức giá thuê khoảng 10% đối với khu trung tâm và 15-20% đối với khu vực ngoài trung tâm. Ngoài ưu đãi giá thuê, các điều khoản khác liên quan đến chia sẻ doanh thu, thời hạn thuê hay các tình huống bất khả kháng vì dịch bệnh hầu như chưa thay đổi nhiều so với trước đây. Đây là thời điểm tốt để các đơn vị bán lẻ săn mặt bằng cho thuê chất lượng với mức giá ưu đãi.

Đối với các thương hiệu mới nước ngoài, thị trường ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt về số lượng các thương hiệu mới so với giai đoạn từ năm 2015 đến nay.

"Đa số các thương hiệu mới vẫn trong giai đoạn nghiên cứu thị trường và chờ đợi tác dụng hiệu quả của vaccine trước khi mở mặt bằng bán lẻ. Theo ghi nhận, các thương hiệu mới của nước ngoài chủ yếu đến từ các nước Đông Nam Á và đánh vào phân khúc trung cấp", báo cáo của CBRE nhận định.

Trong năm 2021, CBRE dự báo thị trường sẽ chào đón thêm gần 60.000 m2 nhờ một số dự án mới khai trương ở quận 1 và quận 2. Mức giá thuê và tỷ lệ trống sẽ tạm thời giữ ổn định trong nửa đầu năm 2021 trước khi nhu cầu thuê tăng cao, kéo theo sự cải thiện của hoạt động thị trường.

Từ năm 2022 trở đi, nguồn cung tương lai sẽ tiếp tục tập trung ở khu Đông cũng như khu trung tâm của thành phố. Sau khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động, những mặt bằng hạng sang tại đây sẽ thiết lập mức giá thuê mới cho toàn thị trường. Trong 5 năm tới, CBRE dự đoán có khoảng 500.000 m2 sẽ đi vào hoạt động.

Tin Cùng Chuyên Mục