TP.Hồ Chí Minh: Cụ bà 81 tuổi dài cổ chờ tòa án quận 8 xử án hôn nhân

Song Tháp - Chính Nghĩa

Ngỡ tưởng một mình chăm sóc 4 con khôn lớn, phụng dưỡng cha mẹ bên chồng thì “anh ấy” sẽ yêu thương nhiều hơn. Nào ngờ chồng âm thầm có con riêng tại “phòng nhì” ở Sài thành.

Vượt khổ nuôi 4 con

Gần 2 năm qua, cụ Đào Thị Hồng (81 tuổi) luôn mong mỏi TAND quận 8 (TP.Hồ Chí Minh) đưa vụ án “Yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân” ra xét xử. Thế nhưng, đến nay cụ vẫn dài cổ chờ xử vụ án mà chỉ trời mới biết khi nào mở phiên tòa?

TP.Hồ Chí Minh: Cụ bà 81 tuổi dài cổ chờ tòa án quận 8 xử án hôn nhân - Ảnh 1

TAND quận 8 thụ lý vụ kiện đã 2 năm mà vẫn chưa đưa ra phân xử. 

Trích điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) thì: Thời hạn chuẩn bị xét xử:

- Đối với các vụ án quy định tại Điều 26, 28 của BLTTDS (trong đó có qui định thời hạn xét xử các yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng) thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng...

Búi mái tóc đã bạc trắng, giọng buồn buồn cụ Hồng bắt đầu câu chuyện tình của mình, cụ sinh ra và lớn lên tại xã Chí Tân (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).

Năm 1960, cụ Hồng cùng ông Nguyễn Quốc Bào kết hôn, sống với nhau tại xã Chí Tân, huyện Khoái Châu. Cùng năm 1960, ông Bào vào miền Nam công tác, sau nhiều lần về phép, vợ chồng cụ Hồng lần lượt có 4 con.  

Sau năm 1975, ông Bào ở lại TP.Hồ Chí Minh làm ăn, còn cụ Hồng vẫn ở quê nuôi dạy các con, cũng như làm tròn bổn phận chăm sóc cha mẹ chồng. Một mình người phụ nữ này vò võ chờ chồng, vượt bao khó khăn nuôi 4 con khôn lớn, cũng như phụng dưỡng cha mẹ bên nhà chồng được nhiều người dân xung quanh nể phục.

Bội bạc phũ phàng

Cũng theo cụ Hồng, từ năm 1975 đến 1989. ông Bào lấy lý do làm ăn tại TP.HCM nên thỉnh thoảng về thăm vợ con, và hứa sau này có nhà riêng sẽ đón gia đình vào TP.HCM.

Tuy nhiên, sau bao năm mỏi mòn chờ chồng, lao động vất vả nuôi các con khôn lớn đã khiến cụ Hồng lao lực, đến năm 1990 cụ Hồng phải vào TP.HCM sống với con gái Nguyễn Thị L tại phường Thảo Điền (quận 2).

TP.Hồ Chí Minh: Cụ bà 81 tuổi dài cổ chờ tòa án quận 8 xử án hôn nhân - Ảnh 2

Giấy triệu tập cụ Hồng đến Tòa án quận 8, TP.Hồ Chí Minh. 

Đến đầu năm 2015, cụ Hồng biết chính xác ông Bào sống chung với bà Nguyễn Kim Tr tại đường Hoàng Minh Đạo (phường 5, quận 8) và có với nhau 1 người con trai.

Hết sức đau buồn và phẫn nộ, vì tưởng một tay nuôi con, chăm sóc mẹ chồng thì được chồng yêu thương hơn. Nào ngờ chồng cụ lại có "phòng nhì", thậm chí còn có con riêng từ nhiều năm qua mà cụ Hồng không biết, cho dù trước đó đã từng có người đồn chuyện ông Bào có “vợ bé”, nhưng hồi đó cụ nào dám tin.

Đòi công lý không đòi... tình phí

Cố nén buồn đau, cụ Hồng làm đơn kiện ông Nguyễn Quốc Bào, yêu cầu chia căn nhà mà ông này và người "vợ bé" cùng đứng tên tại đường Hoàng Minh Đạo (phường 5, quận 8). Sau nhiều lần phường hòa giải không thành, vụ án được chuyển cho TAND quận 8 giải quyết.

TP.Hồ Chí Minh: Cụ bà 81 tuổi dài cổ chờ tòa án quận 8 xử án hôn nhân - Ảnh 3

Căn nhà là tài sản đang tranh chấp. 

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Cơ (Đoàn Luật sư TP.HCM) người tư vấn, trợ giúp luật miễn phí cho cụ Hồng: Các thủ tục như Định giá tài sản, án phí, lời khai của cụ Hồng đã hoàn tất. Cả 4 người con ủng hộ cụ Hồng. Tôi đã hướng dẫn cụ Hồng đề nghị tòa án huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) xác nhận ông Bào không có hồ sơ ly hôn tại đây, như ông nói. Hiện cụ Hồng đã đề nghị Chánh án TAND quận 8 xem xét, chỉ đạo thẩm phán Phạm Thị Kim xem xét đưa vụ án đã gần 2 năm ra xét xử.

Vụ kiện của cụ Đào Thị Hồng được giao thẩm phán Phạm Thị Kim thụ lý để tiến hành xét xử. Theo cụ Hồng cho biết, từ tháng 9/2015 khởi kiện đến nay đã gần 2 năm, nhưng vụ án vẫn chưa được xử, khiến cụ rất buồn, các thủ tục tại tòa cụ đã nhờ luật sư giúp, tư vấn miễn phí.

Giờ đây, cụ bà tóc bạc phơ phải tiếp tục chờ phiên tòa chia căn nhà mà ông Bào cùng người phụ nữ khác đứng tên và sống ở đó cùng con riêng.

Theo cụ Hồng thì "của chồng, công vợ", đến thời điểm này thì vợ chồng cụ Hồng vẫn chưa ly hôn, và là vợ nên Cụ có quyền được chia 1/4 trị giá căn nhà vì công lý, chứ không phải vì ân tình mà cụ đã phí hoài bao năm qua.

(Tên một số nhân vật đã được thay đổi)