Traveloka gia nhập thị trường gọi xe, cạnh tranh với các "ông lớn" Grab, GoTo

Với việc ra mắt tính năng QuickRide tại Indonesia, đây được cho là một phần trong kế hoạch trở thành nền tảng kỹ thuật số toàn diện của gã kỳ lân trị giá 3 tỷ USD có trụ sở tại Jakarta này.

Traveloka - công ty khởi nghiệp về du lịch trực tuyến lớn nhất ở Đông Nam Á -  vừa chính thức tiến vào lĩnh vực gọi xe khi tung ra tính năng QuickRide tại Indonesia.

Đây được cho là một phần trong kế hoạch trở thành nền tảng kỹ thuật số toàn diện của gã kỳ lân trị giá 3 tỷ USD có trụ sở tại Jakarta này. Với QuickRide, Traveloka đã thể hiện rõ tham vọng muốn dành thị phần từ miếng bánh của các "gã khổng lồ" công nghệ như GoTo, Grab và Shopee, đồng thời càng làm nóng thêm cuộc đua về siêu ứng dụng trong khu vực.

Cụ thể, với tính năng QuickRide, người dùng tại 16 thành phố của Indonesia có thể đặt xe taxi từ Bluebird - nhà cung cấp dịch vụ taxi địa phương có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.

Traveloka gia nhập thị trường gọi xe, cạnh tranh với các "ông lớn" Grab, GoTo - Ảnh 1

Ông Iko Putra, Giám đốc điều hành vận tải của Traveloka cho biết, công ty giới thiệu tính năng mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng đối với dịch vụ đặt xe trực tuyến. Song hiện Traveloka vẫn chưa có kế hoạch giới thiệu dịch vụ gọi xe ngoài taxi.

Theo Giám đốc Trung tâm kinh tế kỹ thuật số thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (Indef) Nailul Huda, Traveloka có thể phải sử dụng rất nhiều tiền để có thể cạnh tranh với GoTo và Grab. Bởi lẽ, điểm hạn chế của Traveloka là không thuộc bất kỳ hệ sinh thái siêu ứng dụng nào có đủ khả năng hỗ trợ các kế hoạch mở rộng mạnh mẽ như vậy.

Hiện chỉ có ba hệ sinh thái như vậy tại Indonesia là GoTo, Shopee, và Grab-Emtek-Bukalapak. Theo ông Nailul, có khả năng Traveloka sẽ tham gia một trong những hệ sinh thái siêu ứng dụng vì nếu không có chúng, công ty khởi nghiệp du lịch này "có thể sẽ thua cuộc" trong cuộc cạnh tranh dịch vụ gọi xe.

Trước đó, Traveloka đã ra mắt dịch vụ cho vay tín dụng thông qua Traveloka PayLater vào năm 2018 và giới thiệu dịch vụ giao đồ ăn qua Traveloka Eats vào cuối năm 2020.

Năm ngoái, Traveloka đã tăng gấp đôi lợi nhuận trong lĩnh vực công nghệ tài chính bằng cách tung ra thẻ tín dụng ảo hợp tác với ngân hàng Bank Negara Indonesia (BNI) và bằng cách giới thiệu tính năng đầu tư vàng hợp tác với hãng kinh doanh cầm đồ PT Pegadaian thuộc sở hữu của nhà nước.

Thời gian tới, Traveloka đang có kế hoạch huy động thêm vốn thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Indonesia hoặc Mỹ, mục tiêu đặt ra là đạt mức định giá 5-6 tỷ USD.

Tin Cùng Chuyên Mục