Trong cơn “nguy khốn”, Apple nói đến thị trường Việt Nam như "mỏ vàng"

Theo Thế Lâm/Lao Động

Giá cổ phiếu Apple trong ngày 14.1 cũng chỉ ở mức trên 152USD/cổ phiếu, nghĩa là so với thời đỉnh điểm cách đây vài tháng thì giá trị doanh nghiệp này vẫn đang bị bay biến hơn 300 tỉ USD. Tất cả nguyên nhân của cơn “nguy khốn” này đề do sụt giảm doanh số iPhone mà ra.

Sau Nhật, iPhone tiếp tục giảm giá tại Trung Quốc…

Nhật Bản được cho là thị trường Châu Á đầu tiên triển khai chương trình giảm giá iPhone XR thông qua sự trợ giá của nhà mạng đối với người dùng nhằm kích cầu.

Năm 2017, với iPhone X được ra mắt, là chiếc điện thoại đầu tiên cán mức giá 1.000USD (trên thực tế về đến các thị trường khác giá cao hơn rất nhiều, thậm chí từ 20% đến hơn 30%).

Tuy nhiên, mẫu máy kỉ niệm 10 năm được đón nhận không đến nỗi, chính vì vậy Apple càng dấn tới bằng cách tăng giá bán đối với các mẫu iPhone Xs và Xs Max ra mắt năm 2018. Cùng với đó, mẫu iPhone XR được xem là giá vừa phải dù không có sáng tạo gì, song cũng ở mức xấp xỉ 20 triệu đồng với bản rẻ nhất khi về đến Việt Nam.

Trong cơn suy giảm, không còn cách nào khác là tiếp tục giảm giá iPhone tại thị trường Trung Quốc. Khách hàng mua iPhone tại các đại lí Apple Premium Resellers được giảm đều khoảng 50USD/chiếc, riêng mẫu iPhone XR được giảm tới 66USD. Tuy nhiên, một số nhà bán lẻ như Suning còn giảm mạnh hơn, với iPhone XR bản 128GB giảm ở mức tương đương 4.000.000VNĐ/máy.

Trong cơn “nguy khốn”, Apple nói đến thị trường Việt Nam như

Sức mua iPhone 2018 tại một số thị trường sụt giảm mạnh. Ảnh: PK

Giá bán iPhone cả chục năm qua tại mỗi quốc gia rất khác nhau. Đơn cử như iPhone Xs Max bản 256GB, ở Mỹ giá 1.249USD, tại Trung Quốc giá lên đến khoảng 1.600USD, còn ở Việt Nam giá bán chính hãng tại các shop được ủy quyền chính thức của Apple ở mức 38 triệu đồng.

Hiện hai thị trường lớn nhất tại Châu Á mà Apple đang đau đầu trong việc tiêu thụ iPhone chính là Trung Quốc và Ấn Độ. Tại Trung Quốc, vì giá đắt đỏ và một phần nữa do ảnh hưởng chiến tranh thương mại Trung – Mỹ mà người tiêu dùng đang quay lưng dần với iPhone và chuyển sang hàng nội địa. Trong khi tại Ấn Độ, mức giá quá cao của iPhone khiến nó bị xem như loại điện thoại xa xỉ.

… và nhắc đến thị trường Việt Nam như “mỏ vàng”

Những ngày qua, “dư chấn” về sự sụt giảm sức mua iPhone đang lan rộng sang các quốc gia. Tuy nhiên, ngoài thị trường Mỹ được xem là “rường cột” đối với sự nghiệp kinh doanh của Apple sau khi sụt giảm tại Trung Quốc và thất bại tại thị trường Ấn Độ, Apple hướng đến thị trường khu vực Đông Nam Á như một kì vọng.

Trong cơn “nguy khốn”, Apple nói đến thị trường Việt Nam như

Giá cổ phiếu Apple đã hồi phục một chút sau thời điểm lao dốc mạnh ngày 4.1.2019.

Mới đây trong bức thư gửi cổ đông, Apple dù thừa nhận đang gặp nhiều khó khăn nhưng  vẫn tiếp tục kì vọng vào thị trường Mỹ, Canada, một số quốc gia Châu Âu và Hàn Quốc. Đặc biệt, Apple rất hy vọng vào các thị trường như Mexico, Ba Lan, Malaysia và Việt Nam.

Dù ở thị trường Việt Nam, mức giá iPhone luôn đắt đỏ so với các thương hiệu điện thoại khác và cũng là thị trường có mức giá iPhone đắt đỏ nhất, nhưng sản phẩm của “táo khuyết” luôn được tiêu thụ khá mạnh mẽ. Theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, từ quí II/2017 đến quí II/2018, thị phần của Apple tại Việt Nam đạt trên dưới 5%. Hiệu ứng tiêu cực vì giá iPhone đắt đỏ tới thời điểm này chưa thấy tác động rõ nét tới thị trường Việt Nam. Chính vì thế, thị trường Việt Nam được xem là một trong những “mỏ vàng” đối với Apple.

Tuy nhiên, trong làn sóng giảm giá iPhone đang nổi lên, người tiêu dùng tại các thị trường còn lại trong đó có Việt Nam cũng trông chờ được hưởng lợi. Nhiều chuyên gia chứng khoán trên thế giới đã góp tiếng nói vào việc khuyến cáo Apple nên xem xét lại chính sách giá iPhone của mình: Thứ nhất là định giá sai lầm vì ở mức quá cao. Thứ hai là iPhone giá ngày càng cao nhưng lại ngày càng kém các tính năng hấp dẫn người dùng.  

Tin Cùng Chuyên Mục