TS. Cấn Văn Lực: Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tín dụng theo quý chỉ là 'tạm thời'

Theo Nhà đầu tư

Trước thông tin "Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tín dụng theo quý cho từng ngân hàng" với lo ngại đây là biện pháp hành chính mới để Ngân hàng Nhà nước "siết" lại thị trường vốn, TS. Cấn Văn Lực cho biết, đây chỉ là biện pháp tạm thời khi cơ quan này chưa tính toán được chính xác con số tín dụng giao cả năm 2021.

Theo bản tin thị trường tiền tệ của Công ty chứng khoán SSI, hiện tại, một số ngân hàng cho biết đã được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng quý I/2021 từ 3-4% so với cuối năm 2020.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2020 đạt khoảng 12,13%, bứt tốc mạnh trong những tháng cuối năm. Tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngân hàng. Trong khi một số ngân hàng tăng trưởng cao trên 20% thì cũng có những nhà băng tăng chưa đến 10%.

Trước thông tin Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng quý I/2021 cho một số ngân hàng, nhiều giả định được đặt ra trên thị trường với lo ngại đây là một biện pháp hành chính mới để cơ quan quản lý kiểm soát dòng vốn chảy vào thị trường, đặc biệt vào lĩnh vực chứng khoán và bất động sản.

Trước thông tin trên, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV khẳng định, không phải trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ giao tín dụng từng quý cho các Ngân hàng Nhà nước. Đây chỉ là hành động mang tính tạm thời từ phía cơ quan quản lý khi cơ quan này chưa tính toán được hạn mức tín dụng cả năm 2021 như thế nào cho hợp lý.

 

Xem thêm


Ngân hàng Nhà nước yêu cầu không để ATM hết tiền dịp Tết

Chi tiết

"Theo trao đổi từ phía Ngân hàng Nhà nước thì không phải giao từng quý mà chỉ tạm giao cho quý 1/2020 và sau này tất nhiên vẫn sẽ giao hạn mức tín dụng cả năm", ông Lực nói.

Cùng với đó, ông Lực đề xuất cơ quan quản lý không nên dùng chỉ tiêu tín dụng để kiểm soát thị trường. Tăng trưởng tín dụng ngân hàng bao nhiêu phần trăm nên để cho các ngân hàng thương mại tự quyết định, vì đó là thị trường.

"Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước cần quản lý các ngân hàng bằng hệ số an toàn vốn CAR để kiểm soát được cả tử số [vốn tự có - PV] và mẫu số [tổng số của rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường - PV] chứ không phải quản lý bằng công cụ trực tiếp, hành chính như giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm. Cho đến thời điểm hiện tại cũng rất ít quốc gia trên thế giới còn sử dụng công cụ giao chỉ tiêu tín dụng để kiểm soát thị trường vốn như Việt Nam hiện nay", ông Lực nhấn mạnh.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục