TS Nguyễn Đức Thành: Giá điện Việt Nam tăng nhanh hơn mặt hàng khác

Theo Nam Anh/Người Đồng Hành

Ông Nguyễn Đức Thành cho rằng không nên điều chỉnh giá điện quá nhiều nhưng thay vì bất ngờ về cả con số và thời điểm thì mỗi năm nên có sự điều chỉnh tăng khoảng 3%.

Sau một năm "đứng yên", dự kiến giá điện tăng vào cuối tháng 3.

Trò chuyện với Người Đồng Hành, PGS TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR), chỉ ra phương án tăng giá điện thích hợp trong bối cảnh hiện nay và cách thức cải cách hơn nữa trong ngành điện.

Giá điện Việt Nam tăng tương đối nhanh

- Dự kiến trong cuối tháng 3, giá điện bán lẻ bình quân sẽ tăng 8,36% lên mức 1.864 đồng/kWh. Ông đánh giá mức giá này ra sao trong tương quan với giá cả các hàng hóa khác thời gian qua?

Thống kê lộ tình tăng giá điện trong vòng 10 năm qua của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy tính từ lần tăng giá tháng 3/2015 (ở mức 7,5%) đến nay, Việt Nam tăng giá điện 23,56% sau 4 năm. Từ cuối năm 2017 đến nay (sau 16 tháng), Việt Nam tăng giá điện 15%.

Theo đó, trung bình mỗi năm giá điện Việt Nam tăng khoảng 6%.

Trong khi đó, 4 năm qua, lạm phát của Việt Nam tương đối thấp, trong khoảng 2-3%. Như vậy, giá điện Việt Nam tăng tương đối nhanh, tăng nhanh hơn các mặt hàng khác.

Lần gần đây nhất, giá điện tăng vào tháng 12/2017. Có tuyên bố cả năm 2018 không tăng giá nhưng bất ngờ tới đầu tháng 3 lại có thông báo sẽ tăng giá điện 8,36%.

Giá điện tăng không có báo trước, tương đối bất thường cả về con số và thời điểm tạo rủi ro cho doanh nghiệp khi không có không có được sự chuẩn bị, chủ động trong kế hoạch kinh doanh.

Câu hỏi đặt ra tại sao lại tăng ở thời điểm này và mức độ như vậy? Tăng giá không sự báo trước, không có tính thị trường.

TS Nguyễn Đức Thành: Giá điện Việt Nam tăng nhanh hơn mặt hàng khác - Ảnh 1

 PGS TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR. Ảnh: VEPR.

- Ông thấy sao với ý kiến cho rằng giá điện của Việt Nam đang phần nhiều chịu sự điều chỉnh của mệnh lệnh hành chính?

- Rõ ràng có dấu hiệu can thiệp của khu vực quản lý Nhà nước. Bản thân EVN cũng vận hành với những tín hiệu không theo thị trường. Khi EVN điều chỉnh sẽ tạo thành rủi ro, cú sốc cho tất cả doanh nghiệp và người dân. Xáo trộn đến cho bản thân các doanh nghiệp ngành điện và cả các ngành khác. Điều hành này không mang tính thị trường.

Như đã phân tích ở trên, trong 4 năm gần đây, trung bình mỗi năm giá điện tăng khoảng 6%, cao hơn mức tăng giá chung của nền kinh tế. Giá điện đắt hơn giá các mặt hàng khác trong khi đây là nguồn năng lượng sản xuất. Điều này chính là nhân tố tạo hiệu ứng tăng giá lan tỏa. Thực tế, chính ngành điện cũng tính toán ảnh hưởng đến CPI, PPI, GDP trong ngắn hạn và thừa nhận điều này.

Đây là những điều không nên trong kinh tế thị trường. Theo quan điểm của tôi, tăng giá điện phải có lộ trình và thông báo trước.

- Vậy lộ trình ấy nên như thế nào?

- Giá điện rất quan trọng trong nền kinh tế, tất yếu phải tăng theo thời gian, khi lạm phát cũng tăng 2-3% mỗi năm.

Chúng ta có thể cam kết mức tăng và hình dung được mỗi năm sẽ tăng khoảng nhất định, tương tự cách ứng xử với tỷ giá.Ngành điện không nên điều chỉnh giá quá nhiều nhưng mỗi năm nên có sự điều chỉnh tăng khoảng 3%.Tuy nhiên cần có kế hoạch, lộ trình tăng cụ thể để người dân có sự chuẩn bị.

Nếu để tình trạng năm trước không tăng, năm sau phải tăng giá bù lên tới hơn 8% sẽ rất bất thường. Khôngcó cơ sở gì để người dân biết tại sao giá tăng như vậy. Tăng như vậy sẽ tạo sự nghi ngờ, không đồng thuận trong xã hội.

Vấn đề lớn nhất của ngành điện hiện nay là minh bạch. Đó mới là việc giúp cho sự cân bằng nền kinh tế.

Tạo lập thị trường bán lẻ điện

- Như ông nhắc đến minh bạch và tính thị trường trong ngành điện, yêu cầu này như thế nào?

- Đúng là ngành điện cần tăng tính thị trường hơn nữa, đặc biệt trong khâu phân phối, bán lẻ điện. Khâu truyền tải điện do Nhà nước quản lý, sản xuất điện hiện nay cũng bắt đầu có sự tham gia của khu vực tư nhân nhưng khâu phân phối, bán lẻ điện vẫn còn độc quyền của EVN. Trong khi đó, đây là khâu có thể tăng tính thị trường hơn nữa.

TS Nguyễn Đức Thành: Giá điện Việt Nam tăng nhanh hơn mặt hàng khác - Ảnh 2

Chuyên gia cho rằng ngành điện cần tăng tính thị trường hơn nữa. Ảnh: EVN.

Để cho người dân có giải pháp về điện tốt hơn phải cân nhắc tạo lập một thị trường có nhiều doanh nghiệp tham gia bán lẻ điện trước. Các doanh nghiệp có thể lấy điện cùng một nguồn nhưng cung cấp dịch vụ khác nhau.

Nhà bán lẻ nào ghi công tơ tốt, minh bạch đáng tin cậy, dịch vụ tốt hơn sẽ được lựa chọn. Thị trường bán lẻ điện có thể phát triển tương tự như mô hình phân phối bán lẻ của truyền hình cáp.

- Khi đó cách tính giá điện cho người dân sẽ thế nào?

- Giá điện đưa ra cho người thân sẽ tốt hơn, cạnh tranh hơn nhưng có thể sẽ phức tạp hơn. Các doanh nghiệp bán lẻ sẽ lấy điện từ cùng một nguồn lưới điện quốc gia nhưng tự tổ chức phân phối tới từng khách hàng.

Với một thị trường bán lẻ điện phát triển hơn, công nghệ đo đếm kiểm soát điện cũng sẽ được cải thiện. Khi đó, rất có thể giá điện sẽ được phân cấp theo từng khung giờ để điều tiết khả năng sử dụng điện, ví dụ như mức giá sẽ cao hơn trong giờ cao điểm.

Với thị trường bán lẻ phát triển, tính minh bạch trong khâu đo đếm điện năng cũng sẽ tăng lên. Nhà bán lẻ phải tìm cách giải trình thông tin sử dụng điện với khách hàng khác với việc hiện nay chỉ có một người của EVN đi đo và thông báo số điện. Rất có thể sẽ xuất hiện một ứng dụng trên điện thoại chuyên theo dõi quá trình sử dụng điện.

Để có được những cải cách, cần phải có niềm tin của người dân vào sự minh bạch của ngành điện.

- Xin cảm ơn ông!

Tin Cùng Chuyên Mục