Từ 1/6, Facebook thu thêm 5% phí quảng cáo để nộp thuế VAT ở Việt Nam

Như Quỳnh

Chính sách thu phí mới sẽ được Facebook áp dụng cho cả người dùng là doanh nghiệp lẫn cá nhân.

Cách đây không lâu, trang chủ Meta (công ty mẹ Facebook) đã có thông báo mới về chính sách thu phí quảng cáo đối với khách hàng ở Việt Nam như sau:

"Bắt đầu từ ngày 1 tháng 6 năm 2022, quảng cáo Facebook tại Việt Nam sẽ phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 5%. Quy định mới áp dụng cho các nhà quảng cáo đặt Việt Nam là quốc gia mục tiêu trên địa chỉ doanh nghiệp hoặc địa chỉ cá nhân của họ.

Hãy thêm mã số thuế Việt Nam của bạn trong mục Cài đặt thanh toán. Bạn không cần phải cung cấp mã số thuế Việt Nam để chạy quảng cáo với Facebook. Tuy nhiên, nếu bạn đã đăng ký VAT và cung cấp mã số thuế của mình, mã số thuế sẽ hiển thị trên biên lai quảng cáo của bạn. Điều này có thể giúp bạn thu hồi bất kỳ khoản thuế GTGT nào bạn đã nộp cho cơ quan thuế Việt Nam, theo hướng dẫn thêm của Tổng cục Thuế (GDT)...."

Toàn văn thông báo về vấn đề thuế VAT tại Việt Nam của Facebook. 
Toàn văn thông báo về vấn đề thuế VAT tại Việt Nam của Facebook. 

Theo thông báo mới, việc thu thuế VAT trên Facebook sẽ được áp dụng theo hai cách: thanh toán tự động và thanh toán thủ công.

Với tùy chọn đầu tiên, mức thuế 5% sẽ được tính trước khi quảng cáo thực hiện. Người dùng sẽ phải trả thêm tiền cho một chiến dịch quảng cáo trên Facebook. Với cách thanh toán còn lại, thuế VAT được tính dựa trên tỷ giá thực tế, tùy vào số dư trong tài khoản của nhà quảng cáo. 

Được biết trước khi nộp thuế VAT, Facebook thu phí chuyển đổi ngoại tệ khoảng 1-3% đối với các khách hàng thực hiện giao dịch bằng VND. 

Hồi tháng 4, đại diện Meta đã họp với Tổng cục Thuế Việt Nam để nắm rõ quy trình đăng ký, kê khai và nộp thuế đối với công ty nước ngoài hoạt động ở nước ta.

Trước đó vào ngày 16/3, trong phiên chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ngân sách thu gần 5.000 tỷ đồng tiền thuế từ các doanh nghiệp kinh doanh trên internet.

Ông Phớc nêu ví dụ Facebook nộp 1.694 tỉ đồng, Google khoảng 1.618 tỉ đồng, Micrsoft gần 576 tỉ đồng và thu từ thương mại xuyên biên giới 1.317,7 tỉ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục