Từ cựu nhân viên Alibaba thành chủ startup gọi xe lớn nhất Trung Quốc

Theo Nguyễn Duy/Zing

Được nhận xét là người có tư duy chiến lược sắc bén, Cheng Wei đứng sau startup đã hất cẳng Uber khỏi thị trường Trung Quốc.

Cheng Wei được biết đến là người đứng sau startup gọi xe đánh bại Uber tại Trung Quốc, với ứng dụng gọi xe lớn nhất Trung Quốc - Didi Chuxing Technology Co. Doanh nhân sinh năm 1983 này khá kín tiếng về cuộc sống riêng tư.

Từ nhân viên sales và gần một thập kỷ tại Alibaba

Từ cựu nhân viên Alibaba thành chủ startup gọi xe lớn nhất Trung Quốc - Ảnh 1
Cheng Wei tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức ở Đại Liên, Trung Quốc vào tháng 9/2015. Ảnh: Reuters.

Cheng sinh ra tại một thị trấn nhỏ ở Giang Tây, Trung Quốc và từng theo học Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp, anh làm việc cho một công ty chăm sóc sức khoẻ, rồi chuyển sang làm trợ lý giám đốc một công ty massage chân.

Tuy nhiên, khoảng một năm sau đó, do không hài lòng với công việc, Cheng chuyển sang làm nhân viên bán hàng cho Alibaba. Chỉ trong 8 năm, Cheng trở thành quản lý bán hàng khu vực phía bắc Trung Quốc của Alibaba, kế đó là phó giám đốc công ty thanh toán trực tuyến Alipay.

Sau gần một thập kỷ làm việc tại Alibaba, Cheng quyết định rời công ty này để khởi nghiệp. Năm 2012, Cheng thành lập công ty Beijing Orange Technology và ra mắt ứng dụng gọi taxi Didi Dache tại khu phức hợp Trung Quan Thôn, Bắc Kinh - còn được biết đến "thung lũng Silicon" của Trung Quốc.

Tới năm 2015, Didi sáp nhập với đối thủ nội địa lớn nhất của mình là Kuaidi trong thương vụ trị giá 6 tỷ USD và đổi tên thành Didi Chuxing, tạo nên công ty gọi xe lớn nhất tại Trung Quốc.

"Kỳ lân" lấy cảm hứng từ Uber

Từ cựu nhân viên Alibaba thành chủ startup gọi xe lớn nhất Trung Quốc - Ảnh 2
Ảnh: WSJ.

Tính tới cuối tháng 6/2015, Didi nắm giữ 80% thị phần gọi xe tại Trung Quốc tính theo số lượt gọi xe, trong khi đó Uber chỉ chiếm 15%. Tới năm 2016, Uber chính thức bị “hất cẳng” khỏi Trung Quốc sau thương vụ bán mình cho đối thủ nội địa. Didi nổi lên là một trong những startup kỳ lân (được định giá hơn 1 tỷ USD) hàng đầu tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, Cheng từng không tin tưởng vào thành công lớn của Didi. Trong một bài đăng tải trên blog sau khi thành lập Didi vào mùa hè năm 2012, Cheng chia sẻ nhận định về cơ hội thành công của startup này.

“Khả năng thành công của các doanh nhân khởi nghiệp là cực kỳ nhỏ, trong khi thất bại là điều khó tránh khỏi”, Cheng viết.

Cheng dẫn chứng số liệu về thời gian tồn tại trung bình của các startup tại Trung Quốc vào năm 2004 là 3,7 năm, và con số này giảm xuống còn 2,9 năm vào năm 2011. Anh kết luận rằng một startup muốn có cơ hội thành công cần phải nắm bắt những làn sóng công nghiệp đang lên như cách hãng sản xuất smartphone Xiaomi đã làm.

Trong một chuyến đi thực địa vào năm 2015, Cheng cho biết Didi được thành lập với cảm hứng từ Uber. Tuy nhiên, anh cho rằng “Didi và Uber không bao giờ là cùng một kiểu công ty”.

“Didi không muốn bị gọi là ‘Uber Trung Quốc’. Chúng tôi kết nối 80% ôtô cho thuê tại Trung Quốc, còn Uber thì không”, Cheng nói.

Trong vòng gọi vốn gần đây nhất, Didi được định giá 56 tỷ USD và được cho là đang chuẩn bị chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2019 với định giá mục tiêu 80 tỷ USD. Hiện tại, để theo kịp xu thế, Didi đang nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để tối ưu hoá hiệu quả hoạt động, phát triển ôtô tự lái.

Doanh nhân của năm với cái đầu lạnh

Từ cựu nhân viên Alibaba thành chủ startup gọi xe lớn nhất Trung Quốc - Ảnh 3
Cheng được Forbes Asia chọn là doanh nhân của năm 2016. Ảnh: Forbes.

Theo nhận xét của các nhà đầu tư và nhân viên Didi, Cheng là người có cái đầu lạnh cùng tư duy chiến lược sắc bén. Đây được cho là những yếu tố giúp Didi đánh bại được Uber tại Trung Quốc.

Cheng thường chia sẻ trên blog về chiến lược quản lý với liên tưởng tới kỷ cương quân đội. “Chỉ đào tạo sẽ không giúp nhân viên trưởng thành. Các tướng quân chỉ có thể được tạo ra trên chiến trường, chứ không phải trong các trường quân đội”, Cheng viết vào năm 2010.

Anh đăng tải nhiều nguyên tắc về quản lý bán hàng, như: “công việc của một quản lý bán hàng là xây dựng môi trường nơi những nhân viên bán hàng ‘buộc phải thành công’”. Cheng cũng thường đăng lại nhiều bài phát biểu của các lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng như người đồng sáng lập Alibaba Jack Ma, Robin Li của Baidu hay Bill Gates của Microsoft.

Cheng có thói quen đọc sách. Năm 2011, anh từng chia sẻ rằng đang tận hưởng “kỳ nghỉ lớn duy nhất vài năm nay” bằng việc ở nhà cùng gia đình và truyện dài kỳ của một tác giả Trung Quốc. Cheng cho biết anh thường suy ngẫm về hạnh phúc khi đi bộ tới chỗ làm mỗi buổi sáng.

“Điều quan trọng nhất trên thế giới không phải là đạt được điều gì đó, mà là cho bạn bè và gia đình một bờ vai để dựa vào khi trái tim họ bị tổn thương”, anh viết.

Một điều thú vị là dù điều hành một công ty gọi xe nhưng Cheng không lái xe. Điều này chứng tỏ rằng một người không cần phải là chuyên gia trong lĩnh vực họ khởi nghiệp mà chỉ cần giải quyết được vấn đề mà mọi người sẵn sàng trả tiền để được hưởng. Ngoài ra, việc không có ôtô riêng đồng nghĩa rằng Cheng là một khách hàng lý tưởng của Didi - một người trẻ, sành công nghệ cần di chuyển từ nơi này tới nơi khác.

Cheng hiện sở hữu tài sản 1,2 tỷ USD. Anh được Forbes Asia bình chọn là doanh nhân của năm 2016. Năm 2017, anh cũng nằm trong danh sách những nhân vật tạo đột phá trên toàn cầu (Global Games Changers) của tạp chí Forbes.

Tin Cùng Chuyên Mục