Từ giảng viên hoá học trở thành nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc nhờ sở hữu loại nước giặt "bá chủ" thị trường nội địa

Thu Hằng

Khởi đầu từ vị trí một giảng viên nghèo tại trường đại học Trung Quốc, bà Pan Dong và chồng thành lập tập đoàn Blue Moon vào năm 1994 và "chèo lái" con thuyền đó đi đến thành công rực rỡ, được xưng tụng là "P&G Trung Quốc"

Nữ tỷ phú 55 tuổi, bà Pan Dong là chủ tịch của Blue Moon Group Holdings Ltd.’, nhà sản xuất nước giặt hàng đầu Trung Quốc, vượt qua cả những "ông lớn" quốc tế như Unilever và P&G tại thị trường này. 

Theo Bloomberg, đầu tháng 12 vừa qua, tập đoàn Blue Moon đã huy động được 1,3 tỷ USD trong đợt IPO lần đầu tiên tại Hong Kong. Ngay ngày đầu tiên giao dịch, cổ phiếu Blue Moon đã tăng 13%, nâng tổng số tài sản của bà Pan chạm mốc 8,6 tỷ USD với 77% cổ phần của tập đoàn. 

Sản phẩm của Blue Moon thống trị thị trường Trung Quốc, vượt mặt cả các ông lớn đa quốc gia
Sản phẩm của Blue Moon thống trị thị trường Trung Quốc, vượt mặt cả các ông lớn đa quốc gia

Từ thạc sĩ hoá học về sản xuất nước giặt

Bà Pan tốt nghiệp Đại học Vũ Hán với tấm bằng thạc sĩ hóa học hữu cơ vào năm 1987 và trở thành giảng viên tại một trường đại học của Trung Quốc. Nữ tỷ phú 55 tuổi bắt đầu đồng hành với Blue Moon vào năm 1994, hai năm sau khi công ty cho ra mắt sản phẩm nước giặt đầu tiên. 

Vào khoảng năm 2010, bà Pan và chồng đã gọi điện cho Zhang Lei, người đứng đầu quỹ đầu tư Hillhouse Capital để trao đổi về việc họ đã phát triển thành công loại nước giặt đầu tiên của Trung Quốc với doanh thu ổn định, tuy nhiên mới chỉ ở quy mô nhỏ. Sau khi nghe vợ chồng bà Pan đưa ra kế hoạch của mình, ngay lập tức, Zang đã quyết định để Hillhouse trở thành nhà đầu tư bên ngoài đầu tiên của Blue Moon.

Mặc dù cũng có những khoảng thời gian dài, Blue Moon phải chịu lỗ do chi phí phát triển sản phẩm cao và thị trường ngày càng cạnh tranh nhưng nhờ sự kiên trì và định hướng đúng, công ty dần có lãi trở lại. Các sản phẩm hiện tại của Blue Moon gồm: bột giặt, nước giặt xả, sản phẩm vệ sinh cá nhân và chăm sóc nhà cửa.

Bà Pan đã mua lại cổ phần từ người sáng lập - ông Luo Qiuping - chồng của bà - và cha của ông để khai thác tốt hơn kiến thức quản lý và công nghệ của mình. Đồng thời, việc Blue Moon thuộc sở hữu của bà cũng giúp công ty hưởng lợi từ các chính sách thuế và đầu tư nước ngoài do bà Pan có 2 quốc tịch Canada và Hong Kong.

Bùng nổ giữa đại dịch, vượt mặt cả tập đoàn đa quốc gia

Được ví như “P&G của Trung Quốc" (P&G là tập đoàn hàng tiêu dùng đa quốc gia của Mỹ nằm trong danh sách Fortune 500), doanh thu của Blue Moon đã tăng lên 7 tỷ HKD (909 triệu USD) vào năm 2019. 

Covid-19 dường như không ảnh hưởng quá nhiều đến tình hình kinh doanh của Blue Moon
Covid-19 dường như không ảnh hưởng quá nhiều đến tình hình kinh doanh của Blue Moon

Đặc biệt, năm 2020 lại trở thành cú hích khiến “P&G Trung Quốc” bùng nổ. Chính đại dịch Covid-19 đã khiến người dân đổ xô đi mua các sản phẩm làm sạch và khử trùng. Mặc dù nhiều cửa hàng phải đóng cửa nhưng lợi nhuận của công ty vẫn tăng 39% trong 6 tháng đầu năm 2020, trong đó gần 60% doanh thu đến từ các kênh trực tuyến.

Theo Bloomberg, Hillhouse Capital đã đầu tư vào Blue Moon tổng cộng 46 triệu USD qua hai vòng gọi vốn. Số cổ phần của Hillhouse tại Blue Moon hiện có giá trị 960 triệu USD, tính đến thời điểm chốt phiên trong ngày giao dịch đầu tiên, lợi nhuận tăng gần 21 lần. 

Ngay khi Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia đầu tiên kiểm soát được sự bùng phát của đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư càng có xu hướng ưa chuộng cổ phiếu của những doanh nghiệp thuộc ngành tiêu dùng của nước này. Trong đợt IPO vừa qua, cổ phiếu của Blue Moon đã được đăng ký mua quá mức hơn 300 lần.

Ngoài Blue Moon, nhiều công ty khác trong lĩnh vực tiêu dùng cũng báo cáo kết quả kinh doanh khả quan. Cổ phiếu của nhà sản xuất nước đóng chai Nongfu Spring Co. tăng hơn gấp đôi kể từ đợt IPO vào tháng 9 vừa qua, trong khi cổ phiếu của JD Health International Inc. (công ty bán thuốc trực tuyến) cũng tăng hơn 55% trong ngày giao dịch đầu tiên vào đầu tháng này.

Tin Cùng Chuyên Mục