Từ Sài Gòn tới Paris: Đại gia Việt ghi dấu ấn bản đồ toàn cầu

Theo Nam Hải/Vietnamnet

Xây công trình cao thứ 10 thế giới, ra mắt thương hiệu xe Việt ở Paris, sân bay tư nhân đầu tiên đi vào hoạt động... năm 2018 đánh dấu sự thành công của nhiều đại gia Việt trong tham vọng ghi danh thương hiệu nước nhà trên bản đồ quốc tế, với một niềm kiêu hãnh: Việt Nam đủ lực và đủ tầm.

Người Việt làm công trình cao thứ 10 thế giới

Nếu Dubai có Burj Khalifa, Malaysia có tháp đôi Petronas, Singapore có Marina Bay Sand, thì nay Việt Nam được bạn bè quốc tế nhắc đến với tòa Landmark 81 cao 461,2m - top 10 tòa nhà cao nhất thế giới. Đây là công trình phức hợp có tổng diện tích sàn xây dựng lên tới 115.000 m2 và 90.000 m2 diện tích hầm.

Lấy cảm hứng từ bụi tre - hình ảnh vươn mình mạnh mẽ thể hiện sức mạnh đoàn kết, lòng tự tôn dân tộc và sức mạnh kinh tế, chính trị trong thời đại hội nhập, Landmark 81 được xem là siêu dự án do chính tay người Việt Nam xây dựng. Dự án phức hợp này bao gồm một khách sạn năm sao, các căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại và nhiều tiện ích khác.

Từ Sài Gòn tới Paris: Đại gia Việt ghi dấu ấn bản đồ toàn cầu - Ảnh 1

 Tòa nhà mang biểu tượng Việt

Theo các chuyên gia đô thị, câu chuyện của Landmark 81 không chỉ đơn thuần là câu chuyện về một tòa nhà chọc trời. Ẩn chứa sau đó là một dấu mốc đẹp đẽ về một thời kỳ mới của kinh tế Việt Nam, phồn vinh, hưng thịnh. Đồng thời, đó cũng là biểu tượng của giấc mơ về một thời kỳ sẵn sàng vươn ra biển lớn của nhiều chủ đầu tư trong nước.

Thương hiệu ôtô Việt đầu tiên ra thế giới

Cùng niềm tự hào về người Việt, Vinfast là thương hiệu xe Việt đầu tiên có sự xuất hiện tại triển lãm Paris Motor Show 2018. Giấc mơ ôtô thương hiệu của người Việt đã trở thành hiện thực với sản phẩm đầu tiên trình làng tại châu Âu. Đó là điều ý nghĩa và tự hào không chỉ với ngành công nghiệp ôtô, mà của cả nền kinh tế.

VinFast ra đời giữa bối cảnh hàng chục năm “loay hoay” của ngành công nghiệp ôtô trong nước. Hai mẫu xe được phát triển dựa trên thiết kế ItalDesign đã được người tiêu dùng Việt Nam bình chọn nhiều nhất. Đặc biệt, VinFast đã mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BMW để phát triển các dòng xe này.

Theo kế hoạch, VinFast sẽ ra mắt xe máy điện vào cuối năm 2018; hai mẫu ôtô động cơ đốt trong dòng Sedan 5 chỗ ngồi và SUV 7 chỗ ngồi vào quý II/2019; một mẫu ôtô điện, một mẫu ôtô động cơ đốt trong cỡ nhỏ và xe buýt điện vào cuối năm 2019.

Từ Sài Gòn tới Paris: Đại gia Việt ghi dấu ấn bản đồ toàn cầu - Ảnh 2

 Xe Việt ra thế giới

Đánh giá cao những nỗ lực của hãng xe đầu tiên mang thương hiệu Việt trong quá trình tạo dựng và ra mắt xe, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc VinFast ra mắt xe và kết hợp với VCCI phát động phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam" là rất quan trọng với nền kinh tế tự cường trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

"Chúng ta hiểu sâu sắc rằng xây dựng được những thương hiệu mạnh chính là phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc và xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.

Sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chính thức khánh thành, có chuyến bay thương mại đầu tiên Vân Đồn - TP.HCM. Khởi công từ tháng 3/2016, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT, vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, sân bay này do chính doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vận hành, khai thác, thay vì trực thuộc sự quản lý của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Đây là điểm khác biệt của sân bay Vân Đồn với 21 sân bay đang hoạt động trong cả nước.

Giai đoạn hiện tại, khu bay ngoài đường băng sẽ có sân quay đầu, đường lăn nối với sân đỗ và đường lăn thoát nhanh, nhà ga có công suất 2,5 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hoá/năm với hai khu vực quốc tế, nội địa riêng biệt, khu vực phòng chờ, nơi làm thủ tục, vị trí đỗ tối thiểu được 4 máy bay.

Từ Sài Gòn tới Paris: Đại gia Việt ghi dấu ấn bản đồ toàn cầu - Ảnh 3

 Sân bay tư nhân đầu tiên

Đến năm 2030, sẽ hoàn thành đường lăn song song với đường băng, hoàn chỉnh đơn nguyên còn lại của nhà ga, nâng công suất lên 5 triệu hành khách/năm, vị trí đỗ tối thiểu lên 12 máy bay,...

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là minh chứng sinh động cho sự thành công của chủ trương huy động nguồn vốn tư nhân để phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông. Sự thành công này là cú hích quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục kêu gọi, huy động được nguồn lực đầu tư lớn nhằm phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Thêm hãng hàng không cất cánh

Hãng hàng không Bamboo Airways của Tập đoàn FLC đã cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên mang mã số QH202 từ Sài Gòn đi Hà Nội ngày 16/1. Như vậy, hãng bay Bamboo Airways chính thức đi vào hoạt động sẽ tạo thêm sản phẩm mới, thị trường mới, nâng cao tính cạnh tranh của thị trường và tăng lựa chọn cho hành khách, đồng thời phù hợp với quy hoạch doanh nghiệp hàng không đã được Thủ tướng phê duyệt.

Theo kế hoạch, Bamboo Airways dự kiến sẽ khai thác 37 đường bay kết nối tất cả thành phố lớn và điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế trong năm 2019. 

Từ Sài Gòn tới Paris: Đại gia Việt ghi dấu ấn bản đồ toàn cầu - Ảnh 4

 Thêm hãng hàng không cất cánh

Với mô hình lai giữa hàng không truyền thống và hàng không giá hợp lý, cùng nhiều dịch vụ độc đáo liên quan tới du lịch, Bamboo Airways đang hướng tới mục tiêu xây dựng một hãng hàng không tiêu chuẩn 5 sao, góp phần cải tiến dịch vụ hàng không, đồng thời đáp ứng nhu cầu di chuyển đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam - một trong những thị trường hàng không có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay.

Cùng với hãng hàng không Bamboo Airways, FLC kỳ vọng sẽ giúp cho du lịch nhiều địa phương nói riêng và du lịch Việt Nam thêm cất cánh.

Smartphone Việt chờ cú hích mới

Sau một loạt các thương hiệu điện thoại Việt không mấy thành công, Vsmart được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện trên thị trường smartphone Việt từ chất lượng, giá cả đến công nghệ. Theo kế hoạch, VinSmart sẽ sản xuất trên 10 mẫu điện thoại với đa dạng chủng loại vào năm 2019. Công xuất dự kiến là 5 triệu sản phẩm/năm.

Điện thoại thông minh Vsmart được sản xuất tại Nhà máy sản xuất điện thoại Vsmart, thuộc Tổ hợp VinFast, Cát Hải, Hải Phòng, sau chưa đầy 6 tháng Vingroup công bố thành lập Công ty VinSmart và gia nhập lĩnh vực sản xuất điện thoại di động. Sắp tới nhà máy Vsmart còn sản xuất các sản phẩm điện tử thông minh như SmartHome, SmartTV, điều hòa, tủ lạnh thông minh,... trong quý 2/2019 để bổ sung vào hệ sinh thái sản phẩm thông minh Vsmart.

Ngoài ra, sau lễ ra mắt hoành tráng, chiếc Bphone 3 của Tập đoàn công nghệ Bkav được chính thức bán ra ngày 19/10. Trước đó, người ta lo ngại CEO của Bkav Nguyễn Tử Quảng có thể lại "nổ" như những lần ra mắt Bphone 1 và 2 (Bphone 1 năm 2015 và Bphone 2 năm 2017), song Bphone 3 khiến những người tham dự, thậm chí cả cộng đồng Bfan ngỡ ngàng, khi khác với 2 người anh em tiền nhiệm. 

Nhiều người cho rằng, nếu Bphone 3 vẫn duy trì chất lượng tốt như Bphone 2 và có mức giá hướng tới đại chúng, sản phẩm "made in Việt Nam" này chắc chắn sẽ được ủng hộ.

Tin Cùng Chuyên Mục