Từ Thế giới Di động đến FPT Shop: Doanh nghiệp lao đao vì hacker

Theo Phạm Dung/Lao Động

Liên tiếp các vụ việc hacker tuyên bố sở hữu thông tin khách hàng của các doanh nghiệp đã khiến cho các đơn vị này rơi vào tình trạng khốn đốn.

Lao đao vì hacker 

Mới đây, trên diễn đàn RaidForums lại xuất hiện thông tin FPT Shop bị lộ thông tin khách hàng. Theo đó, một nickname đã công bố dữ liệu bao gồm hình ảnh chụp thông tin mua hàng tại các cửa hàng FPT Shop của một số doanh nghiệp và cá nhân. Các tài liệu này đều ghi đầy đủ tên tuổi, địa chỉ và cả số chứng minh nhân dân của khách hàng.

Thậm chí hacker này còn sẵn sàng giao dịch với ai muốn trao đổi hàng hóa hoặc bán với giá tốt.

Từ Thế giới Di động đến FPT Shop: Doanh nghiệp lao đao vì hacker - Ảnh 1

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, đoàn Luật sư TP Hà Nội việc xử lý các đối tượng có hành vi ăn cắp, mua bán thông tin của khách hàng là không hề đơn giản. Thông tin của khách hàng luôn phải đối mặt với nguy cơ bị lộ và bị rao bán nếu cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp bị tấn công.

Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn được phép lưu trữ thông tin của khách hàng, trong đó bao gồm những thông tin cơ bản như tên, số điện thoại, địa chỉ mail…

Tuy nhiên đối với một số trang thương mại điện tử thì trước khi đưa vào sử dụng phải được sự đồng ý của Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ Công thương yêu cầu phải có chứng minh cơ sở dữ liệu của đơn vị đó đảm bảo an toàn.

“Trong trường hợp để lộ, lọt thông tin khách hàng, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm với khách hàng về sự cố này”, LS Truyền cho biết.

Doanh nghiệp thiệt hại nặng nề

Theo một số chuyên gia công nghệ, những thông tin được hacker cung cấp chưa đủ cơ sở để thấy đó là những thông tin khách hàng đã bị đánh cắp.

Trước FPT Shop, một hacker khác trên diễn đàn này đã tung ra hơn 5,4 triệu email và 31.000 bản ghi lịch sử giao dịch của những người dùng được cho là khách hàng, nhân viên của Thế giới Di động.

Ngay sau đó, Thế giới Di động đã bác bỏ thông tin trên. Đại diện của đơn vị này khẳng định không hề lưu giữ thông tin khách hàng nên không có chuyện lộ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Cường - Trưởng ban điều hành diễn đàn an ninh mạng Whitehat.vn cho biết, qua phân tích thì kết quả chứng minh dữ liệu hacker tung ra không phải của Thế giới Di động. Có thể việc hacker tung thông tin 5 triệu khách hàng của Thế giới di động lộ thông tin tài khoản ngân hàng là giả mạo.

Dù đã xác định thông tin không chính xác thế nhưng Thế giới Di động vẫn phải chịu thiệt hại nặng nề từ những tin đồn thất thiệt.

Phiên sáng ngày 8.11, cổ phiếu của Thế Giới Di Động (mã MWG) trên sàn chứng khoán TP.HCM – HOSE đã giảm giá khá mạnh sau tin đồn bị lộ thông tin 31.000 giao dịch thẻ ngân hàng của khách hàng.

Chốt lại phiên sáng, giá cổ phiếu MWG giảm 1.500 đồng, tương đương 1,33%, xuống còn 110.500 đồng/cổ phiếu.

Tin Cùng Chuyên Mục