Từ vụ việc homestay Đà Lạt cháy lớn, đi tìm lời giải cho cơ chế pháp lý trong kinh doanh homestay

Việt Hưng

Cho thuê nhà thì dễ, nhưng để kinh doanh homestay thì không thể bỏ qua giấy phép phòng cháy chữa cháy và an ninh trật tự

Trong những ngày gần đây, homestay The Wilder-nest Đà Lạt cháy lớn đang là thông tin gây xôn xao ở khắp các diễn đàn du lịch lớn nhỏ tại Việt Nam. Sự việc không chỉ khiến nhiều du khách quan ngại về tính an toàn mỗi khi thuê homestay, mà còn khiến nhiều chủ đầu tư gấp rút hoàn thiện các điều kiện pháp lý khi vận hành mô hình này.

Giải đáp những thắc mắc này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Xuân Hùng - Giám đốc Pháp chế tại Công ty TNHH Luxstay Việt Nam. Luxstay là công ty đi đầu trong việc xây dựng nền tảng chia sẻ căn hộ (home-sharing) tại Việt Nam. Đầu năm 2019, công ty này đã nhận được 3 triệu USD vốn đầu tư tới từ các nhà đầu tư quốc tế, tăng trưởng nóng lên tới trên 10.000 căn hộ listing, phục vụ trên 20.000 đơn đặt phòng mỗi tháng.

Từ vụ việc homestay Đà Lạt cháy lớn, đi tìm lời giải cho cơ chế pháp lý trong kinh doanh homestay - Ảnh 1

Theo quan điểm của Ông Trần Xuân Hùng - Giám đốc Pháp Chế tại Luxstay, để mô hình kinh doanh homestay vận hành trơn tru, chủ đầu tư cần tuân thủ điều kiện cần và đủ trong nhiều vấn đề, đặc biệt phải kể tới giấy phép an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy. 

Còn tồn tại nhiều rào cản trong tuân thủ pháp lý

Đề cập tới vụ việc homestay lớn nhất Đà Lạt cháy lớn, ông Trần Xuân Hùng chia sẻ rằng hiện nay nhiều chủ đầu tư muốn tuân thủ pháp luật về hoạt động kinh doanh nhưng mới chỉ tuân thủ điều kiện cần, cụ thể là đăng ký kinh doanh hộ cá thể với ngành nghề kinh doanh lưu trú ngắn hạn. Tuy nhiên các điều kiện đủ như: An ninh trật tự, Phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì người kinh doanh lại chưa quan tâm ngay.

Từ vụ việc homestay Đà Lạt cháy lớn, đi tìm lời giải cho cơ chế pháp lý trong kinh doanh homestay - Ảnh 2

Hình ảnh homestay tại Đà Lạt cháy lớn đang gây xôn xao mạng xã hội trong những ngày gần đây. 

Pháp lý trong ngành dịch vụ lưu trú hiện nay ở nước ta được điều chỉnh bởi nhiều loại văn bản, có thể kể đến: Luật Doanh Nghiệp, Luật Du lịch 2017, các quy định về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy... và mỗi thủ tục pháp lý đều được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước khác nhau. Vì vậy để tuân thủ một cách trọn vẹn các điều kiện cần và đủ khi kinh doanh homestay, các chủ nhà, chủ cơ sở lưu trú phải làm việc với nhiều cơ quan như UBND, cơ quan công an, Sở du lịch...

Trong khi đó, không phải chủ nhà nào cũng có đủ kiến thức, thời gian,.. để xin cấp phép và đăng ký đầy đủ. Việc gặp nhiều rắc rối khi kinh doanh homestay cũng khiến nhiều người dè chừng bởi nhiều chủ nhà chỉ xác định việc kinh doanh homestay là nghề "tay trái", kiếm thêm để gia tăng thu nhập, hoạt động một, hai mùa trong năm.

Mặc dù người chủ sở hữu căn nhà và người kinh doanh đều hiểu được một số rủi ro khi khi tham gia mô hình này nhưng họ đều chấp nhận tham gia thị trường. “Qua đó có thể thấy rằng nhu cầu tuân thủ pháp luật của một số chủ nhà mới chỉ dừng lại ở mức độ "đối phó" mà chưa thực sự hiểu rằng việc đăng ký, hoàn thiện các hồ sơ pháp lý theo quy định là một trong những biện pháp bảo vệ tốt nhất cho hoạt động kinh doanh của mình.” - ông Hùng chia sẻ.

Đi tìm lời giải cho cơ chế pháp lý

Trên thực tế, hiện chính phủ đã thành lập hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh nhưng cái khó nhất là để pháp luật đi vào đời sống. Ông Hùng bày tỏ: “Phải chăng chúng ta nên đề xuất một cơ chế, liên thông để các cơ quan nhà nước liên thông, cấp chung một giấy phép, một hướng dẫn cho loại hình kinh doanh như vậy. Một là để tiết kiệm thời gian cho công dân, người kinh doanh, giảm chi phí công ,chi phí xã hội. Hai là tối ưu hóa hiệu quả từ hoạt động kinh doanh cho người kinh doanh.”

Ông Hùng kỳ vọng trong tương lai Nhà nước sẽ có cơ chế đăng ký trực tuyến một cửa liên thông để triển khai đúng quy định của Pháp Luật, đồng thời mở rộng những khóa học miễn phí về cơ sở lưu trú để nâng tầm dịch vụ homestay Việt Nam một cách đồng bộ trong mắt bạn bè quốc tế.

Được biết, trong tháng 2/2018 Luxstay đã triển khai chương trình Đại sứ Luxstay khu vực, mở đầu tại Đà Lạt. Thông qua chương trình, các chủ kinh doanh homestay sẽ được đào tạo kiến thức pháp luật về ngành kinh doanh homestay, giao lưu kết nối, trở thành diễn giả, viết bài truyền cảm hứng… nhằm nâng cao chuyên môn trong việc kinh doanh homestay, đảm bảo các yêu cầu về PCCC, an ninh trật tự. Chủ homestay cũng có cơ hội nhận tới 23 triệu VND ngay chính từ công việc kinh doanh hiện tại khi tham gia chương trình Đại sứ Luxstay. 

Từ vụ việc homestay Đà Lạt cháy lớn, đi tìm lời giải cho cơ chế pháp lý trong kinh doanh homestay - Ảnh 3

Buổi tọa đàm “Tân hoạch niên gia” giữa Luxstay và các chủ đầu tư homestay diễn ra vào 2/3/2019 nhằm bàn luận về các giải pháp kinh doanh khi vận hành mô hình lưu trú, trong đó có việc đăng ký giấy phép phòng cháy chữa cháy và an ninh trật tự. 

Không chỉ tổ chức chương trình giúp các chủ nhà nâng cao hiểu biết về pháp luật, nền tảng Luxstay còn cung cấp các giải pháp tư vấn hoàn thiện hồ sơ pháp lý kinh doanh thông qua việc kết nối các chủ nhà, khách hàng với các Luật Sư độc quyền, hãng luật liên kết. Việc này không đơn giản là giúp các chủ nhà hoàn thiện giấy tờ pháp lý mà còn giúp giáo dục, truyền đạt ý thức pháp luật, tuân thủ các biện pháp bảo vệ cho du khách và chủ nhà.

Thông qua những chính sách này, ông Hùng nhận định: “Luxstay luôn định vị mình là một platform công nghệ giúp kết nối chủ nhà và khách hàng đồng thời là đầu mối giúp mỗi bên hoàn thiện giá trị cốt lõi của mình. Khách hàng sẽ luôn nhớ tới Luxstay bởi tính "khắt khe" của sự chuyên nghiệp nhưng cũng đầy cởi mở và hòa đồng với thế giới.”

Tin Cùng Chuyên Mục