Tuyển người từ Google về làm tìm kiếm, Apple lại mất chính nhóm nhân sự này về tay Google

Anh Vũ

Nhóm kĩ sư từng làm việc tại Google về Apple phát triển công cụ tìm kiếm cho Spotlight và Siri nay đã trở lại Google với vị trí và trách nhiệm cao hơn.

Kì vọng cải thiện khả năng tìm kiếm trên các hệ điều hành mang thương hiệu Apple đã được hãng đề cập từ lâu. Vào năm 2018, hãng công nghệ Mỹ từng mua lại startup Laserlike của 3 cựu kĩ sư Google. Startup này sử dụng công nghệ machine learning để gợi ý website cho người dùng dựa trên sở thích cũng như lịch sử trình duyệt.

Đồng sáng lập Laserlike, ông Srinivasan Venkatachary tới Apple nhận trách nhiệm phụ trách nhóm nhân sự 200 người phát triển công cụ tìm kiếm riêng. Không chỉ hoàn thiện thuật toán tìm kiếm, Srinivasan Venkatachary cùng đồng nghiệp còn phát triển tính năng Spotlight hay tính năng gợi ý, trả lời của Siri.

Tuyển người từ Google về làm tìm kiếm, Apple lại mất chính nhóm nhân sự này về tay Google - Ảnh 1

Rời Google để mở startup và sau khi tới Apple, Srinivasan Venkatachary gặp lại người đồng nghiệp cũ John Giannandrea, phó giám đốc trí tuệ nhân tạo tại Apple cũng đồng thời là cựu giám đốc Google. Ban đầu, cả hai lên kế hoạch xây dựng đội ngũ nhân sự với mô hình giống với Google, tập trung tuyển dụng cả các cựu kĩ sư từng làm việc cho Google về công cụ tìm kiếm.

Tham vọng về việc thế chân Google trên thị trường dịch vụ tìm kiếm có lẽ không khả thi với Apple khi mà theo giới chuyên môn, phải mất ít nhất 4 năm nữa, Apple mới đạt được khả năng gần như tương đồng với đối thủ.

Apple cũng không nhất thiết phải thế chân Google khi mà cả hai hãng công nghệ đều đang hợp tác cùng nhau, điển hình là mỗi năm Google đều trả Apple từ 18 tới 20 tỷ USD để trở thành công cụ tìm kiếm chính trên các thiết bị Apple. Thế nhưng, với công cụ tìm kiếm được xây dựng nội bộ, Apple hoàn toàn có thể thương thảo một mức giá khác tốt hơn với Google nếu công cụ tìm kiếm vẫn muốn hoạt động trên các thiết bị mang logo táo.

Thương vụ giữa Apple và Google từng là chủ đề nóng vì hai tập đoàn công nghệ lớn bắt tay kiểm soát internet của hàng tỷ người đùng.
Thương vụ giữa Apple và Google từng là chủ đề nóng vì hai tập đoàn công nghệ lớn bắt tay kiểm soát internet của hàng tỷ người đùng.

Dù vậy, tham vọng trên của Apple sẽ phải lùi lại thêm một khoảng thời gian nữa do nhóm sáng lập Laserlike đã xin thôi việc và quay trở lại Google. Venkatachary quay trở lại dưới tư cách phó giám đốc khối trí tuệ nhân tạo và học máy. Hai nhà đồng sáng lập còn lại cũng làm cùng bộ phận tuy nhiên chức vụ thấp hơn.

Nhóm nhân sự cũ do Venkatachary quản lý tại Apple sẽ được chuyển sang thiết kế công cụ gợi ý tìm kiếm cho Apple Music cũng như kho ứng dụng App Store. Lượng dữ liệu nhóm này xây dựng trong suốt 6 năm qua cũng có thể được tái sử dụng phục vụ cho phân tích ngôn ngữ, dùng cho một ứng dụng dịch thuật tới từ Apple.

Quay trở lại với Apple, để đạt được khả năng tìm kiếm giống với Google ở thời điểm hiện tại, Apple sẽ phải đầu tư rất nhiều chi phí, nhân lực cũng như thời gian. Giới chuyên môn nhận định, giải pháp kinh tế ngắn hạn có thể liên quan tới Microsoft cùng công cụ tìm kiếm Bing. Thay vì phân phối toàn phần lĩnh vực tìm kiếm cho Google, Apple có thể hợp tác cùng Bing ở cấp độ thấp hơn. Bing hiện tại có thị phần thấp so với các công cụ tìm kiếm tương đồng, thỏa thuận giữa Bing và Apple sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với thương vụ Apple với Google.

Tin Cùng Chuyên Mục