Tỷ phú Hàn Quốc mở nhà máy điện gió đầu tiên tại Việt Nam, kiếm hàng tỷ won chỉ sau 4 năm hoạt động

Đỗ Hiền Bloomberg

Dù sinh ra trong gia đình nông dân nhưng doanh nhân Gim Seong-gon luôn tìm cách vươn lên. Với tầm nhìn về sự phát triển của năng lượng sạch, trong đó có điện gió, ông đã trở thành ông chủ của công ty sản xuất tháp gió lớn nhất thế giới.

Ở thời điểm cuối những năm 1980, ông Gim Seong-gon, xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo Hàn Quốc, đang là chủ của một doanh nghiệp sản xuất thép kết cấu, bao gồm ống khói cho nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, bị hấp dẫn và nhìn thấy tiềm năng phát triển của năng lượng gió, người đàn ông liều lĩnh này đã quyết định "rẽ ngang", dồn toàn bộ nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ này. Năm 2003, Gim thành lập công ty CS Wind và khởi động đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo bằng việc xây dựng nhà máy tháp gió đầu tiên tại Việt Nam.

Đối với Gim Seong-gon, người từng phải trang trải tiền học phí đại học bằng công việc làm thêm tại bưu điện và dạy gia sư, CS Wind là dấu mốc lớn trong sự nghiệp và cuộc đời của ông.

5 năm sau, doanh nghiệp còn non trẻ của Gim nhận được khoản đầu tư 47,2 tỷ won (43 triệu USD) từ Goldman Sachs, từ đó giúp công ty mở rộng quy mô ra 7 quốc gia khác. Đến nay, doanh nghiệp của Gim đã trở thành đơn vị sản xuất tháp gió lớn nhất thế giới. Cổ phiếu của công ty tăng liên tục trong 4 năm. Đặc biệt, trong năm 2020, giá cổ phiếu đã tăng tới 5 lần và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao hơn nữa khi Joe Biden lên làm tổng thống Mỹ.

“Gim đã nhanh chóng xác định được tiềm năng tăng trưởng của ngành năng lượng này trên toàn cầu”, Han Byung-hwa, chuyên gia phân tích tại Eugene Investment & Securities Co. nhận định. “Ngành công nghiệp này đang chứng kiến mức tăng trưởng nhanh vượt trội."

Ông Gim Seong-gon là chủ tịch công ty sản xuất tháp gió lớn nhất thế giới. Ảnh: CS Wind
Ông Gim Seong-gon là chủ tịch công ty sản xuất tháp gió lớn nhất thế giới. Ảnh: CS Wind

Theo Bloomberg Billionaires Index, doanh nhân Gim, 67 tuổi, hiện là một trong những người giàu nhất Hàn Quốc. 51% cổ phần mà ông sở hữu cùng gia đình tại CS Wind Corp có giá trị khoảng 1,4 tỷ USD. 

“Vận hành doanh nghiệp là liên tục tìm ra những mục tiêu mới để chinh phục”, ông Gim cho biết trong một buổi phỏng vấn vào năm 2014. “Khi đạt được một mục tiêu, bạn cần phải tiếp tục tiến đến cái đích mới. Đó là cách tôi quản lý việc kinh doanh”.

Tương lai rộng mở của CS Wind và ngành năng lượng sạch

Theo phân tích của BNEF, với việc chính phủ các nước trên thế giới đang tích cực thúc đẩy sự phát triển của năng lượng xanh, dự kiến tới năm 2050 năng lượng gió và mặt trời sẽ đáp ứng được 56% nhu cầu điện toàn cầu.

Tại Mỹ, tổng thống Biden muốn xây dựng mạng lưới điện quốc gia không các-bon vào năm 2035. Trung Quốc dự kiến tiến đến trung hòa các-bon vào năm 2060. Liên minh châu Âu đồng ý cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.

Theo phát ngôn viên của Goldman Sachs, chính các hoạt động của CS Wind tại nước ngoài đã thu hút ngân hàng này đầu tư cho họ vào năm 2008. Dù hiện tại Goldman Sachs đã rút gần hết vốn khỏi CS Wind nhưng họ vẫn là một trong những người ủng hộ cho mảng năng lượng tái tạo của doanh nghiệp này.

Doanh thu tại CS Wind tăng gấp đôi chỉ trong 2 năm từ 2017 đến 2019 và tăng 16% lên 695 tỷ won (624 triệu USD) trong 9 tháng đầu năm 2020 với thu nhập ròng tăng 49,3 tỷ won (42,2 triệu USD).

CS Wind hiện vận hành các nhà máy tại nhiều quốc gia, bao gồm Malaysia, Trung Quốc và Anh, bán sản phẩm cho các công ty nổi tiếng trong lĩnh vực điện gió như Siemens Gamesa Renewable Energy SA, General Electric Co. và Vestas Wind Systems A/S. Doanh nghiệp này thậm chí đã lên kế hoạch xây dựng các nhà máy ở Mỹ, nơi tân tổng thống Joe Biden cam kết ưu tiên các nhà cung cấp có trụ sở tại quốc gia này.

Tin Cùng Chuyên Mục