Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đại gia Trần Đình Long và quan điểm về "con ông cháu cha"

Hiếu Nguyễn (Tổng Hợp)

(Doanhnhan.vn) - Những người thừa kế, thế hệ được gọi vui là "con ông cháu cha" cũng đã từng được nhắc tới khi hai tỷ phú Phạm Nhật Vượng (VinGroup), Trần Đình Long (Hòa Phát) xuất hiện trên mặt báo.

Tại Hàn Quốc, khái niệm "chaebol" để chỉ các tập đoàn tư nhân khổng lồ, thường được điều hành theo kiểu gia đình, cha truyền con nối. Những cái tên sừng sỏ như Hyundai, LG, Samsung hay Hanjin, Kumho, Lotte và SK đều hoạt động theo mô hình này.

Với sự vươn lên mạnh mẽ của các tập đoàn kinh tế tư nhân tại Việt Nam, câu chuyện đào tạo, dẫn dắt đội ngũ F2 để kế thừa tập đoàn nhận được nhiều sự quan tâm. Mới đây nhất, ông chủ Tập đoàn Alphanam - Nguyễn Tuấn Hải đã tuyên bố quyết định giải thể đơn vị thành viện là CTCP Đầu tư Alphanam, nhường lại quyền điều hành cho hai người con Nguyễn Ngọc Mỹ, Nguyễn Minh Nhật. Sự chuyển giao này không có gì bất ngờ, bởi ông Nguyễn Tuấn Hải đã lui về "ở ẩn", dần giao quyền điều hành cho hai con từ cách đây 5 năm.

Những người thừa kế, thế hệ được gọi vui là "con ông cháu cha" cũng đã từng được hai tỷ phú Phạm Nhật Vượng (VinGroup), Trần Đình Long (Hòa Phát) nhắc tới trên mặt báo.

Đại gia Trần Đình Long: “Con ông, cháu cha” đều phải đi làm như người bình thường

Trả lời Tiền Phong vào tháng 3/2018, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát khẳng định thế hệ kế thừa tập đoàn phải vươn lên từ những vị trí bình thường nhất:

"Thứ nhất là phải để các cháu học hành tử tế. Hòa Phát có quy định “con ông, cháu cha” cũng phải vào làm việc như những người bình thường, chứng minh qua công việc thực tế. Không có chuyện vào làm lãnh đạo ngay. Và sau này có vươn được lên không thì phải do ông có công chứ không phải do chúng tôi. Tuy nhiên, mọi việc đang tốt. Có con một anh ở Hội đồng quản trị giờ đã làm đến hàm trưởng phòng, trưởng thành lắm.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đại gia Trần Đình Long và quan điểm về

 

Trái với suy nghĩ của nhiều người, ông Trần Đình Long phủ nhận sự tồn tại của bất cứ ưu tiên đặc biệt nào dành cho thế hệ kế cận:

"Tại Hòa Phát, sự hỗ trợ của bố mẹ là không có, phải chứng minh bằng năng lực thật sự. Không có chuyện “con ông, cháu cha” một mình đi làm một giờ hay thế này thế khác.

Tất cả đều phải đi làm như người bình thường. Đến giờ lên ăn cơm tập thể như bình thường. Tôi đảm bảo 100% không có bất cứ ưu đãi nào cho các “con ông, cháu cha” ở tập đoàn."

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và triết lý nuôi dạy con 

Trong bài phỏng vấn hồi đầu năm 2019 trên báo Tuổi Trẻ, tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng - chủ tịch Tập đoàn VinGroup cũng không ngại trả lời câu hỏi về chuyện đào tạo, rèn luyện thế hệ kế cận. 

Quan điểm của tôi là các cháu phải chịu khó lao động, yêu lao động và phải rèn luyện. Như cậu con trai đầu, ngày xưa ở bên Ukraine sân nhà tôi rất rộng, đến mùa hè tôi mua một xe gạch về đổ xuống sân.

Cháu và mấy đứa bạn nữa cứ chở từ đầu này đến đầu kia sắp xếp xong là được 100 đô, cứ như vậy làm miệt mài cả mùa hè. Ngay bây giờ cũng thế, cũng phải lao động. Như con bé út nhà tôi bây giờ cũng thế, ăn cơm xong là phải đi dọn bát, làm việc nhà.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đại gia Trần Đình Long và quan điểm về

 

Đặc biệt, đối với vị tỷ phú USD giàu nhất Việt Nam, ông quan niệm không đặt áp lực vào thế hệ sau:

"Quan điểm của tôi là không bắt sau này các con phải ôm công việc của bố. Các con yêu thích và có năng lực đến đâu thì làm đến đấy, không thì thôi, không thể hủy hoại cái sự nghiệp mà bao nhiêu người tâm huyết xúm lại làm mới ra được.

Ngay cái anh này (ông chỉ cậu con trai đầu đang ngồi bên cạnh mình) bây giờ cũng phải đi làm hùng hục, đi công tác suốt ngày, đi xuống cơ sở ngồi làm, không thể khệnh khạng được.

Đây là cơ hội để cho anh ấy học hỏi. Nghe xem các chú các bác, rồi bố làm việc như thế nào. Chứ bình thường bạn ấy toàn tiếp xúc với đội trẻ hơn mình thì khó vươn lên được."

Có thể nói, các tỷ phú Việt - sau hàng chục năm kinh doanh trên thương trường, đều có chung quan điểm muốn con cái học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ chính những vị trí thấp nhất trong tập đoàn. Đó cũng là cách thế hệ trẻ được va chạm, được sai lầm, rồi "vỡ" ra những bài học không có ở bất cứ trường lớp nào. 

Tin Cùng Chuyên Mục