Tỷ phú Ronald O. Perelman: Từ nhà tài trợ quen mặt của Oscars trở thành "ông vua nợ" nước Mỹ

Như Quỳnh

Ronald O. Perelman là một doanh nhân, nhà đầu tư nổi tiếng với các thương vụ sáp nhập dùng đòn bẩy.

Không giống với nhiều tỷ phú khác, Ronald O. Perelman là người hiếm hoi thuộc tầng lớp siêu giàu Mỹ không giàu lên trong thời kỳ đại dịch. 

Trong ba thập kỷ qua, ông chỉ sống trong một ngôi nhà phố ở New York, gần văn phòng MacAndrews & Forbes - công ty đầu tư nơi Perelman đang là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành. MacAndrews & Forbes sở hữu một đế chế nhỏ các doanh nghiệp như cờ bạc trực tuyến, siêu thị giá rẻ, và đặc biệt là ông lớn ngành mỹ phẩm Revlon. 

Perelman mua lại Revlon vào năm 1985 với giá 2,7 tỷ USD. Đây cũng chính là thương vụ làm nên tên tuổi và đưa sự nghiệp của Perelman lên đỉnh cao. Sau thương vụ, Perelman gia nhập tầng lớp thượng lưu ở Mỹ, trở thành nhà tài trợ quen thuộc cho giải Oscar và có mối quan hệ thân thiết với giới nghệ sĩ, diễn viên Hollywood. 

Ca sĩ Pharrell Williams và tỷ phú Perelman tại một buổi gây quỹ hàng năm mà ông tổ chức. Ảnh: Kevin Mazur.
Ca sĩ Pharrell Williams và tỷ phú Perelman tại một buổi gây quỹ hàng năm mà ông tổ chức. Ảnh: Kevin Mazur.

Mối quan hệ căng thẳng với cha

Ông Perelman lớn lên ở Pennsylvania (Mỹ). Mẹ ông - bà Ruth ở nhà làm việc nội trợ và cha ông -  Raymond Perelman là ông trùm ngành thép Mỹ vào giữa thế kỷ 20. 

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thông kinh doanh, Perelman đã tiếp xúc với công việc từ sớm bằng việc tham dự các cuộc họp tại công ty Belmont Iron Works do cha ông sở hữu. 

Ronald O. Perelman và cha mình - Raymond Perelman. Ảnh: Đại học Princeton. 
Ronald O. Perelman và cha mình - Raymond Perelman. Ảnh: Đại học Princeton. 

Sau khi tốt nghiệp trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, Perelman đến làm việc cho cha mình. Bất đồng xuất hiện khi Perelman muốn trở thành chủ tịch Belmont Iron Works và không được cha đồng ý.

Ronald Perelman bỏ nhà ra đi và gần như không nói chuyện với cha mình vài năm sau đó. Tuy nhiên ông nhận được một số tiền từ mẹ và bắt đầu sự nghiệp riêng với tư cách nhà đầu tư. 

Chuyên gia đầu tư từ vốn đi vay

Thương vụ đầu tiên của Ronald Perelman ở New York là Cohen-Hatfield, một công ty trang sức. Ông giành quyền kiểm soát công ty bằng khoản vay ngân hàng 1,9 triệu USD và chỉ 2 năm sau đã kiếm được 15 triệu USD.

Ronald Perelman tiếp tục khéo léo tận dụng mối quan hệ với các giám đốc điều hành tại Drexel, Burnham và Lambert. Đây đều là những trung tâm chuyên mua bán trái phiếu rác vào những năm 1980, từ đó giúp Perelman thực hiện nhiều thương vụ sáp nhập bằng đòn bẩy (mua lại công ty bằng vốn đi vay). Các thương vụ đòn bẩy nổi tiếng mà Perelman thực hiện có thể kể đến: MacAndrews & Forbes (nhà sản xuất kẹo), Technicolor (bộ xử lý phim), Cigar United (nhà sản xuất xì gà lớn nhất nước Mỹ) và Pantry Pride (chuỗi siêu thị).

Tuy nhiên, Revlon vẫn là "chiến tích" lớn nhất với Perelman. Thương vụ được tờ New York Times mô tả vào năm 1985 là "một trong những trận chiến quan trọng nhất của công ty thời hiện đại". 

Ông Perelman phát biểu tại một sự kiện của Revlon. Ảnh: Vanity Fair. 
Ông Perelman phát biểu tại một sự kiện của Revlon. Ảnh: Vanity Fair. 

Revlon được thành lập vào năm 1932, và phát triển trở thành công ty trang điểm lớn thứ hai tại Mỹ, chỉ sau Estée Lauder. Năm 1975, người sáng lập Revlon qua đời và giám đốc điều hành mới của hãng, Michel Bergerac, đã sử dụng doanh thu từ các dòng mỹ phẩm Revlon để mở rộng sang các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thiết bị y tế.

Bước đi này khiến Revlon bước vào tình trạng ế ẩm. Đến năm 1983, cổ phiếu Revlon giảm sâu xuống chỉ còn khoảng 35 USD, khiến giá trị vốn hóa thị trường thấp hơn nhiều so với giá trị thực. 

Ban đầu, Perelman đã cố gắng thuyết phục Bergerac để mình tiếp quản Revlon. Sau khi bị từ chối, Perelman hợp tác với Gordon Gekko - một chuyên gia nổi tiếng Phố Wall với các thương vụ sáp nhập đình đám. Không lâu sau đó, vào tháng 11/1985, Perelman mua lại thành công Revlon và bắt đầu cải tổ công ty.

Thương vụ đình đám nhất nay là khoản nợ đau đầu nhất

Từng là niềm kiêu hãnh, ít ai ngờ Revlon hiện là nguyên nhân chính dẫn đến khoản nợ khổng lồ mà vị tỷ phú 79 tuổi phải gánh chịu. Nhận thấy Revlon tỏ ra hụt hơi so với các dòng mỹ phẩm trẻ trung của các ngôi sao như Rihanna và Kylie Jenner, Perelman quyết định thực hiện nước đi táo bạo. 

Năm 2016, Revlon sáp nhập công ty mỹ phẩm Elizabeth Arden với giá 1,034 tỷ USD. Cũng trong cùng năm, Revlon thuê Citigroup để cùng nhau thực hiện một gói cho vay trị giá 1,8 tỷ USD. Tiếp đó vào năm 2019 và 2020, Revlon đàm phán và tiếp tục vay được 1 tỷ USD từ một nhóm nhà đầu tư và dùng tài sản trí tuệ của công ty làm thế chấp. 

Siêu du thuyền C2 - từng thuộc về ông Perelman đã bị bán đi để trả khoản nợ khổng lồ của Revlon. Ảnh: Superyatchfan. 
Siêu du thuyền C2 - từng thuộc về ông Perelman đã bị bán đi để trả khoản nợ khổng lồ của Revlon. Ảnh: Superyatchfan. 

Có thể hiểu các thương vụ trên của Revlon như khi bạn thế chấp nhà để đi vay. Khi nhận ra mình không thể thanh toán khoản nợ, bạn tiếp tục đi vay mượn từ người khác và dùng mảnh đất xây nhà làm thế chấp.

Sau khi nhận ra thủ thuật này, nhóm nhà đầu tư trên đã đệ đơn kiện Revlon và Citigroup, cáo buộc hai bên thông đồng "ăn cắp". Vụ kiện sau đó đã được bác bỏ và ông Perelman tuyên bố cáo buộc là "không có cơ sở và bằng chứng".

Dù thắng kiện, những thương vụ trên vẫn khiến Revlon nợ đến 3 tỷ USD - gấp 5 lần giá trị vốn hóa thị trường. Phần lớn khoản vay này được tỷ phú Perelman đảm bảo bằng tài sản, tác phẩm nghệ thuật,...

Khi đại dịch bùng phát, giá cổ phiếu Revlon giảm từ 24 USD xuống còn 5 USD và Perelman buộc phải bán bớt tài sản để trả nợ ngân hàng, trong đó có tác phẩm nghệ thuật 'Miró và Matisse' (39 triệu USD), tác phẩm điêu khắc Giacometti (90 triệu USD), biệt thự (80 triệu USD),... Ông cũng phải thanh lý hai chiếc máy bay phản lực và một siêu du thuyền với giá 106 triệu USD. 

Ngay khi Revlon trên bờ vực sụp đổ, Ronald Perelman nhận được sự giúp đỡ kịp thời từ cha. Tháng 12 năm ngoái, Bloomberg đưa tin Raymond Perelman, trong những ngày cuối đời đã cho con trai Ronald vay số tiền khoảng 120 triệu USD từ quỹ gia đình. 

Dù đang chật vật với con tàu đắm Revlon, vị tỷ phú 79 tuổi vẫn tỏ ra hết sức lạc quan: "Nghỉ hưu chỉ là khởi đầu của sự kết thúc. Tôi sẽ tiếp tục làm việc cho đến năm 120 tuổi". 

Tin Cùng Chuyên Mục