Tỷ phú trẻ nhất nước Anh - Vượt qua căn bệnh nan y để tạo ra "kỳ tích Covid" với doanh nghiệp trị giá 5,7 tỷ USD

Như Quỳnh

Chỉ trong một năm, Johnny Boufarhat đã gây dựng công ty trị giá 5,7 tỷ USD mà không cần mở bất kỳ một văn phòng nào. Công ty của anh có đến 500 nhân viên, nhưng Boufarhat mới chỉ gặp mặt trực tiếp 12 người trong số họ.

Tỷ phú trẻ nhất nước Anh - Vượt qua căn bệnh nan y để tạo ra "kỳ tích Covid" với doanh nghiệp trị giá 5,7 tỷ USD

Ở tuổi 26, Johnny Boufarhat là tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất, đứng thứ 113 trong danh sách người giàu nhất nước Anh. Công ty mà Boufarhat sáng lập và điều hành là Hopin - một nền tảng gọi video trực tuyến có cách hoạt động khá giống Zoom. 

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Hopin trở thành một trong những công ty kinh doanh thành công nhất. Lượng người dùng ứng dụng này đã tăng vọt từ 5.000 lên 5 triệu người và công ty đã tổ chức 80.000 sự kiện cho các tổ chức lớn như American Express, Hewlett-Packard và The Wall Street Journal.

Danh tiếng tăng nhanh giúp giá trị của Hopin tăng từ 3,1 triệu USD lên 5,7 tỷ USD. Tuy nhiên Johnny Boufarhat tỏ ra không quá hào hứng trước con số khổng lồ này.

"Định giá chỉ là con số thôi. Chúng tôi không kỷ niệm các mốc định giá hay vòng gọi vốn mới. Chúng tôi chỉ ăn mừng khi đem đến trải nghiệm tốt cho khách hàng hay khi công việc thuận lợi" - Nhà sáng lập kiêm CEO Hopin nói. 

Tuổi thơ du mục và căn bệnh quái ác

Tỷ phú trẻ nhất nước Anh Johnny Boufarhat. Ảnh: Viral We Grow
Tỷ phú trẻ nhất nước Anh Johnny Boufarhat. Ảnh: Viral We Grow

Boufarhat sinh ra và lớn lên ở Sydney, anh có cha là kỹ sư cơ khí người Lebanon trong khi mẹ là kế toán người Armenia. Từ khi còn nhỏ, Boufarhat đã cùng gia đình di chuyển quanh Australia và sau đó tiếp tục chuyển đến Los Angeles (Mỹ) và Dubai. 

Khi đến tuổi học Đại học, Boufarhat lựa chọn theo học ở Manchester (Anh) thay vì một trường Đại học Mỹ vì thời gian tốt nghiệp ngắn hơn. Ngay khi còn là sinh viên, anh đã phát triển một ứng dụng có tên là Universe giúp sinh viên nhận được phiếu giảm giá tại các nhà hàng nếu họ đặt chỗ trực tuyến từ trước. 

Vào năm cuối Đại học, Boufarhat đã nảy ra ý tưởng xây dựng Hopin. Tuy nhiên lúc này anh bắt đầu xuất hiện những triệu chứng kỳ lạ như buồn nôn, nôn mửa vào buổi sáng. 

Boufarhat vẫn tiếp tục nỗ lực vượt qua các triệu chứng, anh được nhận vào làm việc tại PwC Dubai và Multiplex ở London. Chỉ một thời gian ngắn sau, anh bỏ việc vì "không thích phải làm công cho người khác". Boufarhat lúc này cũng bắt đầu đối mặt với các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn, khiến anh dường như mất trí nhớ và không thể ra ngoài.

Nằm tuyệt vọng trong căn hộ của bạn gái ở London, Boufarhat khao khát được kết nối với thế giới bên ngoài. Anh bắt đầu viết mã cho một ứng dụng hội nghị truyền hình và thử nghiệm thành công trong cộng đồng nhỏ. 

Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh tự miễn dịch và hồi phục thành công nhờ chế độ dinh dưỡng khắt khe, Boufarhat bắt đầu gửi mail kêu gọi đầu tư cho Hopin tới nhiều công ty đầu tư mạo hiểm. Thế nhưng không ai hồi đáp anh vào thời điểm đó. 

Hành trình kỳ diệu của Hopin

Sau khi kêu gọi được 350.000 USD từ một nhà tài trợ thiên thần (angel investor), Hopin được định giá 3,1 triệu USD vào tháng 11/2019. Cùng trong tháng đó, công ty ghi nhận doanh số 300.000 USD chỉ từ các khách hàng dùng thử. 

"Lúc đó tôi mới nhận ra: 'Ồ, mình thậm chí không cần phải huy động tiền nữa'" - Boufarhat nói. 

Giao diện của Hopin. Ảnh: Martech Zone
Giao diện của Hopin. Ảnh: Martech Zone

Đến tháng 3/2020, Hopin đã có hơn 20.000 nhà tổ chức sự kiện trong danh sách khách hàng chờ dù vẫn chỉ đang ở chế độ dùng thử. Boufarhat ban đầu dự định đợi đến mùa thu mới ra mắt phiên bản chính thức, nhưng Covid-19 đã thay đổi mọi thứ hoàn toàn. 

Các lệnh giãn cách xã hội làm cho nhu cầu tổ chức cuộc họp, sự kiện trực tuyến tăng đột biến, đem về cho Hopin 63 triệu USD doanh thu từ tháng 3/2020 đến tháng 1/2021.

Dự báo trong năm nay, Hopin sẽ đạt doanh thu 150 triệu USD. Giống như Zoom, Hopin được nhiều chuyên gia gọi là "kỳ tích Covid" nhờ thành tích kinh doanh xuất sắc trong mùa dịch. 

Mô hình hoạt động của Hopin cũng rất linh hoạt. Công ty có hơn 500 nhân viên làm việc ở khắp nơi trên thế giới mà không có trụ sở chính nào. Bản thân Boufarhat hiện đang sống ở Barcelona cùng bạn gái, tuy nhiên anh dự định sẽ tiếp tục di chuyển chỗ ở khắp châu Âu. 

Boufarhat cũng tỏ ra là một vị sếp tâm lý và không quan tâm tới việc liệu các nhân viên làm việc tại nhà của mình có tuân thủ nguyên tắc làm việc hay không.

"Chúng tôi chỉ quan tâm đến kết quả mà bạn đem lại, liệu đồng nghiệp có thích làm việc chung với bạn hay không. Ngay cả khi bạn có vừa xem TV vừa làm việc cả ngày, chúng tôi cũng mặc kệ nếu công việc được hoàn thành tốt", vị CEO thoải mái nói.

Tương lai ngành dịch vụ sự kiện trực tuyến

Boufarhat cho rằng tương lai của Hopin nói riêng và ngành dịch vụ sự kiện trực tuyến nói chung sẽ là "hỗn hợp" (hybrid). Anh cho rằng vẫn chưa thể xóa bỏ hoàn toàn các cuộc gặp mặt trực tiếp, tuy nhiên những cuộc họp kinh doanh trực tuyến sẽ ngày càng phổ biến hơn.

"Kinh doanh và giao tiếp là hai việc khác nhau. Mọi người nên gặp gỡ trực tiếp và giao lưu cùng nhau hơn là qua màn hình bởi mạng xã hội chưa làm tốt công việc giúp chúng ta cảm thấy thực sự được kết nối. Tuy nhiên với các sự kiện kinh doanh, tôi nghĩ nhiều người sẽ duy trì các cuộc họp trực tuyến hoặc kết hợp cả hai hình thức online - offline", Boufarhat nhận định. 

Boufarhat cũng cho biết Hopin không áp đặt suy nghĩ sử dụng phần mềm trực tuyến sẽ tốt hơn cho môi trường với khách hàng: "Tôi thích mô hình sản xuất sản phẩm tốt nhất như của Tesla. Điều đó sẽ tự động thu hút khách hàng và khiến họ muốn làm điều tốt đẹp hơn cho thế giới".

Tin Cùng Chuyên Mục